Doanh nghiệp

Ngành công nghiệp game Việt Nam một năm nhìn lại

Nguyễn Chuẩn 29/12/2024 05:53

Ngành công nghiệp game Việt Nam đã thể hiện sự tăng trưởng và khả năng phục hồi đáng kể vào năm 2024.

Sự bùng nổ và tăng trưởng

Theo báo của của công ty nghiên cứu thị trường Vietnam Briefing, ngành công nghiệp game Việt Nam năm 2024 tiếp tục là điểm sáng trong lĩnh vực giải trí, với doanh thu ước tính đạt khoảng 12.500 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2023 (12.552 tỷ đồng). Tuy nhiên, số lượng lao động trong ngành ước tính khoảng 4.100 người, tăng 31% so với năm 2023.

gamevn(1).png
Ngành công nghiệp game Việt Nam đã thể hiện sự tăng trưởng và khả năng phục hồi đáng kể vào năm 2024.

Nếu như trong năm 2023, các nhà phát triển game Việt Nam đã đạt được 4,2 tỷ lượt tải xuống trên toàn cầu, tăng trưởng gấp 2,5 lần so với mức trung bình toàn cầu. Trong năm 2024, xu hướng này tiếp tục duy trì nhờ vào khả năng đổi mới và thích ứng nhanh chóng của các nhà phát triển trong nước. Một xu hướng đáng chú ý khác là sự chuyển dịch từ trò chơi siêu giản dị sang mô hình lai, kết hợp các cơ chế chơi phong phú hơn và hệ thống mua hàng trong ứng dụng. Xu hướng này đã giúp tăng tương tác người dùng và kéo dài vòng đời của trò chơi.

Việc tích hợp AI vào quá trình phát triển trò chơi cũng đã mang lại những bước tiến đáng kể. Thị trường game ở Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, đang trải qua giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ nhờ AI, với doanh thu dự kiến đạt 6,1 triệu USD năm 2024.

Bên cạnh đó, sự phát triển của thể thao điện tử (eSports) cũng là một điểm sáng đáng chú ý. Năm 2024, ước tính lượng khán giả eSports tại Việt Nam sẽ đạt hơn 10 triệu người, tăng mạnh so với mức 8,3 triệu người năm 2022. Các giải đấu chuyên nghiệp và đầu tư từ các công ty trong và ngoài nước đã thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực này, biến Việt Nam thành một trong những thị trường eSports tiềm năng nhất khu vực.

Tiềm năng và thách thức

Trên thực tế, môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển ngành công nghiệp game. Lực lượng lao động trẻ trung và linh hoạt, với khoảng 35.000 nhà phát triển và 400 công ty đang hoạt động, đã giúp Việt Nam lên top 5 thế giới về lượt tải trò chơi di động. Các trường đại học như Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) và Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) đã bắt đầu đào tạo chính quy về thiết kế và phát triển trò chơi, trong khi quan hệ đối tác với Google cũng đã tăng cường xây dựng kỹ năng.

game.jpg
Để duy trì đà tăng trưởng, ngành công nghiệp game Việt Nam cần tăng cường nội lực.

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng đã thể hiện cam kết thúc đẩy ngành qua việc bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm 2023, đồng thời khảo sát các ưu đãi thuế mới. Quan hệ hợp tác giữa các nhà phát triển trong nước và quốc tế, như Roblox và EA, đã tăng cường kiến thức và kinh nghiệm.

Tuy nhiên, ngành vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Sự phụ thuộc vào trò chơi nước ngoài, chiếm 86% thị trường, là một rào cản lớn. Các quy định nghiêm ngặt về nội dung và giờ chơi trẻ em đã ảnh hưởng đến khả năng tăng tương tác. Việc thiếu hụt nhân tài của các studio trong nước cũng như khó khăn trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cần được khắc phục.

Ngoài ra, chất lượng của các trò chơi sản xuất trong nước cần được nâng cao để cạnh tranh với sản phẩm quốc tế. Các studio nội địa gặp khó khăn trong việc kéo dài vòng đời sản phẩm và đa dạng hóa nguồn doanh thu. Để giải quyết những thách thức này, cần có các khoản đầu tư chiến lược vào đào tạo nhân tài, cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và hỗ trợ chính sách từ phía chính phủ.

Tại sự kiện Vietnam GameVerse 2024, các chuyên gia nhận định Việt Nam đang trong giai đoạn tăng tốc và có thể hiện thực hóa giấc mơ đạt doanh thu 1 tỷ USD. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, ngành cần giải quyết bài toán về vốn, nhân sự và công nghệ.

Nhìn chung, ngành công nghiệp game Việt Nam năm 2024 đã có những bước tiến đáng kể, nhất là trong việc đổi mới và hợp tác quốc tế. Song, để duy trì đà tăng trưởng, ngành cần tăng cường nội lực, đầu tư vào phát triển nội dung trong nước và đối phó với những thách thức về quy định. Những bước đi chiến lược, từ việc phát triển nguồn nhân lực, tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đến việc đầu tư vào công nghệ mới nổi như thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR), có thể sẽ là chìa khóa để Việt Nam vươn lên thành một trung tâm game khu vực và toàn cầu.

Nguyễn Chuẩn