Xây dựng Đồ Sơn trở thành đô thị du lịch biển thông minh
Với định hướng xây dựng Đồ Sơn trở thành đô thị du lịch biển thông minh, địa phương này đang nỗ lực phấn đấu trở thành điểm sáng về du lịch 4 mùa.
Tìm hướng đi mới
Đồ Sơn vốn được thiên nhiên ưu ái ban tặng phong cảnh sơn thủy hữu tình với núi cao, biển rộng cùng nhiều di tích lịch sử văn hóa như: Chùa – tháp Tường Long, Đảo Dấu, khu di tích bến K15, chùa Hang,… Hàng năm, trên địa bàn cũng diễn ra nhiều lễ hội độc đáo thu hút đông đảo du khách về dự hội như: Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn – Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, lễ hội Đảo Dấu…
Những lợi thế trên đã góp phần đưa Đồ Sơn trở thành một điểm đến tham quan đầy hấp dẫn trên bản đồ du lịch cả nước. Những năm trở lại đây, du lịch quận Đồ Sơn tăng trưởng khá ấn tượng.
Ông Lê Đức Hợp – Trưởng phòng Du lịch Văn hóa và Thông tin quận Đồ Sơn cho biết, năm 2024, du lịch Đồ Sơn tiếp tục khẳng định vai trò là ngành kinh tế quan trọng, góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của quận. Công tác quản lý nhà nước về du lịch đã đạt được những kết quả tích cực.
Cụ thể, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cấp dịch vụ du lịch, hoàn thiện cải tạo và đưa vào hoạt động một số dự án trọng điểm như Khu du lịch Đồi Rồng, Bãi tắm khu 2 và các tuyến đường nội thị. Đồng thời, nâng cấp cơ sở lưu trú, khách sạn đạt tiêu chuẩn 3-5 sao, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ du khách; công tác quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh…
Trong năm 2024, địa phương này đã đón và phục vụ 4,3 triệu lượt khách, đạt 113,16% kế hoạch năm, tăng 50,6% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước 3.210 tỷ đồng, đạt 102,07% kế hoạch, tăng 21,13% so với cùng kỳ. Đặc biệt, lượng khách nội địa qua các năm tăng rõ rệt.
Tuy có nhiều tiềm năng, lợi thế, song du lịch Đồ Sơn vẫn gặp không ít vướng mắc, khó khăn. Trong đó, trở ngại lớn nhất của du lịch Đồ Sơn chính là mang tính mùa vụ cao, chủ yếu tập trung vào mùa hè. Song địa phương này đang nỗ lực khắc phục nhược điểm này với mục tiêu trở thành điểm sáng du lịch 4 mùa.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phạm Hoàng Tuấn – Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn cho biết, địa phương hiện đang tập trung khai thác, phát huy những giá trị riêng có, giàu lớp trầm tích văn hóa và di tích lịch sử như: Quần thể đa búp đỏ, chùa tháp Tường Long, chùa Hang, Bến K15, Di tích Kho Xăng, Di tích bến Nghiêng… Đồng thời, tiếp tục duy trì và tổ chức thành công các lễ hội, sự kiện văn hóa lớn của địa phương.
Cũng theo ông Tuấn, Đồ Sơn còn có các sản vật nổi tiếng của địa phương như trà núi ngọc, cá thu một nắng, mắm chắt, bánh cuốn nhân tôm…Trên cơ sở các lợi thế này, Đồ Sơn mở rộng và phát triển đa dạng các loại hình du lịch, với du lịch lễ hội vào mùa xuân, du lịch biển đảo trong mùa hè, du lịch thể thao, hội nghị, hội thảo, sinh thái - trải nghiệm mùa thu - đông…
Theo đó, tiếp nối những bước đi thành công trên hành trình “thay đổi diện mạo du lịch”, địa phương này cũng đang khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ nhằm đưa vào khai thác du lịch sinh thái bền vững đối với hệ sinh thái rừng ngặp mặn Bàng La, nằm trên địa bàn phường Bàng La. Với diện tích 375,15ha cùng hệ thực vật phong phú, đa dạng về tầng tán như cây bần chua, trang, sú vẹt, đước… tạo cảnh quan tự nhiên vô cùng độc đáo.
“Không chỉ là một điểm đến du lịch sinh thái, rừng ngập mặn Bàng La còn là một mô hình phát triển bền vững, giúp bảo vệ hệ sinh thái, đồng thời mang lại cơ hội phát triển kinh tế cho địa phương và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho mọi du khách. Đây cũng là hướng đi mới, điểm đột phá, hứa hẹn tạo động lực tăng trưởng mới cho du lịch Đồ Sơn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương thời gian tới”, ông Tuấn cho biết thêm.
Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển
Được biết đến là một trung tâm du lịch, nghỉ mát, danh thắng thiên nhiên kỳ vĩ và vùng văn hoá cổ truyền đặc sắc của Hải Phòng, những năm gần đây, quận Đồ Sơn đang không ngừng nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ, cơ sở vật chất, định hướng trở thành đô thị du lịch biển thông minh, hấp dẫn và thân thiện. Địa phương này đã liên tục triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch, kết hợp cùng các doanh nghiệp tạo nên những sản phẩm du lịch phù hợp, thu hút được du khách đến với Đồ Sơn trong suốt 4 mùa. Đồng thời, tập trung ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động du lịch giúp các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch giới thiệu, quảng bá những sản phẩm đặc trưng, độc đáo của đơn vị, đồng thời đem đến những trải nghiệm thuận tiện, an toàn, nhanh chóng cho du khách.
Theo đại diện Công ty CP Đầu tư và Du lịch Vạn Hương, Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng hướng tới là một điểm đến cho mọi lứa tuổi bao gồm: công viên thần thoại, khách sạn tiêu chuẩn quốc tế và một sân golf nổi 27 hố hoàn toàn trên biển đầu tiên tại Việt Nam. Phía doanh nghiệp cũng hướng tới mục tiêu cao nhất là sẽ bổ sung những tiện ích mới, những tiện ích có thể làm phong phú hơn những trải nghiệm của du khách khi đến với Đồ Sơn.
Được biết, hiện trên địa bàn quận Đồ Sơn có tổng số 136 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch với hơn 4.000 phòng. Trong đó, có 1 khách sạn tương đương 5 sao, 1 khách sạn 4 sao, 2 khách sạn tương đương 3 sao…. Trong thời gian tới, Đồ Sơn tiếp tục tổ chức các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp trong và ngoài nước, mời gọi đầu tư vào lĩnh vực nhà hàng, khách sạn cao cấp ở Đồ Sơn… Đồng thời, tăng cường phối hợp các công ty du lịch khai thác tốt các tour du lịch kết nối Đồ Sơn với cả nước như tour: Hồ Chí Minh - Đồ Sơn - Hải Phòng - Hồ Chí Minh, Hà Nội - Đồ Sơn - Đồi Rồng, Hải Phòng - Đồ Sơn - Đền Bà Đế - chùa Hang - Bến tàu không số…
Ông Phạm Hoàng Tuấn – Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn cho biết, quận Đồ Sơn luôn chú trọng xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc, phát huy tiềm năng, thế mạnh địa phương để xây dựng cộng đồng doanh nghiệp quận phát triển mạnh, bền vững.
“Năm 2025, quận Đồ Sơn tiếp tục xác định Chủ đề năm là “ Đồ Sơn - Điểm đến 4 mùa “ với mục tiêu tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, xây dựng, triển khai thực hiện các kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường - vệ sinh an toàn thực phẩm, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất trang thiết bị, nguồn nhân lực chất lượng cao, tuyên truyền, quảng bá và bảo vệ môi trường du lịch thân thiện với thiên nhiên và du khách, tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc các dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn…”, ông Tuấn cho biết thêm.