Khách du lịch đến Đà Nẵng bằng đường biển, đường sắt tăng cao
Theo ghi nhận của ngành du lịch, số lượng khách đến với Đà Nẵng trong năm 2024 từ đường sắt, đường biển đều ghi nhận tăng cao.
Trong năm 2024, khách do cơ sở lưu trú tại Đà Nẵng phục vụ ước đạt gần 10,9 triệu lượt. Trong đó, khách quốc tế ước đạt hơn 4,1 triệu lượt và khách nội địa ước đạt hơn 6,7 triệu lượt. Theo thống kê của ngành du lịch, doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành năm 2024 ước đạt hơn 31 nghìn tỉ đồng.
Hiện nay, thị trường Hàn Quốc vẫn chiếm tỉ lệ Top đầu đến Đà Nẵng, tiếp đến là Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ,... Theo số liệu, hiện đang có 23 đường bay đến Đà Nẵng với 7 đường bay nội địa và 16 đường bay quốc tế thường kỳ.
Trong năm 2024, Đà Nẵng đã xúc tiến mở lại các đường bay các đường bay quốc tế mới như Viêng Chăn (Lào), Ahmedabad (Ấn Độ) cũng như xúc tiến mở mới đường bay đến Cheongju (Hàn Quốc), Đài Trung - Đài Loan (Trung Quốc). Bên cạnh đó, 02 hãng hàng không mới lần đầu khai thác tại Đà Nẵng có hãng Malaysia Airlines khai thác đường bay Kuala Lumpur – Đà Nẵng và hãng Hong Kong Airlines khai thác đường bay Hồng Kông (Trung Quốc) – Đà Nẵng, khai trương đường bay thuê chuyến từ Jakarta (Indonesia). Tần suất trung bình 111 chuyến bay/ngày đến Đà Nẵng, trong đó 52 chuyến quốc tế, 59 chuyến nội địa.
Đặc biệt, tại Đà Nẵng ghi nhận lượng khách du lịch đến bằng đường biển tăng cao với khoảng 41.000 lượt khách, tăng 122% so với năm 2023 và đường sắt ước đón 643.108 lượt khách bằng đường sắt, tăng 43,5% so với năm 2023.
Thông tin từ bà Nguyễn Thị Hoài An - Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng trong năm tới địa phương đặt mục tiêu đón hơn 11,9 triệu lượt khách. Trong đó khách quốc tế 4,8 triệu lượt và khách nội địa hơn 7,1 triệu lượt. Mục tiêu doanh thu cũng được đặt ra là hơn 36 nghìn tỷ đồng.
“Thời gian qua, các sản phẩm du lịch được thành phố và các doanh nghiệp quan tâm đầu tư phát triển. Trong đó, có 10 loại hình sản phẩm đặc sắc góp phần thu hút, phục vụ khách, tạo không khí sôi động, tươi mới”, vị này thông tin.
Cụ thể, thời gian qua Đà Nẵng đã tập trung xây dựng các nhóm sản phẩm như Du lịch lễ hội, sự kiện; Du lịch tham quan, trải nghiệm, vui chơi giải trí, công viên chuyên đề; Du lịch ban đêm; Du lịch nghỉ dưỡng biển;Du lịch văn hóa, lịch sử, cộng đồng, sinh thái; Du lịch đường thủy nội địa. Cùng mới đó là nhóm sản phẩm Du lịch hội nghị hội thảo (MICE);Du lịch cưới; Du lịch Golf; Du lịch ẩm thực.
Theo ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng trong thời gian tới Đà Nẵng cần tập trung nguồn lực tài chính, con người, chính sách để thực hiện các giải pháp phát triển sản phẩm. Từ đó tận dụng lợi thế để khai thác sâu các thị trường truyền thống và triển khai xúc tiến trực tiếp đến các thị trường mới mạnh mẽ hơn nữa.
“Đà Nẵng cần chú trọng việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch đồng thời tạo ra những sản phẩm đột phá gắn với thể chế, chính sách, nguồn lực doanh nghiệp. Địa phương ông bố cách chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp, khách du lịch để thu hút sự quan tâm. Đồng thời tập trung đầu tư, khai thác một thị trường rất lớn trong năm 2025 là khách Hồi giáo”, ông Dũng đề xuất.
Tại Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển du lịch TP Đà Nẵng năm 2025, ông Trần Chí Cường - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho rằng ngành du lịch trong thời gian tới vẫn sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, vị này cũng nhận định địa phương cũng có thêm nhiều động lực từ các chính sách mới, đặc biệt là Nghị quyết số 136/2024/QH15 với những cơ chế, chính sách đặc thù.
Vì vậy, ông Cường yêu cầu các ngành liên quan tập trung triển khai cụ thể với 3 mũi đột phá quan trọng nhằm phát triển bền vững ngành du lịch là Đầu tư, phát triển sản phẩm - Xúc tiến mở rộng thị trường tiềm năng - Nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển nguồn nhân lực.
“Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện và doanh nghiệp phải chung tay hành động bằng trách nhiệm và quyết tâm chính trị cao nhất, nỗ lực cao nhất để tiếp tục phát triển du lịch bền vững và khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế”, ông Trần Chí Cường yêu cầu.