Chứng khoán

3 điểm nhấn trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024

Lê Mỹ 30/12/2024 04:46

Một năm trải qua trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam với nhiều thăng trầm đặc biệt khi chỉ số VN-Index về dưới mức kỳ vọng 1.300 (tại 27/12).

Tuy nhiên đây cũng là năm để lại nhiều dấu ấn và bổ sung các cơ sở, được xem như nền tảng cho một năm “quá độ” để thị trường chứng khoán (TTCK) bước vào năm 2025 kỳ vọng rực rỡ hơn.

Tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý

Về mặt pháp luật, TTCK Việt Nam năm 2024 đón nhận Luật Chứng khoán sửa đổi được thông qua.

Luat CK
Quốc hội chính thức thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi, nằm trong dự án 1 Luật sửa 9 Luật có tên gọi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Theo đó, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tổ chức tháng 11/2024 đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung 9 luật liên quan đến lĩnh vực Tài chính, trong đó có Luật Chứng khoán. Luật Chứng khoán được sửa đổi theo hướng nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán.

Cụ thể, sửa đổi, bổ sung một số quy định như quy định về: Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; Chào bán chứng khoán ra công chúng; Chào bán chứng khoán riêng lẻ; Công ty đại chúng.

Luật cũng hoàn thiện các quy định để tăng cường công tác giám sát và xử lý nghiêm các hành vi gian lận, lừa đảo trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán; quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, bảo đảm hiệu quả phòng ngừa, xử lý vi phạm trên TTCK.

Trong đó, sửa đổi, bổ sung một số quy định về: Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến hồ sơ, tài liệu báo cáo; Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và TTCK; Hủy bỏ đợt chào bán.

Các điểm mới trong Luật Chứng khoán sửa đổi chính thức được thông qua, cùng với các sửa đổi bổ sung trong các Luật tại Luật số 56/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính… (Luật sửa 9 Luật) được nhìn nhận tháo gỡ các vướng mắc trên thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển của TTCK với mục tiêu nâng hạng thị trường, Luật cũng hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện được hoạt động bù trừ, thanh toán các giao dịch chứng khoán trên thị trường theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm trên TTCK Việt Nam và hoàn thiện khung pháp luật Việt Nam đồng bộ trên nhiều phương diện.

Văn bản dưới Luật sau khi Luật Chứng khoán sửa đổi được thông qua, đã được Bộ Tài chính lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Nghị định 155/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán. Việc sửa đổi nghị định được chia thành 3 nhóm chính sách: Nâng cao tính minh bạch, hiệu quả, thống nhất trong hoạt động về chứng khoán và TTCK; Hoàn thiện các quy định để tháo gỡ vướng mắc cho NĐTNN trên TTCK, đảm bảo an toàn cho hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán, hướng đến mục tiêu nâng hạng TTCK bền vững; Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK.

Bên cạnh đó, tháng 9/2024, Bộ Tài chính chính thức thông qua Thông tư 68/2024/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên TTCK, có hiệu lực thi hành từ ngày 2/11/2024.

Thông tư mới có nội dung đáng chú ý liên quan đến việc nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền (non pre-funding) và lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh, có hiệu lực thi hành từ ngày 2/11/2024.

Với việc hoàn thiện Luật và các văn bản dưới Luật, kỳ vọng nâng hạng TTCK Việt Nam theo mục tiêu được tăng thêm cơ sở cụ thể cho các kỳ vọng hiện thực vào năm 2025, cùng với triển vọng phát triển ổn định, lành mạnh, là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.

KRX tiếp tục lỗi hẹn, còn nhiều tiêu chí nâng hạng chưa hoàn thành

KRX là hệ thống công nghệ thông tin do Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc (KRX) thiết kế. Đây là cung cấp nhiều tiện ích mới, nổi bật nhất là hỗ trợ nhà đầu tư giao dịch lô lẻ trên một bảng riêng và thực hiện mua - bán cổ phiếu trong ngày (T+0).

Thị trường chứng khoán tiếp tục được đánh giá có cơ sở thực hiện kịch bản nâng hạng lên mới nổi theo chuẩn FTSE Russell vào tháng 9/2025. Ảnh minh họa
Thị trường chứng khoán tiếp tục được đánh giá có cơ sở thực hiện kịch bản nâng hạng lên mới nổi theo chuẩn FTSE Russell vào tháng 9/2025. Ảnh minh họa

Gói thầu thiết kế, cung cấp lắp đặt và chuyển giao hệ thống công nghệ thông tin được HOSE ký với KRX năm 2012, trị giá 600 tỷ đồng. Ban đầu, HOSE dự kiến hoàn thành năm 2021 nhưng sau đó liên tục lỗi hẹn. Trong năm 2024, kỳ “rầm rộ” thông tin KRX sẽ chính thức vận hành dự kiến sau dịp nghỉ lễ 30/4-1/5. Tuy nhiên, trong giai đoạn chuẩn bị nghỉ lễ và các CTCK đã sẵn sàng tinh thần đi làm cả ngày lễ cho kế hoạch vận hành thì vào 26/4, công văn hỏa tốc của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết hiện chưa có đủ cơ sở đưa hệ thống KRX vào vận hành chính chính thức kể từ ngày 2/5/2024. Cho đến cuối 2024, hệ thống này cũng vẫn chưa được chính thức vận hành.

Theo kế hoạch tại Hội nghị tổng kết, triển khai nhiệm vụ 2025 của Sở GDCK Việt Nam, bà Vũ Thị Chân Phương - Chủ tịch UBCKNN đã yêu cầu các Sở GDCK và các đơn vị có liên quan đưa Hệ thống KRX vào vận hành trong năm 2025. Đồng thời, hợp đồng tương lai chỉ số VN100 sẽ được triển khai ngay trong quý 1/2025.

Mặc dù KRX không phải là hệ thống có tác động và nằm trong bộ tiêu chí cụ thể xét nâng hạng thị trường chứng khoán, song vẫn việc trì hoãn của hệ thống vẫn cho thấy việc nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin của HOSE rất cần được tập trung cho năm 2025, khi các tiêu chí dự kiến sẽ được tháo gỡ với kỳ vọng FTSE Russell sẽ có đánh giá mới tích cực vào tháng 3/2025. Hiện TTCK Việt Nam đang được hai tổ chức MSCI và FTSE Russell xếp vào nhóm 3 - thị trường cận biên. Trong đó, FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách chờ nâng hạng lên nhóm 2 - thị trường mới nổi. TTCK Việt Nam đã đáp ứng được 10/18 tiêu chí của MSCI, còn lại 8 tiêu chí cần cải thiện.

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, nhà đầu tư trong nước “cân” lực bán

Năm 2024, cùng với chênh lệch lãi suất USD-VND, nhà đầu tư nước ngoài đã duy trì trạng thái rút ròng vốn, ước khoảng gần 3,7 tỷ USD (93.000 tỷ đồng). Các đợt bán ròng cao điểm đi theo 3 đợt căng thẳng tỷ giá VND/USD trong năm qua.

Thống kê ghi nhận cổ phiếu VHM của CTCP Vinhomes bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất trên sàn HOSE với giá trị hơn 19.100 tỷ đồng (khoảng 750 triệu USD). Đây cũng là cổ phiếu có “thương vụ lịch sử” khi đã thực hiện kế hoạch giao dịch mua lại cổ phiếu quỹ. Theo đăng ký, qua 22 phiên giao dịch, tổng cộng VHM đã mua gần 247 triệu cp quỹ với mức giá giao dịch bình quân hơn 42.444 đồng/cp, giá trị giao dịch ước tính khoảng 10.500 tỷ đồng.

Khối ngoại cũng bán ròng VIB gần 8.300 tỷ đồng. Đây là đợt bán được xem thuộc kế hoạch thoái vốn của cổ đông chiến lược Commonwealth Bank of Australia (CBA, Úc) sau 15 năm gắn bó với ngân hàng.

Khối ngoại cũng bán ròng chứng chỉ quỹ FUEVFVND hơn 7.200 tỷ đồng; FPT gần 6.300 tỷ đồng (được xem là điều chỉnh tất yếu khi thị giá tăng mạnh nhờ sóng công nghệ đưa vốn hóa lên đỉnh) hay MSN gần 6.000 tỷ đồng.

Chiều ngược lại, SBT với kết quả kinh doanh và triển vọng đấu giá 32,5% cổ phần thuộc khoản bảo đảm nợ được quản lý tại VAMC; hay HVN với kỳ vọng cất cánh của ngành hàng không sau đại dịch, được khối ngoại mua ròng mạnh nhất.

Điều đáng chú ý, mặc dù thị trường ghi nhận một năm thanh khoản kém bùng nổ, nhưng lực bán của khối ngoại vẫn được nhà đầu tư trong nước, đặc biệt khối cá nhân hấp thụ hết.

Số lượng nhà đầu tư cũng ghi nhận tăng trong năm 2024, bất chấp thị trường thực sự trở thành "Năm Rồng gồng lãi" theo chiều ngược kỳ vọng đặt ra hồi đầu năm. Cụ thể, năm 2024 ghi nhận số lượng tài khoản nhà đầu tư đạt 9,15 triệu tài khoản luỹ kế từ đầu năm, tăng thêm 1.86 triệu tài khoản trong năm. Con số trên tương đương khoảng 9% dân số, đạt mục tiêu 9 triệu tài khoản trước thời hạn 2025 và đang hướng đến con số 11 triệu tài khoản vào năm 2030 được đề ra tại Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2023.

Lê Mỹ