Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo: Cần những đột phá
Được kỳ vọng là một bước quan trọng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tuy nhiên, theo chuyên gia, Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo vẫn cần thêm những đột phá.
Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đưa ra lấy ý kiến rộng rãi. Dự thảo Luật gồm 14 Chương và 83 Điều, trong đó, có những nội dung chính, quan trọng được kế thừa từ Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013.
Dự thảo Luật có một số điểm nổi bật như: Bổ sung quy định về tổ chức nghiên cứu và phát triển công lập đặc biệt hoạt động trong các lĩnh vực Nhà nước ưu tiên đầu tư, bổ sung quy định về cơ chế tự chủ đối với tổ chức nghiên cứu và phát triển công lập; bổ sung quy định cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập được tham gia thành lập, điều hành doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do tổ chức khoa học và công nghệ mà mình là thành viên tạo ra; đơn giản hóa các bước phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, giảm thời gian phê duyệt nhiệm vụ (đề xuất, xác định, tuyển chọn…) theo hướng giảm tải thời gian xét duyệt, yêu cầu, hồ sơ.
Nêu quan điểm xây dựng Luật, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò quyết định sự phát triển của các quốc gia. Đây là điều kiện tiên quyết và thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới.
Việc xây dựng Dự án Luật cần bám sát Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định là yếu tố trọng tâm để đạt mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045.
“Công tác hoàn thiện thể chế là một nhiệm vụ trọng tâm đang được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo”, Bộ trưởng chia sẻ.
Đồng thời cho hay, chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý Nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.
Theo Bộ trưởng, Dự thảo Luật được yêu cầu cần bám sát, thể chế hóa kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với các quy định mạnh mẽ phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và tiến gần tới thông lệ quốc tế.
Ngoài ra, việc xây dựng Dự thảo Luật cần dựa trên các quan điểm mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của luật sang khu vực ngoài công lập để thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, đóng góp ngày càng hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội, góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Với những quan điểm, định hướng cụ thể, Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những bước đột phá quan trọng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trên toàn quốc. Không chỉ góp phần hiện thực hóa các mục tiêu kinh tế, mà còn khẳng định vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong việc đưa Việt Nam vươn tầm quốc tế.
Nhất trí với nội dung của Dự thảo Luật, tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, vẫn cần thêm những chính sách mang tính đột phá.
Tham gia góp ý xây dựng, hoàn thiện, ông Nguyễn Đức Minh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đề xuất, bổ sung một điều khoản khẳng định vai trò và vị thế mới của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, coi đây là một quan điểm, nguyên tắc quan trọng trong Luật.
Bên cạnh đó, cần nêu rõ tên của các trung tâm, các viện nghiên cứu xuất sắc được thành lập để tập hợp các chuyên gia, các nhà khoa học từ các tổ chức nghiên cứu và phát triển, các cơ sở giáo dục đại học khác đến làm việc kiêm nhiệm nhằm tập trung việc ưu tiên nghiên cứu và phát triển.
Đồng quan điểm, ông Phạm Bảo Sơn - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng, đối với các tổ chức nghiên cứu và phát triển công lập đặc biệt, cần có cơ chế chính sách riêng để tạo thuận lợi phát triển nghiên cứu mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới.
Bên cạnh những nội dung đã nêu, tham gia góp ý xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Luật, một số ý kiến cũng đề xuất, cần làm rõ thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức soạn thảo, đồng thời đề xuất các tổ chức chủ động xây dựng và xét chọn nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong khuôn khổ kinh phí được cấp cũng như các nguồn kinh phí tự chủ khác.
Ngoài ra, cần bổ sung các nội dung liên quan đến chuyển đổi số vào Dự án Luật nhằm tạo dựng một khung pháp lý vững chắc cho công cuộc chuyển đổi số trong thời gian tới.
Được biết, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).