Bình Phước quyết liệt cải thiện chỉ số PCI
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước tập trung chỉ đạo quyết liệt.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp
Trong những năm qua, tỉnh Bình Phước đã chủ động, nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp luôn chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện thủ tục nhanh, gọn và tổ chức sản xuất kinh doanh hiệu quả, đúng quy định pháp luật.
Trong năm 2024, tỉnh đã ban hành 49 quyết định công bố TTHC sửa đổi, bổ sung, thay thế và bãi bỏ, cùng với 46 quyết định công bố quy trình giải quyết TTHC. Tổng số TTHC của tỉnh là 1.793, với 1.386 TTHC cấp tỉnh, 274 TTHC cấp huyện và 133 TTHC cấp xã. Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận một cửa các cấp đã được đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị đầy đủ, hiện đại… góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC và phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Bình Phước cũng kịp thời công khai, minh bạch thông tin, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận quy hoạch, đất đai, thủ tục đầu tư dự án và kế hoạch phát triển của tỉnh. Tổ chức đối thoại định kỳ hằng tháng với doanh nghiệp, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, các cấp chính quyền tỉnh cũng đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp chuyển đổi số, tuyển dụng lao động, đổi mới công nghệ. Đẩy mạnh tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch... Đồng thời tập trung phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng để đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp...
Cải thiện môi trường đầu tư từ DDCI
Đặc biệt, từ năm 2021, tỉnh Bình Phước đã tập trung triển khai bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI), nhằm đánh giá một cách có hệ thống về chất lượng quản lý, điều hành kinh tế của các sở, ban, ngành và chính quyền cấp huyện có tiếp xúc trực tiếp với nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Trong 3 năm triển khai (từ 2021-2023), DDCI đã cung cấp những thông tin quan trọng từ những đánh giá khách quan của cộng đồng doanh nghiệp về năng lực điều hành của cấp sở, ban, ngành và chính quyền địa phương.
Năm 2023, Bộ chỉ số DDCI Bình Phước đã có những thay đổi đáng kể so với năm 2022 để tương thích với những thay đổi của Bộ chỉ số do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố.
Cụ thể, Bộ chỉ số DDCI đối với khối sở, ban, ngành gồm 8 chỉ số thành phần, với 64 chỉ tiêu; đối với khối địa phương gồm 9 chỉ số, 84 chỉ tiêu. Quy mô khảo sát là 1.900 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, so với năm 2022 thì quy mô khảo sát năm 2023 đã tăng thêm 316 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Theo ông Trần Văn Mi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, thông qua việc đánh giá, phân tích của các chuyên gia, DDCI sẽ giúp cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức, những người trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến người dân, doanh nghiệp ở tất cả các cấp và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cùng nhìn nhận đầy đủ, toàn diện, sâu sắc hơn về phương pháp, cách thức đánh giá.
Trong đó, tập trung bàn về các giải pháp, chia sẻ, trao đổi thông tin để xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển; những cơ chế, chính sách, cách làm hay, mô hình hoạt động hiệu quả; ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào quản lý, điều hành. Từ đó nâng cao trách nhiệm, xác định lộ trình, định hướng, giải pháp thực hiện của tỉnh trong thời gian tới.
Thời gian tới, để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và tăng cường thu hút đầu tư, bên cạnh việc tập trung hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục liên quan đến hoạt động doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai dự án, phát triển sản xuất kinh doanh, Bình Phước tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định về bảo vệ môi trường để doanh nghiệp nắm bắt, thực hiện các giải pháp giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường. Thực hiện tốt các quy định của pháp luật về thúc đẩy xanh hóa. Thường xuyên tổ chức hoạt động truyền thông để cán bộ, công chức, viên chức, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh biết về công tác cải thiện PCI, PGI và DDCI.
Bình Phước cũng tập trung đẩy mạnh thực hiện các giải pháp về chuyển đổi số, trong đó tập trung xây dựng chính quyền số để quản lý, định hướng, hỗ trợ kinh tế số, xã hội số phát triển, hướng tới xây dựng một nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Lũy kế đến tháng 11/2024 trên địa bàn tỉnh có 431 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư gần 4.492,643 triệu USD; 1.193 dự án đầu tư trong nước với số vốn 117.542,65 tỷ đồng.