Doanh nghiệp

Duy trì hiệu suất tổng thể thúc đẩy tăng năng suất trong doanh nghiệp

Yến Hoa 02/12/2024 14:52

Việc duy trì hiệu suất tổng thể (TPM) nhằm tối đa hóa hiệu suất thiết bị, nâng cao năng suất chất lượng với một hệ thống bảo trì được thực hiện.

Điều này sẽ giúp doanh nghiệp hợp lý hoá chi phí sản xuất, cải tiến chất lượng sản phẩm và dịch vụ, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Theo các chuyên gia về năng suất, duy trì hiệu suất thiết bị tổng thể (TPM) là phương pháp quản lý hướng tới sự đổi mới trong hoạt động bảo dưỡng với sự tham gia của mọi người trong doanh nghiệp. TPM bảo đảm hiệu quả thiết bị, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và môi trường làm việc an toàn. TPM là một chương trình, hoạt động với tầm nhìn chiến lược dài hạn và liên tục, đòi hỏi sự nỗ lực trong vài năm của doanh nghiệp để thực hiện thành công và duy trì bền vững.

nscl1.jpg
Áp dụng TPM giúp các doanh nghiệp tăng năng suất chất lượng sản phẩm

Có thể hiểu, TPM kết hợp thực hành bảo dưỡng phòng ngừa với Quản lý chất lượng toàn diện (TQM) với sự tham gia của tất cả mọi người có liên quan. TPM là một phương pháp quản lý thiết bị, bao gồm các hoạt động nhằm ngăn ngừa những hỏng hóc và khuyết tật về chất lượng, loại bỏ hoạt động sửa chữa thiết bị và làm cho công việc của người vận hành thiết bị dễ dàng hơn, an toàn hơn.

Một trong những nguyên tắc cơ bản của TPM là người vận hành thiết bị là những người hàng ngày tiếp xúc với thiết bị, bằng kiến thức và hiểu biết về các điều kiện vận hành để dự đoán, ngăn ngừa hư hỏng và những tổn thất khác liên quan đến thiết bị. Họ thực hiện việc này thông qua vệ sinh, kiểm tra thiết bị thường xuyên và các hoạt động tự bảo dưỡng theo nhóm. Đây được hiểu là hoạt động bảo dưỡng tự chủ hay tự bảo dưỡng.

nscl2.jpg
Ngày nay, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng công cụ TPM để cải thiện năng suất lao động

Mục tiêu của TPM nhằm xây dựng một công ty hoạt động khỏe mạnh hơn, hiệu quả hơn thông qua việc nâng cao hiệu quả của thiết bị cũng như con người. TPM giúp nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần làm chủ; tăng năng suất và hiệu suất thiết bị toàn phần; giảm chi phí sản xuất phát sinh do máy móc hỏng và dừng hoạt động thông qua thiết lập một hệ thống bảo dưỡng trong suốt vòng đời của thiết bị; Nâng cao sự hài lòng của khách hàng do giao hàng đúng hạn và chất lượng đáp ứng yêu cầu. TPM còn góp phần tạo môi trường làm việc tốt hơn, giảm tai nạn lao động; cải tiến kỹ năng và kiến thức của cán bộ nhân viên; khuyến khích phát huy tính sáng tạo và tinh thần làm chủ.

Xí nghiệp Thức ăn chăn nuôi thủy sản An Giang là doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực chế biến, sản xuất các sản phẩm chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản đã áp dụng thành công công cụ này vào trong dây chuyền sản xuất.

Để thực hiện áp dụng công cụ TPM, Xí nghiệp thành lập nhóm TPM với các thành viên đến từ các bộ phận kỹ thuật, sản xuất, kiểm soát chất lượng, bảo trì của Xí nghiệp. Nhóm được đào tạo kiến thức về TPM. Tiếp theo, Xí nghiệp thực hiện thống kê dữ liệu để tính toán chỉ số OEE, chỉ số đánh giá hiệu quả tổng thể của thiết bị.

Sau 3 tháng áp dụng TPM, hiệu suất thiết bị toàn phần OEE của Xí nghiệp đã tăng 6%, xây dựng được chế độ tự quản bảo trì bảo dưỡng máy móc, xây dựng sự phối hợp nhịp nhàng trong chăm sóc trang thiết bị, từ đó nâng cao năng lực sản xuất của đơn vị.

Hay trong lĩnh vực công nghiệp, nhờ áp dụng hiệu suất tổng thể, Công ty TNHH Công nghiệp Trí Cường, chỉ trong thời gian ngắn đã nhanh chóng tạo lập nền tảng cho 3 trụ cột triển khai với phạm vi áp dụng tại máy phay CNC 1-2, máy tiện CNC 2 thuộc phòng sản xuất số 1. Ngoài ra, công ty đã thu được lợi ích về quản lý trực quan, tác phong nề nếp nhân viên, quản lý sản xuất và hiệu quả về mặt năng suất thiết bị.

Về hiệu quả năng suất, doanh nghiệp đã giảm được thời gian chuyển đổi sản phẩm thông qua các cải tiến (giảm thời gian rà gá từ 21 phút xuống 15 phút) giúp nâng cao hiệu suất tổng thể thiết bị OEE của máy phay CNC từ 38% (tháng 11) lên 50% (tháng 12) và OEE máy tiện CNC từ 73% (tháng 11) lên 76% (tháng 12).

Về hiệu quả an toàn, việc hoạch định lại các dụng cụ cũng như tiêu chuẩn hóa các thao tác nên mặt bằng hợp lý và rộng rãi hơn, qua đó giúp công nhân di chuyển ít hơn từ đó tăng tính an toàn cho công nhân khi tham gia tác nghiệp...

Như vậy, việc áp dụng công cụ TPM đã mang lại hiệu quả rất tích cực cho doanh nghiệp, việc duy trì và nỗ lực mở rộng TPM sẽ mang lại các hiệu quả lớn hơn nữa về cải tiến năng suất, chất lượng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp trong dài hạn.

Yến Hoa