Nghiên cứu - Trao đổi

Hỗ trợ ứng phó phòng vệ thương mại với mặt hàng pin năng lượng mặt trời

Yến Nhung 31/12/2024 04:00

Hiện nay, mặt hàng pin năng lượng mặt trời đang phải đối mặt với điều tra phòng vệ thương mại, các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp cần có giải pháp ứng phó.

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), chi tiêu cho năng lượng mặt trời đang có xu hướng phát triển mạnh, vượt xa chi tiêu cho sản xuất dầu trong những năm gần đây. Đây cũng là cơ hội lớn đối với lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu pin năng lượng mặt trời của thế giới nói chung và của doanh nghiệp Việt Nam nói riêng. Việt Nam hiện được đánh giá là quốc gia có năng lực lớn trong sản xuất và xuất khẩu tấm pin năng lượng mặt trời, bắt kịp xu hướng phát triển của ngành năng lượng xanh trên toàn cầu. Tuy nhiên, cùng với các cơ hội sản xuất và xuất khẩu, đây cũng là điều kiện gia tăng mạnh mẽ các biện pháp phòng vệ thương mại với ngành hàng này.

pin-mat-troi.jpg
Hiện nay, mặt hàng pin năng lượng mặt trời đang phải đối mặt với điều tra phòng vệ thương mại - Ảnh: ITN

Cụ thể, Ấn Độ điều tra về biện pháp chống bán phá giá năm 2021 tuy nhiên sau đó bên nguyên đơn đã rút đơn và chấm dứt vụ việc đó. Tiếp theo, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành điều tra chống lẩn tránh phòng vệ thương mại với biện pháp chống bán phá giá vào năm 2023 và kết quả là tất cả doanh nghiệp hợp tác trong vụ việc đều được mức thuế 0%. Hoa Kỳ là nước đã tiến hành điều tra 3 biện pháp phòng vệ thương mại với Việt Nam là chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ sau đó tiến hành điều tra mở rộng của các biện pháp trên là điều tra chống lẩn tránh về chống bán phá giá và chống trợ cấp.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Công Toản, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, từ năm 2021 đến nay, địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong các vụ việc phòng vệ thương mại. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời tại tỉnh Bắc Giang đã có sự sụt giảm rõ rệt, có doanh nghiệp giảm đến trên 50% sản lượng.

“Nhận thức về phòng vệ thương mại của một số doanh nghiệp còn chưa cao, trong khi công ty tại Bắc Giang chỉ sản xuất, mọi quyết định phải báo cáo về công ty mẹ ở nước ngoài, vì vậy, mỗi lần trao đổi hết sức khó khăn,” ông Phạm Công Toản nêu thực tế.

Trước tình hình như vậy, tỉnh Bắc Giang đã có nhiều giải pháp cơ bản để hỗ trợ doanh nghiệp, đó là những giải pháp áp dụng không chỉ cho doanh nghiệp sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời mà còn cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Tỉnh đã hỗ trợ thông tin về các chính sách, trong đó có các chính sách hội nhập kinh tế quốc tế về phòng vệ thương mại ngay từ khi nhà đầu tư đến và được chấp thuận đầu tư tại Bắc Giang.

Về phía doanh nghiệp, đại diện Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang mong muốn các doanh nghiệp cần thực hiện đầu tư sản xuất kinh doanh một cách nghiêm túc theo quy định của pháp luật Việt Nam và quy định của các thị trường quốc tế để phòng tránh việc sử dụng nguyên vật liệu hoặc một phần sản phẩm của quốc gia khác không đúng quy định về pháp luật phòng vệ thương mại.

2-1621825414290296983987.jpg
Các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp cần có giải pháp ứng phó - Ảnh: ITN

Đồng tình với quan điểm nêu trên, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại Hoa Kỳ cho biết, nhu cầu sử dụng pin năng lượng mặt trời của Hoa Kỳ rất lớn với giá trị nhập khẩu hàng tỷ USD mỗi năm. Mặc dù vậy, việc phải đối mặt với các vụ việc phòng vệ thương mại đã gây khó khăn lớn cho ngành sản xuất pin năng lượng mặt trời trong nước. Do đó, doanh nghiệp chủ động cần chuyển đổi sản xuất và ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại, nhằm giảm rủi ro và tăng lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu.

“Để hạn chế những rủi ro, doanh nghiệp cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cả cơ quan quản lý trong nước của Việt Nam cũng như các cơ quan điều tra của Hoa Kỳ trong quá trình diễn ra các vụ việc về phòng vệ thương mại. Các doanh nghiệp phải chủ động xử lý, nắm và tìm hiểu kỹ quy định về phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ để hình dung ra được quy trình, các mốc thời gian nộp các tài liệu kiểm chứng cũng như các tài liệu theo yêu cầu của vụ việc”, ông Đỗ Ngọc Hưng khuyến nghị.

Để doanh nghiệp Việt phát triển sản xuất, tránh những rủi ro trong quá trình xuất khẩu nói chung và tránh các biện pháp phòng thương mại nói riêng, ông Vũ Thanh Hải, Chuyên gia Viện Năng lượng, Bộ Công Thương cho rằng, đối với thị trường ở Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời chủ yếu là các doanh nghiệp FDI, còn doanh nghiệp của chính các công ty nội địa Việt Nam thì không có nhiều.

“Các doanh nghiệp Việt Nam nếu muốn vào thị trường sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời thì cần phải tập trung, tìm cách chuyển giao công nghệ, mua công nghệ của nước ngoài làm sao để sản phẩm của Việt Nam có tính cạnh tranh thứ nhất là về công nghệ, thứ hai là về giá thành để có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp FDI”, ông Vũ Thanh Hải nhấn mạnh.

Theo chuyên gia này, tuy rằng, việc sản xuất các tấm pin năng lượng mặt trời còn một số vấn đề, có thể gọi là rủi ro, nhưng vấn đề chúng ta cần quan tâm nhất là chính sách và thị trường nhập khẩu. Họ sẽ có những chế tài hay biện pháp bảo hộ thị trường trong nước phát triển của họ hoặc để đảm bảo tiêu chuẩn để họ nhập về và phát triển trong nước. Đó là vấn đề cần lưu ý và nó có một độ rủi ro nhất định nên việc phối hợp từ Nhà nước cho tới doanh nghiệp phải nhịp nhàng, chặt chẽ để chúng ta vượt qua được và phát huy thế mạnh của mình để xuất khẩu và phát triển sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời một cách có hiệu quả nhất.

Yến Nhung