Chính sách - Quy hoạch

Những lát cắt thị trường bất động sản 2024

Diệu Hoa 31/12/2024 05:00

3 luật mới có hiệu lực, lãi suất hạ nhiệt, kinh tế vĩ mô tăng trưởng và chuyển dịch dòng vốn đầu tư...đã tạo nên bức tranh phục hồi tích cực của thị trường bất động sản.

Động lực từ bộ 3 luật mới

Ngày 18/1/2024, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Luật Đất đai 2024 đã chính thức được thông qua. Thể chế hóa đầy đủ tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất". Theo đó, đồng bộ hóa các quy định trong hệ thống pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai.

Đặc biệt, thay vì có hiệu lực từ 1/1/2025 như dự kiến, bộ 3 luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản mới đã có hiệu lực sớm 5 tháng, từ ngày 1/8/2024.

Những thay đổi và điều chỉnh trong Luật Đất đai 2024, cùng với các luật liên quan như Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023, đánh dấu bước tiến quan trọng trong khung pháp lý bất động sản Việt Nam.

Đất nông nghiệp được thí điểm thỏa thuận làm dự án nhà ở thương mại

Khơi thông nguồn lực đất đai, Nghị quyết thí điểm nhà đầu tư thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, phi nông nghiệp làm dự án nhà ở thương mại cũng đã chính thức được thông qua chiều 30/11.

Theo quy định hiện hành, nhà đầu tư chỉ được làm dự án nhà ở thương mại khi có quyền sử dụng với đất ở, hoặc đất ở và đất khác. Nhưng từ 1/4/2025, nhà đầu tư được thỏa thuận nhận quyền sử dụng với đất nông nghiệp, phi nông nghiệp không phải đất ở, đất khác trong cùng thửa để làm dự án nhà ở thương mại. Chính sách này được thí điểm trong 5 năm.

ha-noi-khan-truong-ra-soat-bang-gia-dat-cu-va-chuan-bi-xay-dung-bang-gia-dat-moi1729696242-6987.jpeg
Đất nông nghiệp được thí điểm làm nhà ở thương mại.

Quy định mới sẽ mở ra cơ hội tháo gỡ các vướng mắc, tồn đọng đối với những dự án đã triển khai nhưng “vướng” đất ở. Qua đó, tạo ra một cơ chế pháp lý đồng bộ toàn diện về đầu tư, khơi thông nguồn lực đất đai và tạo nguồn cung mới về sản phẩm nhà ở thương mại ra thị trường. Trong đó, riêng Hà Nội hiện có 189 dự án “có vướng mắc” về lựa chọn nhà đầu tư liên quan đến không có “đất ở”.

Hà Nội, TP HCM ban hành bảng giá đất mới

Hồi tháng 7/2024, TP HCM gây xôn xao dư luận khi công bố dự thảo Quyết định điều chỉnh Quyết định 02/2020 về bảng giá đất trên địa bàn thành phố (dự kiến áp dụng từ 1/8 – 31/12/2024). Theo đó, giá đất ở tại nhiều tuyến đường có thể tăng từ 5-51 lần.

Tới tháng 10/2024, bảng giá đất chính thức được TP HCM ban hành, áp dụng từ 31/10/2024 - 31/12/2025. So với dự thảo tháng 7/2024, giá đất tại bảng giá đất chính thức tháng 10/2024 đã giảm 20-30%.

Bảng giá đất mới cũng được UBND TP Hà Nội công bố ngày 20/12 và có hiệu lực ngay lập tức cho đến hết 31/12/2025. Bảng giá đất vừa ban hành có giá cao gấp 2-6 lần bảng giá cũ.

Bảng giá đất mới được nhìn nhận là sẽ tạo áp lực lên người dân đóng tiền sử dụng đất, nhưng ngược lại, người bị thu hồi đất sẽ “dễ thở” hơn, giảm khiếu nại, khiếu kiện đông người liên quan đến đất đai và giúp các dự án hạ tầng trọng điểm được đẩy nhanh.

Giá chung cư Hà Nội vượt TP HCM

Trong năm 2024, thị trường bất động sản Hà Nội đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể về giá bán căn hộ chung cư, lần đầu tiên vượt qua TP HCM sau gần một thập kỷ.

Khó giảm giá sơ cấp chung cư Hà Nội, song đà tăng sẽ chậm dần. Ảnh: DH
Giá chung cư Hà Nội tăng nhanh trong 3 quý đầu năm, vượt mức giá trung bình tại TP HCM. Ảnh: DH

Trong đó, trung bình giá chung cư Hà Nội vào năm 2022 chỉ ở mức 40 triệu đồng/m2 và thông thường, thị trường chung cư Hà Nội lúc nào cũng thấp hơn TP HCM khoảng 30%. Thế nhưng thời điểm tháng 5/2024, giá chung cư Hà Nội bất ngờ vượt lên và vượt lên rất nhanh, tăng hơn 20% so với TP HCM. Thị trường không còn dự án mới có giá dưới 60 triệu đồng/m2, nhiều dự án mở bán thậm chí có mức giá trên 100 triệu đồng/m2 nằm ở ngoại thành như Đông Anh. Giá căn hộ tăng cả thị trường sơ cấp và thứ cấp, những dự án cũ cũng không ngoại lệ.

"Nóng" đấu giá đất ngoại thành Hà Nội

Thời gian qua, tình hình giá bất động sản tại Hà Nội đã ghi nhận đà leo thang, đặc biệt sau những điều chỉnh về chính sách đất đai và sự hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch.

Mở đầu "cơn sốt" có thể kể đến phiên đấu giá 68 thửa đất tại khu Ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai ngày 10/8. Phiên đấu giá này gây bất ngờ khi thu hút hơn 1.500 người tham dự, hơn 4.200 hồ sơ. Mức trúng đấu giá từ hơn 51 triệu đến hơn 100 triệu đồng/m2, cao gấp 6-8 lần so với giá khởi điểm. Đáng chú ý, hạ tầng xung quanh khu đấu giá chưa thực sự nổi bật, vị trí cũng cách xa trung tâm.

Bảng giá đất mới sẽ hạn chế tình trạng
Đấu giá đất cao rồi sang tay, bỏ cọc khiến đất đấu giá ngoại thành Hà Nội lên cơn sốt. Ảnh: DH

Sau đó đến phiên đấu giá tại xã Tiền Yên (Hoài Đức) với mức trúng cao nhất đạt 133,3 triệu đồng/m2, gấp 30 lần giá khởi điểm. Giá trúng thấp nhất cũng đạt 91,3 triệu/m2, gấp 12,5 lần giá khởi điểm.

Gây sốc hơn, cuộc đấu giá 58 thửa đất ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) diễn ra ngày 29/11, người tham gia trả giá tới trên 30 tỷ đồng/m2, sau đó đã bị khởi tố vì tội Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 134/CĐ-TTg ngày 14/12/2024 yêu cầu: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.

Nhà ở xã hội vẫn muôn khó

Để hoàn thành Đề án đầu tư ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu hoàn thành 428.000 căn trong giai đoạn 2021 – 2025 và 634.200 căn giai đoạn 2025 – 2030.

Cần sớm cải thiện nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở bình dân. Ảnh: DH
Phát triển nhà ở xã hội vẫn gặp khó. Ảnh: DH

Tuy nhiên, trên thực tế, cả nước mới hoàn thành 57.652 căn từ năm 2021 đến nay, đạt 13,5% kế hoạch đề ra. Tỷ lệ giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cũng chỉ đạt 1,44%, với 1.727 tỷ đồng được giải ngân.

Nhiều ý kiến cho rằng việc phát triển nhà ở xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, các địa bàn có lượng cầu và sức mua lớn nhất thì doanh nghiệp rất khó làm bởi quy trình thủ tục, pháp lý thực tế phức tạp và không "mặn mà" làm khi giá bán và lợi nhuận bị khống chế quá thấp trong khi chi phí phát triển (đất, xây dựng, lãi vay) liên tục tăng...

Bộ Xây dựng mới đây cũng đang trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, đề xuất triển khai gói vay ưu đãi 100.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, áp dụng trong 5 năm. Gói này nằm trong khoản ngân sách 500.000 tỷ đồng mà Bộ Xây dựng ước tính cần có để thực hiện Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ trong giai đoạn 2021-2030.

Diệu Hoa