Cơ chế đặc thù cho bảo hiểm nông nghiệp
Việc thúc đẩy phát triển dịch vụ bảo hiểm trong lĩnh vực nông nghiệp đang là yêu cầu cấp thiết để bảo vệ ngành nông nghiệp trước các rủi ro thiên tai, thảm họa.
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, thiếu liên kết, khiến việc cung ứng các sản phẩm bảo hiểm cho các hộ nông dân gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, cần cơ chế đặc thù để thúc đẩy bảo hiểm nông nghiệp (BHNN).
Đối mặt nhiều thách thức
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông sản của ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt hơn 51,7 tỷ USD. Mặc dù với quy mô như vậy, nhưng từ tháng 4/2018 (khi Nghị định 58/2018/NĐ-CP về BHNN được ban hành), số lượng doanh nghiệp triển khai BHNN cho người dân lại rất ít, như Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, Tổng Công ty CP Bảo Minh...
Đáng chú ý, số lượng nông dân trên cả nước mua bảo hiểm không nhiều, và chỉ có vài tỉnh có nông dân mua BHNN như Thái Bình, Hà Giang, Nghệ An, Bình Định. Điều này cho thấy khoảng cách lớn giữa nhu cầu bảo vệ tài sản nông nghiệp và khả năng tham gia thực tế của nông dân.
Theo các chuyên gia tài chính và nông nghiệp, BHNN tại Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, trong đó có thể kể đến một số vấn đề chính.
Thứ nhất, nhận thức của nông dân và các bên liên quan thấp, thiếu tin tưởng vào hiệu quả của các sản phẩm bảo hiểm này do thiếu thông tin, kinh nghiệm và e ngại về các thủ tục phức tạp, chi phí bảo hiểm.
Thứ hai, khó khăn trong việc xác định thiệt hại và bồi thường; các thảm họa tự nhiên như bão, lũ, hạn hán hay sâu bệnh gây thiệt hại cho mùa màng là những yếu tố khó dự đoán và đánh giá chính xác.
Thứ ba, chi phí bảo hiểm đôi khi vượt quá khả năng chi trả của nông dân, đặc biệt với các hộ gia đình có thu nhập thấp. Đồng thời, khó khăn trong việc xác định sản phẩm bảo hiểm phù hợp.
Thứ tư, việc BHNN thường gắn liền với các vụ thiên tai lớn có thể gây tổn thất lớn, nhưng thị trường tái bảo hiểmtại Việt Nam còn chưa phát triển mạnh mẽ, tạo ra rủi ro tài chính cho các công ty bảo hiểm.
Thứ năm, mặc dù có một số chương trình BHNN từ Chính phủ như hỗ trợ bảo hiểm cho cây trồng, vật nuôi, nhưng chính sách này vẫn chưa được triển khai rộng rãi và hiệu quả. Việc hỗ trợ tài chính cho nông dân tham gia bảo hiểm, cũng như việc xây dựng các chính sách dài hạn chưa thực sự đồng bộ.
Xây dựng cơ chế đặc thù
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều thiên tai, trong đó nông nghiệp là lĩnh vực chịu rủi ro nhiều nhất vì thiên tai với thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Vì thế, việc thúc đẩy phát triển dịch vụ bảo hiểm trong lĩnh nông nghiệp của Việt Nam đang là yêu cầu cấp thiết để bảo vệ ngành nông nghiệp nói chung và nông dân nói riêng trước các rủi ro này.
Trong báo cáo thực trạng tài chính nông nghiệp Việt Nam, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) đã nhấn mạnh một số vấn đề quan trọng liên quan đến việc sử dụng công cụ quản lý rủi ro trong khu vực tam nông. Cụ thể, BHNN cần phân biệt rõ hai nhóm rủi ro: rủi ro thảm họa và rủi ro đơn lẻ. Theo đó, rủi ro thảm họa nên được Nhà nước đảm nhận hoàn toàn; còn các hộ nông dân và doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm đối với rủi ro đơn lẻ.
“Việt Nam có thể học hỏi từ mô hình BHNN của Israel - quốc gia nổi bật với ngành khoa học kỹ thuật nông nghiệp phát triển hàng đầu thế giới. Tại Israel, phần lớn nguồn vốn đầu tư vào BHNN đến từ Chính phủ, bao gồm cả ngân sách Nhà nước và các quỹ đầu tư mạo hiểm. Chính phủ Israel không chỉ trực tiếp kêu gọi vốn đầu tư mà còn kiểm soát các quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân, qua đó thu hút được nguồn vốn lớn hơn nhờ vào sự tin tưởng của nhà đầu tư vào khả năng quản lý của Chính phủ”, chuyên gia tại WB gợi ý.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đề xuất, cơ quan chức năng nên xem xét hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho các hộ nghèo và cận nghèo khi tham gia BHNN, ít nhất là trong lần đầu tiên. Đối với các hộ nông dân khác, có thể hỗ trợ lên tới 50% phí bảo hiểm, nhằm khuyến khích họ tham gia bổ sung. Việc người nông dân nhận thức rõ ràng lợi ích từ bảo hiểm sẽ thúc đẩy sự tham gia ngày càng đông đảo và tạo ra làn sóng tích cực trong cộng đồng.