Khuôn khổ pháp lý tích tụ đất trong sản xuất nông nghiệp đã rõ ràng
Khuôn khổ pháp lý về tập trung hay tích tụ đất trong sản xuất nông nghiệp quy định tại Luật Đất đai 2024 đã đầy đủ, rõ ràng, và khắc phục được vướng mắc của Luật Đất đai 2013.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh tại hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 với chủ đề: "Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới", khi trả lời câu hỏi của nông dân Vũ Thị Thương Huyền - Giám đốc HTX chè Thịnh An, thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.
Bà Vũ Thị Thương Huyền đặt câu hỏi liên quan đến phát triển kinh tế tập thể.
Cụ thể, thứ nhất, trên thực tế việc tích tụ đất đai quy mô đủ lớn cho hợp tác xã còn một số khó khăn, vướng mắc do hiện chưa có cơ chế, pháp lý rõ ràng để "tổ chức kinh tế tập thể", cụ thể ở đây là hợp tác xã, tổ hợp tác xã đứng ra tích tụ đất đai.
Thứ hai, về chủ trương quy hoạch đất, hiện Nhà nước đã có các quy hoạch theo 3 cấp, đó là: cấp quốc gia, cấp vùng và cấp tỉnh. Tuy nhiên, lại thiếu quy hoạch liên vùng, liên tỉnh, dẫn đến việc có những vùng sản xuất nông nghiệp tương đồng ở hai tỉnh giáp ranh nhưng mỗi tỉnh lại có một quy hoạch khác nhau, làm ảnh hưởng đến việc hình thành chuỗi sản xuất lớn của các hợp tác xã, doanh nghiệp.
“Xin được hỏi, trong thời gian tới Chính phủ sẽ có chính sách gì để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trên?” – nông dân Vũ Thị Thương Huyền đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Trung ương, khi xây dựng Luật Đất đai để trình Quốc hội thông qua, Chính phủ đã rất chú trọng đến việc bổ sung chính sách về tập trung và tích tụ đất đai trong sản xuất nông lâm nghiệp, trong đó đã quy định cụ thể các phương thức để tập trung và tích tụ đất đai.
Về tập trung đất đai, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, có 3 hình thức, thứ nhất là chuyển đổi quyền sử dụng đất thông qua hình thức dồn điền đổi thửa. Hình thức này được nhiều địa phương vùng đồng bằng Bắc Bộ áp dụng trong nhiều năm qua. Hình thức thứ 2 là thuê quyền sử dụng đất và hình thức thứ 3 là hợp tác sản xuất kinh doanh bằng quyền sử dụng đất.
Về tích tụ đất đai, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy thông tin, quy định tại Điều 193 Luật Đất đai cũng có 2 hình thức, một là tổ chức cá nhân sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và thứ hai là nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
“Đó là 5 hình thức để thực hiện hình thức tập trung và tích tụ đất đai”. - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy nói và cho biết, trình tự thủ tục để thực hiện tập trung hay tích tụ đất đai thì được quy định chi tiết tại Nghị định Nghị định 102 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 01/8/2024 đồng thời với hiệu lực của Luật Đất đai.
Luật Đất đai 2024 cũng đã quy định theo hướng mở rộng đối tượng và nâng hạn mức tiếp cận đất đai phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, theo đó tại Điều 177 của Luật Đất đai quy định đối với cá nhân có thể nhận chuyển nhượng tối đa lên đến 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp theo quy định của các địa phương.
Luật cũng cho phép tại Điều 45 là người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp cũng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa trong hạn mức, còn trường hợp vượt hạn mức thì cần thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng hình thức trồng lúa được UBND cấp huyện phê duyệt. Đối với tổ chức kinh tế, Luật không giới hạn việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp nhưng với điều kiện phải có phương án sử dụng đất nông nghiệp được UBND cấp huyện phê duyệt.
“Như vậy, khuôn khổ pháp lý về tập trung hay tích tụ đất trong sản xuất nông nghiệp quy định tại Luật Đất đai 2024 đã đầy đủ, rõ ràng, và khắc phục được vướng mắc của Luật Đất đai 2013 để chúng ta có quỹ đất đủ lớn theo nhu cầu của tổ chức kinh tế hay các hộ gia đình cá nhân trong sản xuất nông nghiệp, vì khi có quỹ đất đủ lớn thì mới áp dụng được cơ giới hoá hay ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp. Một mặt vừa để giúp nâng cao năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường”. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy nói.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy, đây là những quy định mới, lần đầu tiên được áp dụng trên thực tế và có hiệu lực từ ngày 01/8/2024, đối với bà con, có thể chưa có đủ thời gian nghiên cứu, tiếp cận, tôi đề nghị chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chính sách mới của Luật Đất đai 2024, nhất là chính sách đất đai trong sản xuất nông lâm nghiệp, thuỷ sản, để bà con nông dân, các doanh nghiệp hợp tác xã nắm được và có điều kiện để đề nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho áp dụng các phương thức đó cho việc tích tụ và tập trung đất đai cho sản xuất quy mô lớn.
Về vấn đề quy hoạch sử dụng đất theo ba cấp, cấp cấp quốc gia, cấp vùng và cấp tỉnh, tuy nhiên có vùng giáp ranh mà có điều kiện về khí hậu và thổ phát triển cùng một sản phẩm (ví dụ như Thái Nguyên trồng chè, các vùng lân cận có thể phát triển trồng chè), trong pháp luật về quy hoạch hay đất đai cũng đã có quy định đầy đủ.
“Như Thủ tướng nói là quy định sử dụng đất theo vùng, theo sản phẩm đã có nhưng cũng đề nghị các địa phương khi xây dụng quy hoạch tỉnh cũng như quy hoạch sử dụng đất cũng có tính đến yếu tố như đại biểu có nêu, ví dụ như ở khu vực đó trồng chè hay tập trung về trồng dâu thì các địa phương lân cận trong quá trình trao đổi, tham vấn ý kiến để trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch cũng nên định hướng làm sao các khu vực đó phải tạo ra các vùng sản xuất quy mô lớn đối với các sản phẩm nông lâm nghiệp đặc trưng để gia tăng giá trị cho bà con nông dân. Đề nghị các địa phương lưu tâm vấn đề này trong quá trình tổ chức lập quy hoạch, một mặt vừa phát triển kinh tế của mình nhưng đồng thời bám quy hoạch của ngành để tạo ra vùng nguyên liệu quy mô lớn”. - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy nói.