Chính trị - Xã hội

Dấu ấn kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam

BBT 31/12/2024 10:58

LTS: Năm 2024, Việt Nam chứng kiến hàng loạt thành tựu đáng chú ý, thể hiện sự bứt phá mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực.

Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư, các tập đoàn lớn trên thế giới.

“Điểm nhấn Việt Nam” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp bình chọn.

t2 hoi nghi
Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước: Khẳng định vai trò đặc biệt của doanh nhân

Kỷ niệm 20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), chiều ngày 11/10/2024, tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt Đoàn đại biểu doanh nhân tiêu biểu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Trước đó, sáng 4/10/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng chủ trì cuộc gặp mặt giữa Thường trực Chính phủ với đại diện các doanh nhân, doanh nghiệp.

Tổng Bí thư khẳng định sự ra đời của ngày Doanh nhân Việt Nam cách đây tròn 20 năm (13/10/2004) đánh dấu sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước về vai trò và những đóng góp lớn lao của đội ngũ doanh nhân Việt Nam.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã khẳng định các doanh nhân góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy các cải cách kinh tế, định hình các chính sách phát triển, cải thiện môi trường kinh doanh và đổi mới công tác quản lý kinh tế của Nhà nước. Cùng với đó, các doanh nhân và doanh nghiệp cũng luôn theo đuổi tiêu chuẩn đạo đức, văn hóa kinh doanh và làm chuẩn mực cho xã hội...

Hai sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với việc phát triển, hỗ trợ và nâng cao vai trò của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp trong nền kinh tế đất nước. Đồng thời tiếp thêm sức mạnh để cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát huy vị thế vững vàng, là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước.

Quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 41 về phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trên toàn quốc

Ngày 10/5/2024, VCCI đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai Nghị quyết 41/NQ-TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Đồng thời, đã xây dựng và ban hành Chương trình hành động của Đảng đoàn VCCI triển khai Nghị quyết 41/NQ-TW. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết nối với 4.344 điểm cầu các ban, bộ, ngành, đoàn thể đơn vị ở Trung ương và địa phương trên toàn quốc với sự tham dự của 206.962 các đại biểu.

Chính phủ, các bộ ngành và 63/63 tỉnh thành đã ban hành nghị quyết triển khai Nghị quyết 41 nhằm phát huy hơn nữa vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp.

Hội nghị nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm chính trị, tinh thần tự giác, gương mẫu của các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên và đội ngũ doanh nhân để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 41 cũng như khẳng định vai trò không thể thiếu của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ mới.

Đây cũng là hoạt động vừa giúp nâng cao vị thế chính trị của VCCI, vừa tạo điều kiện cho các đơn vị của VCCI xây dựng các chương trình, đề án thuộc các nhiệm vụ được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ cho VCCI trong Nghị quyết này.

Củng cố khung pháp lý, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển

Tháng 1/2024, Quốc hội đã thông qua ba đạo luật quan trọng gồm Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản, và Luật Nhà ở, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc cải cách khung pháp lý điều chỉnh thị trường bất động sản.

Có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, bộ ba luật này hứa hẹn tháo gỡ nhiều nút thắt trong quản lý đất đai và phát triển nhà ở, đồng thời tạo nền tảng cho sự minh bạch và thông thoáng hơn của thị trường.

Triển khai nhiều dự án hạ tầng lớn của đất nước

Ngày 30/11/2024, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Với tổng chiều dài 1.541km đi qua 20 tỉnh, thành phố, dự án có tổng vốn đầu tư sơ bộ khoảng 67 tỉ USD, sử dụng công nghệ hiện đại và đạt tốc độ thiết kế 350km/h.

Cũng trong năm qua, khánh thành đường dây 500 kV mạch 3 kéo điện ra Bắc: Dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) không chỉ là công trình trọng điểm trong lĩnh vực năng lượng mà còn là minh chứng sống động cho tinh thần đoàn kết, ý chí bền bỉ và khát vọng vươn lên của Việt Nam.

Du lịch Việt Nam bứt phá

Ngành du lịch Việt hoàn thành mục tiêu đón 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024.

Theo các chuyên gia, việc thúc đẩy chiến dịch quảng bá điểm đến, mở rộng đường bay quốc tế và cải thiện chất lượng dịch vụ là những yếu tố then chốt giúp Việt Nam duy trì sức hấp dẫn trên bản đồ du lịch toàn cầu. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu dài hạn, ngành du lịch cần tập trung nâng cao trải nghiệm khách hàng và phát triển du lịch bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và văn hóa địa phương.

Nông nghiệp Việt Nam lập kỷ lục mới về xuất khẩu

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023; xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 17,9 tỷ USD, tăng 46,8%.

Ngành chuyển đổi mạnh tư duy sang kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng hàng nông sản. Từng bước thay đổi từ cách tiếp cận nông nghiệp nâu sang nông nghiệp xanh, tăng cường áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Đã tổ chức triển khai có hiệu quả Đề án "phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030".

Ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050

Ngày 21/9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1018/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Chiến lược định hướng phát triển công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam đến năm 2050 theo lộ trình 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (2024-2030) có một số mục tiêu cụ thể như: Thu hút đầu tư FDI có chọn lọc, hình thành ít nhất 100 doanh nghiệp thiết kế...; Quy mô nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đạt trên 50.000 kỹ sư, cử nhân có cơ cấu, số lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển...

Bước tiến lớn trong lĩnh vực công nghệ trí tuệ nhân tạo

Ngày 5/12/2024, Chính phủ Việt Nam và tập đoàn công nghệ NVIDIA chính thức công bố hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển AI (VRDC) cùng Trung tâm Dữ liệu AI. Đây là cột mốc quan trọng, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của Việt Nam trong nỗ lực vươn lên trên bản đồ trí tuệ nhân tạo toàn cầu.
Đây không chỉ là câu chuyện về công nghệ mà còn khẳng định tầm nhìn chiến lược của Việt Nam trong việc “bắt kịp, tiến cùng và vượt lên” trong lĩnh vực AI – một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của thế giới hiện đại.

NHNN kiểm soát mạnh mẽ trong điều hành thị trường vàng

Năm 2024, NHNN đã có những động thái mạnh mẽ để bình ổn thị trường vàng, đặc biệt là thông qua việc tổ chức đấu thầu vàng miếng và bán vàng trực tiếp qua các ngân hàng thương mại lớn như Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank và SJC. Nhờ những biện pháp này, chênh lệch giá vàng giữa trong nước và thế giới đã giảm mạnh từ 15-18 triệu đồng/lượng xuống chỉ còn 3-4 triệu đồng/lượng, mang lại sự ổn định cho thị trường vàng trong bối cảnh biến động lớn.

Xe điện Việt dẫn đầu thị trường ôtô 2024: Cột mốc đáng tự hào cho ngành công nghiệp ôtô Việt Nam

Năm 2024 đánh dấu bước ngoặt lịch sử khi VinFast, hãng xe nội địa của Việt Nam, vượt qua hàng loạt tên tuổi quốc tế như Toyota, Hyundai và Kia để trở thành thương hiệu dẫn đầu thị trường ôtô trong nước.

Sự kiện này mở ra kỳ vọng lớn về tương lai của xe điện tại Việt Nam, đồng thời khẳng định vị thế ngày càng cao của VinFast trên thị trường quốc tế.

BBT