Chứng khoán Mỹ hút vốn khủng, thị trường mới nổi lao đao
Tài sản trong các quỹ giao dịch trên thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng hơn 30% trong năm 2024, đồng nghĩa với dòng vốn bị rút ra khỏi các thị trường mới nổi.
Thị trường Mỹ hút hơn 1.000 tỷ USD
Các nhà đầu tư đã rót hơn 1 nghìn tỷ USD vào các quỹ giao dịch trên sàn chứng khoán (ETF) tại Mỹ trong năm 2024, phá vỡ kỷ lục được thiết lập ba năm trước và nâng cao kỳ vọng trên Phố Wall về một năm bùng nổ hơn nữa trong 2025.
Tổng tài sản trong các quỹ ETFs tại Mỹ đạt mức cao kỷ lục 10,6 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 11/2024, theo dữ liệu hàng tháng của ETFGI, tăng hơn 30% so với đầu năm 2024.
Sự phục hồi từ dòng tiền kém lạc quan của năm 2023 cho thấy sự ưa chuộng rộng rãi đối với tài sản tại Mỹ. Trong 2024, chỉ số S&P 500 của Mỹ đã tăng khoảng 25%, theo các nhà phân tích. Các xu hướng dài hạn cũng ủng hộ thị trường này, khiến các nhà đầu tư tiếp tục thực hiện chiến lược chuyển đổi từ quỹ tương hỗ (mutual fund) sang ETF để hưởng lợi từ ưu thế thuế và giao dịch dễ dàng hơn.
“Rõ ràng các nhà đầu tư đã lấy lại niềm tin trong năm nay,” Brian Hartigan, Trưởng bộ phận quỹ ETF và đầu tư chỉ số của Invesco, nhận xét.
Sự tăng trưởng tài sản trong các quỹ ETF đã mang lại lợi nhuận lớn cho các tập đoàn Phố Wall như BlackRock. Các nhà quản lý tài sản nhỏ hơn chuyên về chiến lược ETF được quản lý chủ động cũng thắng lớn. Quỹ QQQ của Invesco, theo dõi Nasdaq-100 Index thiên về công nghệ, thu hút hơn 27 tỷ USD tính đến giữa tháng 12/2024. Năm 2023, QQQ chỉ thu hút được 7,3 tỷ USD, theo Hartigan.
Các nhà đầu tư đặc biệt lạc quan trong những tuần tới khi ông Donald Trump chuẩn bị nhậm chức Tổng thống Mỹ, với kỷ lục hàng tháng 164 tỷ USD đổ vào ETF vào tháng 11. Nhà đầu tư hy vọng thuế thấp hơn và ít quy định hơn sẽ thúc đẩy thị trường chứng khoán Mỹ.
Các quỹ ETF có thu nhập cố định, chiếm tỷ trọng nhỏ hơn trong thị trường so với quỹ cổ phiếu, cũng đã có một năm thành công. Các quỹ này hưởng lợi trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang (Fed) bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Mặc dù dòng tiền vào quỹ cổ phiếu vượt gấp đôi dòng tiền vào quỹ thu nhập cố định tính đến cuối tháng 11, các quỹ trái phiếu lại tăng trưởng nhanh hơn so với tài sản ban đầu. Dòng tiền vào năm nay chiếm gần 20% tổng tài sản quản lý từ đầu năm nay.
Nhưng trong bức tranh chung của quý 4, cổ phiếu Mỹ vẫn chiếm ưu thế. Sự chênh lệch ba tháng luân phiên giữa dòng tiền vào quỹ cổ phiếu Mỹ và các loại ETF khác đạt mức cao kỷ lục vào tháng 11, theo nhóm nghiên cứu tại SPDR, đơn vị ETF của State Street. Trong tháng 11, 97% dòng tiền ròng vào quỹ cổ phiếu đổ vào cổ phiếu Mỹ, vượt xa dòng tiền vào cổ phiếu quốc tế.
Nguy cơ cho các thị trường mới nổi
Dù vậy, dòng vốn đầu tư tập trung vào thị trường Mỹ đồng nghĩa với xu hướng rút khỏi các thị trường mới nổi, tạo ra những nguy cơ đáng kể cho các nền kinh tế đang phát triển.
Đến tháng 11 năm 2024, thị trường cổ phiếu và trái phiếu trong khu vực chứng kiến sự thoái vốn đáng kể, xuất phát từ những thay đổi kinh tế toàn cầu, đồng USD mạnh lên và sự bất ổn chính sách.
Trên thị trường cổ phiếu, Đông Nam Á chứng kiến các nhà đầu tư nước ngoài rút gần 15,38 tỷ USD vào tháng 10, mức thoái vốn lớn nhất kể từ giữa năm 2022. Xu hướng này tiếp tục trong tháng 11 với 15,88 tỷ USD bị rút vốn thêm.
Thị trường trái phiếu, thường được coi là kênh đầu tư an toàn hơn, cũng không tránh khỏi biến động. Vào tháng 11, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút ròng 1,92 tỷ USD khỏi trái phiếu ở Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ và Hàn Quốc, kết thúc chuỗi 7 tháng mua ròng.
Ấn Độ và Indonesia là minh chứng rõ ràng cho sự mong manh của thị trường khu vực. Cổ phiếu Ấn Độ chứng kiến dòng vốn thoái khổng lồ 11,2 tỷ USD trong tháng 10, do lo ngại về tăng trưởng lợi nhuận chậm lại và sự chuyển hướng của nhà đầu tư sang Trung Quốc sau các biện pháp kích thích kinh tế của Bắc Kinh. Tương tự, trái phiếu Indonesia bị rút 1,8 tỷ USD vào tháng 11, chấm dứt chuỗi 6 tháng mua ròng liên tiếp.
Những diễn biến này đặt ra thách thức lớn cho các thị trường mới nổi ở Đông Nam Á. Dòng vốn rút ra không chỉ làm suy yếu sự ổn định thị trường mà còn giảm nguồn tài trợ cho các dự án phát triển kinh tế quan trọng. Năm 2025 có thể sẽ là phép thử cho khả năng thích ứng và phát triển của khu vực trong một nền kinh tế toàn cầu ngày càng bất định và chính sách khó đoán từ nước Mỹ.