Kinh tế thế giới 2025 còn nhiều thách thức
Năm 2025, nền kinh tế thế giới có thể tiếp tục đối diện nhiều thách thức, như cuộc chiến thuế quan, xung đột địa chính trị,...
Trong năm 2025, Mỹ là chỗ dựa chính cho nền kinh tế toàn cầu trong khi Trung Quốc gặp khó khăn lớn; còn EU tỏ ra có sức chống chịu đáng kinh ngạc. Sự trở lại của ông Trump là rủi ro lớn cho kinh tế toàn cầu trong năm 2025. Đặc biệt, Việt Nam được hưởng lợi từ FDI và thương mại quốc tế nhưng chịu nhiều sức ép từ thương mại và đầu tư của Trung Quốc.
Bức tranh thế giới
Năm 2025, trong khi các rủi ro địa chính trị có khuynh hướng giảm bớt thì nền kinh tế thế giới sẽ phải đối mặt với một số thách thức từ chính sách thương mại của Mỹ và sự bất ổn chính trị, kinh tế ở các nền kinh tế lớn của EU.
Thứ nhất, sự sụp đổ của chính quyền Asad ở Syria làm suy yếu đáng kể sức ảnh hưởng và hỗ trợ của Iran và đồng minh đối với Hamas và nhóm phiến quân Houthi. Trong khi đó, Israel lại kiểm soát tốt tình hình. Khu vực này sẽ ít gây bất ổn hơn đối với hoạt động giao thương toàn cầu.
Thứ hai, châu Âu đã dần thích nghi với việc không có nguồn cung năng lượng từ Nga. Do đó, hiệu ứng tiêu cực từ cuộc chiến này với kinh tế thế giới cũng giảm bớt.
Thứ ba, sự trở lại của chính quyền Trump ở Mỹ lại gây ra nhiều lo ngại khi có nhiều khả năng Mỹ sẽ dùng hàng rào thuế quan để ngăn chặn tình trạng nhập siêu của mình từ Trung Quốc và các đối tác khác. Điều này đến lượt nó sẽ gây ra các đòn đáp trả lẫn nhau về thuế quan trên toàn cầu, dẫn đến sự trì trệ, thậm chí, hỗn loạn trong giao thương quốc tế.
Thứ tư, những dấu hiệu lạm phát trở lại ở Mỹ có thể sẽ khiến FED khó giảm thêm lãi suất, hoặc giảm chậm hơn dự kiến, sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế thế giới.
Thứ năm, sự tụt dốc của nền kinh tế Trung Quốc sẽ tác động không tốt đối với các nền kinh tế phụ thuộc vào nước này.
Thứ sáu, những bất ổn chính trị ở Pháp và Đức là hai nền kinh tế hàng đầu EU, cũng có thể gây bất ổn cho nền kinh tế khu vực này và kinh tế toàn cầu.
Theo IMF, cả ba nền kinh tế hàng đầu gồm Mỹ, EU và Trung Quốc có cùng khuynh hướng tăng trưởng giảm trong năm 2025, từ đó kéo theo kinh tế toàn cầu giảm tương tự. Theo dự báo, kinh tế toàn cầu năm 2025 sẽ tăng trưởng ở mức 3,2% bằng với với mức của năm 2024 (so với mức 3,3% của năm 2023). Tuy nhiên, cần lưu ý là báo cáo này được công bố vào tháng 10/2024 tức là trước khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ và sự bất ổn chính trị và kinh tế ở Đức chưa bộc lộ rõ. Do đó, các rủi ro này chưa được tính đến. Nếu những rủi ro này xảy ra trên thực tế, mức dự báo tăng trưởng của IMF có thể sẽ phải điều chỉnh giảm.
Cũng theo dự báo này, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển bị tác động bởi khuynh hướng nêu trên ở các nền kinh tế lớn và phát triển. Trong đó, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển ở châu Á vẫn duy trì là các nền kinh tế năng động nhất với mức tăng trưởng GDP dự báo cả năm 2024 và năm 2025 lần lượt là 5,3% và 5,0% (so với mức 5,7% của năm 2023).
Hàm ý cho Việt Nam
Việt Nam là nền kinh tế phụ thuộc lớn vào kinh tế toàn cầu. Trước hết, Việt Nam được hưởng lợi lớn từ dòng vốn FDI chảy ra khỏi Trung Quốc nhờ có ổn định chính trị và gần sát Trung Quốc, rất phù hợp với chiến lược Trung Quốc + 1 của các nhà đầu tư nước ngoài đang phải rời khỏi nước này. Do đó, dòng vốn FDI vào Việt Nam năm 2024 khá ấn tượng. Dòng FDI thực hiện tại Việt Nam trong 10 tháng năm 2024 ước đạt 19,58 tỷ USD, tăng 8,8% so cùng kỳ năm trước.
Tương ứng, xuất nhập khẩu 2024 cũng rất ấn tượng với mức tổng kim ngạch 10 tháng đầu năm lên tới 647,9 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ.
Như vậy, FDI và xuất nhập khẩu là hai động lực quan trọng cho tăng trưởng của Việt Nam đều tốt trong năm 2024. Đó là lý do giải thích mức tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam là khá ấn tượng so với bối cảnh chung của kinh tế toàn cầu. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2024, tăng trưởng kinh tế ước đạt trên 7% GDP (vượt mục tiêu đề ra là 6 - 6,5% GDP).
Tuy nhiên, trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung với sự trở lại của chính quyền Trump thì Việt Nam có thể sẽ chịu nhiều rủi ro hơn trong năm 2025. Việt Nam đang được cảnh báo là trở thành bàn đạp cho Trung Quốc sản xuất hàng hóa, rồi xuất khẩu sang Mỹ. Mức xuất siêu sang Mỹ (và cả các đối tác khác) tăng tương ứng cả về mức độ và thời điểm cùng với mức nhập siêu từ Trung Quốc.
Dòng vốn FDI từ Trung Quốc cũng phản ánh chính xác khuynh hướng này. Từ vị trí ngoài top 10 các nhà đầu tư vào Việt Nam, Trung Quốc nhanh chóng trở thành top 2 trong năm 2024 với vốn đầu tư hơn 3,2 tỷ USD, chiếm 13% tổng vốn đầu tư trong 9 tháng năm 2024. Nước này cũng là đối tác dẫn đầu về số dự án FDI đầu tư vào Việt Nam, chiếm 29,3% trong năm 2024.
Tổng thống đắc cử Donald Trump dự kiến sẽ đánh thuế khoảng từ 10% đến 25% vào những quốc gia như Việt Nam. Và theo tính toán nếu điều đó thành hiện thực, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam (kể cả Malaysia và Thái Lan) sẽ bị giảm khoảng 1% hoặc hơn.
Bên cạnh lợi thế trên, Việt Nam đang phải hứng chịu làn sóng bán tháo hàng gia rẻ từ Trung Quốc đang gây hại cho sản xuất và thương mại nội địa. Các nhà sản xuất và buôn bán hàng tiêu dùng của Việt Nam đang bị thiệt hại lớn từ làn sóng này. May thay, Chính phủ đã kịp thời ngăn chặn các trang mạng bán hàng trực tuyến giá rẻ từ Trung Quốc như Temu, Taobao, 1669. Tuy nhiên, những tác hại từ hàng giá rẻ của Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục trong năm 2025.
Trên đây là những lý do giải thích tại sao mức tăng trưởng GDP của Việt Nam rất ấn tượng, nhưng mức sống và áp lực kinh doanh thua lỗ của dân cư và các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn hết sức khó khăn. Tình hình này nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp diễn trong năm 2025.
Tóm lại, năm 2025 nền kinh tế Việt Nam có thể chịu nhiều rủi ro và áp lực tăng trưởng suy giảm hơn so với năm 2024. Chính phủ cần có những phản ứng thích hợp hơn như giảm dòng FDI từ Trung Quốc chỉ để lợi dụng xuất khẩu sang Mỹ, và/hay các chính sách hỗ trợ, bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ và vừa duy trì được kinh doanh.