Chuyên đề

BRICS sẽ không ngừng nỗ lực phi đô la hoá

Diễm Ngọc 01/01/2025 04:0

Các nền kinh tế lớn của BRICS, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ, đang thúc đẩy các giao dịch thương mại bằng đồng nội tệ, chứng tỏ quá trình phi đô la hóa đang dần thành hiện thực.

Cuối tháng trước, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã đưa ra cảnh báo mạnh mẽ đối với các quốc gia thuộc nhóm BRICS, yêu cầu họ cam kết không phát hành một loại tiền tệ chung mới hay ủng hộ bất kỳ đồng tiền nào có khả năng thay thế đồng đô la Mỹ.

Ảnh chụp Màn hình 2024-12-31 lúc 14.19.10
Hiện đồng đô la Mỹ vẫn giữ vai trò thống trị trong thương mại toàn cầu và chưa có đồng tiền nào đủ sức thay thế. Ảnh: AFP

“Nếu không, các quốc gia này sẽ phải đối mặt với thuế quan 100% và từ bỏ cơ hội xuất khẩu hàng hoá vào nền kinh tế mạnh mẽ của Hoa Kỳ,” ông tuyên bố, nhắm tới nỗ lực của một số thành viên trong nhóm BRICS đang muốn tạo ra hệ thống thanh toán mới cho thương mại giữa các nước.

Chia sẻ với truyền thông quốc tế, GS. Richard Javad Heydarian, Giảng viên về địa chính trị tại ĐH Bách khoa Philippines đánh giá, những chỉ trích của tổng thống đắc cử có vẻ hơi thái quá. Trước hết, Ấn Độ - thành viên quan trọng của BRICS đã tránh xa kế hoạch tạo ra một đồng tiền chung. Thực tế, BRICS còn bị chia rẽ về nhiều vấn đề trong khi đồng đô la Mỹ vẫn giữ vai trò thống trị trong thương mại toàn cầu, chưa có đồng tiền nào đủ sức thay thế.

“Tuy nhiên, nhóm BRICS mở rộng đang dần trở thành một lực lượng đáng gờm trên trường quốc tế, đại diện cho khát vọng của các quốc gia mong muốn xây dựng trật tự thế giới mới đa cực hơn. Trong bối cảnh những dự đoán về một cuộc chiến tranh thương mại mới dưới thời chính quyền ông Trump nhiệm kỳ hai, BRICS có thể sẽ tăng cường hợp tác thương mại và chiến lược giữa các thành viên, để giảm thiểu rủi ro từ những chính sách quá mức của Hoa Kỳ”, vị GS cho biết.

Trong suốt một thời gian dài, đã có không ít chuyên gia dự đoán sự suy tàn của Hoa Kỳ với tư cách là siêu cường toàn cầu. Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát thì Mỹ vẫn là một “gã khổng lồ” kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính. Các công ty lớn của Mỹ vẫn chiếm ưu thế về vốn hóa thị trường và quốc gia này duy trì một phần quan trọng trong GDP toàn cầu. Hoa Kỳ đóng góp khoảng một phần tư sản lượng kinh tế thế giới, với đồng đô la Mỹ chiếm tới 90% giao dịch ngoại hối toàn cầu.

Sự vượt trội về kinh tế của Hoa Kỳ đã mang lại sức ảnh hưởng to lớn trên trường quốc tế, cho phép Mỹ tích lũy các khoản nợ khổng lồ, duy trì sức cạnh tranh trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến, cũng như thực hiện các biện pháp trừng phạt đối với những quốc gia đối đầu...

Theo GS. Richard Javad Heydarian dự báo, trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, chính quyền Trump có thể sẽ tiếp tục sử dụng sức mạnh kinh tế để tạo áp lực lên các đối thủ và các quốc gia không đồng thuận với Mỹ. Ngay cả các đối tác như Việt Nam, quốc gia có quan hệ chiến lược với Trung Quốc và Nga, cũng có thể bị ảnh hưởng.

Kể từ khi thành lập đến nay, BRICS đang mở rộng thành một tổ chức mạnh mẽ đại diện cho các quốc gia đang phát triển. Gần đây, nhóm này đã chào đón Ethiopia, Iran, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất gia nhập. Một số quốc gia khác cũng đang bày tỏ sự quan tâm gia nhập nhóm này.

brics.jpg
BRICS đang mở rộng thành một tổ chức mạnh mẽ đại diện cho các quốc gia đang phát triển. Ảnh: BRICS

Mới đây, BRICS thông báo sẽ bổ sung thêm 3 quốc gia đối tác mới ở châu Á gồm Indonesia, Malaysia và Thái Lan từ ngày 1/1/2025. Việc mở rộng này nhấn mạnh tham vọng ngày càng tăng của BRICS trong việc tăng cường mối quan hệ trên khắp Nam Bán cầu.

Sự tham gia của Indonesia đặc biệt có ý nghĩa. Là quốc gia đông dân thứ tư thế giới, sau các thành viên BRICS là Ấn Độ và Trung Quốc cũng như Hoa Kỳ, sự tham gia của Jakarta củng cố sức mạnh kinh tế và nhân khẩu học của khối.

Đồng thời phản ánh sự chuyển hướng chiến lược của BRICS sang Đông Nam Á. Với Thái Lan, Malaysia và Indonesia chiếm 3 trong 6 nền kinh tế hàng đầu của khu vực, quan hệ đối tác của họ giúp BRICS có được ảnh hưởng lớn hơn tại một trong những hành lang kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.

Trong tương lai, chúng ta có thể chứng kiến sự phát triển của các cơ chế nhằm phá vỡ lệnh trừng phạt của Mỹ, điển hình như các thỏa thuận năng lượng giữa Ấn Độ và Nga, hay sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Các nền kinh tế lớn của BRICS, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ, đang thúc đẩy các giao dịch thương mại bằng đồng nội tệ, điều này chứng tỏ quá trình phi đô la hóa đang dần trở thành hiện thực.

“Mặc dù còn nhiều thách thức, BRICS đang chứng tỏ mình là một lực lượng đối trọng mạnh mẽ, không chỉ là phản ứng trước chính sách của ông Donald Trump mà còn là động lực thúc đẩy một trật tự thế giới mới, đa cực hơn.

đồng USD và sức mạnh của Mỹ rất lớn, nhưng sự phát triển của BRICS và các nền kinh tế đang nổi lên sẽ ngày càng làm thay đổi trật tự thế giới và nếu Mỹ không thay đổi chiến lược của mình, việc mất dần lợi thế có thể xảy ra nhanh hơn nhiều người nghĩ”, vị GS bình luận.

Diễm Ngọc