Tăng cường vai trò tham vấn doanh nghiệp trong xây dựng chính sách, pháp luật
Dù đã có sự cởi mở hơn trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tuy nhiên, thực tế sự tham gia của người dân, doanh nghiệp vào quy trình này được cho vẫn còn hạn chế.
Năm 2024, công tác lập pháp đạt được kết quả rất quan trọng, đặc biệt ghi nhận sự đổi mới tư duy xây dựng pháp luật. Các luật ban hành ngắn gọn, thực chất, quy định đúng và đủ những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, bảo đảm tính ổn định, giá trị lâu dài.
Thực tế, trước những khó khăn, vướng mắc phát sinh, để tạo nguồn lực, khơi thông “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, ngay tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra vào đầu năm 2024, Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)… đây là 2 đạo luật có tác động lớn đến nền kinh tế.
Đặc biệt, để các chính sách sớm đi vào thực tế, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thông qua Luật số 43/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng; trong đó Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024, sớm hơn 5 tháng.
Tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua, Quốc hội đã thông qua 18 Luật, 21 Nghị quyết, trong đó có 04 Nghị quyết quy phạm pháp luật trên tinh thần đổi mới mạnh mẽ về tư duy trong công tác lập pháp theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; triệt để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp. Điển hình như Dự án một luật sửa 9 luật ngành tài chính; Dự án một luật sửa 4 luật về đầu tư, đấu thầu;…
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, và có sự cởi mở hơn trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, thực tế sự tham gia của người dân, doanh nghiệp vào quy trình này được cho vẫn còn hạn chế.
Theo bà Phan Minh Thuỷ - Phó Ban pháp chế, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), để có thể thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp vào hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp địa phương rất quan trọng. Đây là một thiết chế phù hợp và cần thiết để có thể phản ánh được tiếng nói từ lĩnh vực, địa bàn và tiếng nói đại diện này sẽ có chất lượng, toàn diện, có thông tin tốt hơn so với từng doanh nghiệp cụ thể. Là một thể chế đại diện, hiệp hội sẽ có đầy đủ thông tin, kinh nghiệm và vị trí độc lập để có thể tham gia góp ý, phản biện chính sách.
Cũng theo bà Thủy, trong giai đoạn phát triển như hiện nay, năng lực của các hiệp hội doanh nghiệp còn nhiều vấn đề cần được cải thiện, đặc biệt trong lĩnh vực tham gia xây dựng chính sách. Để các hiệp hội tham gia ý kiến vào các đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt ở một số lĩnh vực chuyên sâu, phức tạp, với yêu cầu về thời gian rất khẩn trương thì rất khó khăn. Các hiệp hội doanh nghiệp đang gặp hạn chế về nguồn lực hoạt động, chất lượng nhân lực chưa cao và chưa có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng trong hoạt động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật.
Từ thực tế đã nêu, bà Thuỷ kiến nghị, cần gắn việc tăng cường vai trò tham vấn doanh nghiệp, người dân trong xây dựng chính sách, pháp luật với chương trình hoàn thiện khung khổ pháp lý và nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, người dân. Đồng thời, chú trọng tiếp tục tăng cường công khai, minh bạch và đặc biệt là bảo đảm thực chất trong hoạt động tham vấn, thay đổi quy trình để tạo thuận lợi hơn nữa cho quá trình tham vấn người dân và doanh nghiệp.
Còn theo PGS, TS Doãn Hồng Nhung - Giảng viên Cao cấp Chuyên ngành Luật Kinh tế, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, để hoạt động lập pháp ngày càng chất lượng, cần tiếp tục đổi mới cách thức tổ chức, xử lý, sử dụng thông tin của việc lấy ý kiến góp ý, phản biện chính sách và pháp luật đảm bảo khách quan, thực chất hơn. Để góp phần đảm bảo tính khả thi, dự báo của các văn bản pháp luật, cần có cơ chế thuận lợi, thu hút sự tham gia ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động, các chuyên gia, doanh nghiệp và người dân ngay từ khâu xây dựng chính sách chứ không chỉ góp ý vào các Dự án, Dự thảo văn bản pháp luật.
Đồng thời, trong quá trình triển khai lấy ý kiến cũng cần chú trọng tới việc đa dạng cách thức tiếp cận, nội dung lấy ý kiến phải phù hợp với từng đối tượng cụ thể, tránh chung chung, hình thức. Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm phải có cơ chế phản hồi phù hợp, kịp thời đối với nội dung được lấy ý kiến. Từ đó, tạo sự đồng thuận cao từ người dân, xã hội đối với mỗi chính sách, Dự án luật được ban hành; thúc đẩy sự tuân thủ pháp luật của người dân và doanh nghiệp.
Từ năm 1998 đến nay, quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung và thay thế nhiều lần (các năm 2003, 2008, 2015, 2020) theo hướng ngày càng minh bạch và cởi mở hơn. Trong đó, Điều 6, Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 quy định về tham gia góp ý kiến xây dựng, thực hiện phản biện xã hội đối với đề nghị xây dựng Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, các tổ chức thành viên khác của Mặt trận và các cơ quan, tổ chức khác, cá nhân có quyền và được tạo điều kiện tham gia góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật”.