Phân tích - Bình luận

Hé lộ nhân tố có thể dập tắt “cơn sốt” AI trong tương lai

Nam Trần 02/01/2025 04:03

Với trí tuệ nhân tạo (AI), nhiều nhà đầu tư đang bị cuốn hút bởi khả năng vượt trội của các mô hình mới, tiềm năng của các công cụ tạo nội dung, và khả năng xử lý quy mô lớn.

smu.jpg
Tương lai ngành AI có thể phụ thuộc rất lớn vào các khung pháp lý sắp tới (Ảnh minh họa: SMU)

Tuy nhiên, nhiều người đã bỏ qua yếu tố then chốt: môi trường pháp lý còn bỏ ngỏ đối với AI. Theo Josh Harlan, nhà sáng lập và Giám đốc công ty quản lý quỹ Harlan Capital Partners, chính những quy định pháp lý sẽ định hình con đường kinh tế của AI trong tương lai

Câu hỏi trọng tâm đang được đặt ra là: Ai sẽ kiểm soát giá trị mà AI tạo ra? Câu trả lời gây tranh cãi này sẽ phải giải đáp hai khía cạnh. Thứ nhất, liệu các công ty AI có phải bồi thường cho các chủ sở hữu quyền khi sử dụng dữ liệu của họ để huấn luyện các mô hình AI hay không? Thứ hai, liệu các sáng tạo do AI tạo ra có được bảo vệ bản quyền hoặc quyền sáng chế hay không?

Hiện tại, những tranh cãi pháp lý xung quanh AI đang ở trạng thái bất định. Tờ The New York Times, Getty Images và nhiều nghệ sĩ đã kiện các công ty AI về việc sử dụng tài liệu có bản quyền trong các bộ dữ liệu huấn luyện.

Kết quả của những vụ kiện này sẽ quyết định liệu các nhà phát triển AI có được phép thu thập dữ liệu công khai hay phải xin giấy phép sử dụng nội dung đào tạo cho các mô hình của họ. Nếu tòa án đứng về phía chủ quyền sở hữu, các công ty AI sẽ đối mặt với chi phí tăng cao. Điều này có thể làm giảm lợi nhuận và đặt ra nghi vấn về nhiều định giá hiện tại.

Ngoài ra, quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm do AI tạo ra cũng là một vấn đề chia rẽ. Liệu một cuốn tiểu thuyết do AI viết có được đăng ký bản quyền hay một phát minh do AI hướng dẫn có được cấp bằng sáng chế? Các phán quyết gần đây nhấn mạnh rằng chỉ những người sáng tạo là con người mới có thể yêu cầu quyền sở hữu trí tuệ theo luật hiện hành. Điều này tạo ra sự mơ hồ cho các công ty sử dụng AI trong quy trình sáng tạo hoặc phát minh, gây ảnh hưởng đến lòng tin của nhà đầu tư.

Vào những năm 1990, ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu đã gặp phải cuộc khủng hoảng vi phạm bản quyền nghiêm trọng khi các bản sao CD không được mã hóa bị sao chép và phân phối trái phép. Việc thiếu các biện pháp bảo vệ hiệu quả về cả công nghệ lẫn pháp lý đã dẫn đến sự sụt giảm lớn về doanh thu.

Ngành công nghiệp phim ảnh Mỹ sau đó đã rút kinh nghiệm từ sai lầm trên. Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPAA) không chỉ triển khai các giải pháp công nghệ, như mã hóa DVD, mà còn thúc đẩy thay đổi pháp lý thông qua Đạo luật Bản quyền Kỹ thuật số Thiên niên kỷ (DMCA) năm 1998. DMCA quy định việc vượt qua các hệ thống bảo vệ bản quyền là bất hợp pháp, mang lại sự bảo vệ mạnh mẽ hơn và giảm thiểu vi phạm bản quyền hiệu quả hơn so với chỉ dựa vào công nghệ.

nyt.jpg
Kết quả vụ kiện của tờ New York Times đối với OpenAI và Microsoft về vấn đề bản quyền có thể sẽ là cột mốc định hình ngành AI tương lai (Ảnh: The Japan Times)

Theo Harlan, đối với ngành AI, bài học quan trọng là công nghệ không đủ để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hoặc tài sản. Những biện pháp pháp lý mạnh mẽ cần được triển khai để bảo vệ lợi ích của các bên liên quan. Ngành AI hiện nay cần một khung pháp lý rõ ràng, tương tự như DMCA, để xác định quyền sở hữu và trách nhiệm đối với dữ liệu và sản phẩm AI, nhất là trong bối cảnh những vấn đề pháp lý liên quan vẫn còn nhiều mơ hồ.

Trong tương lai, khi các quy định pháp lý được thiết lập, thị trường AI có thể được định hình lại theo hai hướng.

Nếu New York Times và Getty Images thắng kiện các vụ vi phạm bản quyền, các công ty AI sẽ phải trả tiền để truy cập dữ liệu huấn luyện. Các công ty sở hữu thư viện lớn gồm dữ liệu và nội dung khó thu thập—như video chất lượng cao, thông tin y tế, bộ dữ liệu tài chính và pháp lý, cùng thông tin địa lý—có thể chứng kiến giá trị tài sản của họ tăng đáng kể. Một số có thể trở thành những người gác cổng trong hệ sinh thái AI tương lai.

Một phán quyết ngược lại sẽ giúp chi phí huấn luyện mô hình được giảm thiểu đáng kể, mang lại lợi nhuận cao cho các công ty AI. Tuy nhiên, kết quả này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến nghệ sĩ và người sáng tạo, làm suy yếu quyền sở hữu trí tuệ.

“Sự hứng khởi xung quanh AI là điều dễ hiểu, nhưng các nhà đầu tư phải chú ý sát sao đến cách các tòa án phán quyết về các vụ kiện liên quan đến vi phạm bản quyền trong dữ liệu huấn luyện, cũng như các diễn biến lập pháp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ của AI. Những quyết định này cuối cùng sẽ xác định ai là người hưởng lợi và ai là người thất bại trong kỷ nguyên AI,” ông Josh Harlan nhấn mạnh.

Nam Trần