Tranh cãi visa H-1B hé lộ điểm yếu của ngành công nghệ Mỹ
Chương trình thị thực H-1B đang gây tranh cãi tại Mỹ có lợi nhất cho các tập đoàn công nghệ khi nguồn nhân lực trong nước không thể đáp ứng.
Chương trình H-1B đã trở thành tâm điểm của cuộc tranh luận giữa những người ủng hộ Tổng thống đắc cử Donald Trump trong thời gian qua. Elon Musk và các giám đốc điều hành công nghệ khác bảo vệ visa H-1B, coi đó là yếu tố then chốt cho sự thành công của các doanh nghiệp Mỹ.
Tuy nhiên, nhiều người ủng hộ chính sách hạn chế nhập cư, như nhà hoạt động Laura Loomer chỉ trích chương trình H-1B vì cho rằng nó lấy đi cơ hội việc làm của người Mỹ và làm giảm mức lương.
Phe bảo thủ này cho rằng các công ty công nghệ nên buộc phải tuyển dụng lao động Mỹ và lo ngại rằng việc tiếp tục chương trình này sẽ mâu thuẫn với cam kết của ông Trump về ưu tiên lao động trong nước.
Trước những tranh cãi này, ông Trump đã lên tiếng ủng hộ chương trình H-1B. Trong một cuộc phỏng vấn ngày 28/12/2024, ông Trump cho biết: "Tôi luôn thích thị thực H-1B, tôi luôn ủng hộ visa này". Ông cũng nhấn mạnh rằng ông đã sử dụng chương trình này nhiều lần trong các doanh nghiệp của mình và coi đó là một chương trình tuyệt vời.
Đằng sau cuộc tranh cãi về visa H-1B là một thực tế đơn giản: ngành công nghệ Mỹ phụ thuộc vào lao động nhập cư.
Amazon.com, Google và Tesla nằm trong số những công ty sử dụng visa H-1B nhiều nhất. Thị thực này cho phép các công ty đưa lao động nước ngoài vào Mỹ làm việc tạm thời. Phần lớn số lao động đó đến từ Ấn Độ và làm việc trong các lĩnh vực như phát triển phần mềm, khoa học máy tính và kỹ thuật.
Hầu hết các công việc này được đảm nhận bởi lao động sinh ra tại Mỹ, nhưng tỷ lệ lao động nước ngoài trong lực lượng này đã tăng hơn gấp đôi, lên 26%.
Các công ty Mỹ từ lâu đã phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt kỹ năng, đặc biệt trong các lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học). Nhu cầu về chuyên môn trong những lĩnh vực này ngày càng tăng mạnh.
Từ năm 1990 đến 2023, số lượng lập trình viên phần mềm tại Mỹ đã tăng gấp 4 lần lên 2,85 triệu người, theo dữ liệu từ cuộc điều tra dân số. Số lượng nhà khoa học máy tính tăng hơn 7 lần lên 3,5 triệu người trong cùng thời kỳ, nhưng vẫn không đủ.
Được Quốc hội Mỹ tạo ra vào năm 1990, chương trình H-1B là con đường chính để lao động nước ngoài có trình độ cao vào Mỹ. Người sở hữu visa này có thể đủ điều kiện xin thẻ xanh, cho phép họ ở lại Mỹ vô thời hạn.
Chương trình này nhận được lượng đơn đăng ký vượt xa số lượng cấp phép, với hạn mức 85.000 visa mỗi năm. Các công ty nộp hàng trăm nghìn đơn mỗi năm.
Dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ giải thích tại sao nhu cầu lại cao như vậy. Tháng 10/2024, số lượng vị trí tuyển dụng trong lĩnh vực "dịch vụ chuyên môn và kinh doanh", bao gồm hầu hết các ngành công nghệ, cao gấp đôi số lượng lao động thất nghiệp.
Chương trình H-1B yêu cầu các nhà tuyển dụng trả mức lương "phù hợp với thị trường" cho các vị trí đăng tuyển. Tuy nhiên, theo một báo cáo năm 2020 từ Viện Chính sách Kinh tế, 60% các vị trí được chính phủ chứng nhận có mức lương thấp hơn mức trung bình địa phương cho ngành nghề tương ứng.
Năm 2020, chính quyền Trump đã cố gắng cải cách chương trình này, bao gồm việc tăng mức lương mà các nhà tuyển dụng phải trả. Tuy nhiên, những thay đổi này không được thực hiện dưới thời chính quyền Biden, theo Ron Hira, Phó giáo sư tại Đại học Howard và đồng tác giả báo cáo của Viện Chính sách Kinh tế về visa H-1B.
Những công ty sử dụng visa H-1B nhiều nhất trong năm 2024 còn có Cognizant Technology Solutions, Tata Consultancy Services và HCL America, cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin. Các công ty này thường xin visa để lấp đầy các vị trí cấp thấp và lương thấp hơn so với các công ty công nghệ khác.
"Chỉ những công ty có tổ chức tốt, có đội ngũ luật sư mạnh và nộp hồ sơ đầy đủ mới có thể nhận được nhiều visa," Giovanni Peri, một nhà kinh tế lao động tại Đại học California, Davis, cho biết.
HCL America cho biết họ có tỷ lệ nhân viên sử dụng visa H-1B thấp nhất trong số các công ty cùng ngành. Đây là một công ty con của HCLTech, một công ty tư vấn công nghệ đa quốc gia của Ấn Độ.
Một nghiên cứu gần đây của Viện Kinh tế Lao động IZA cho thấy các công ty có nhiều lao động được cấp visa H-1B thường có mức tăng trưởng doanh thu và nhân sự lớn hơn, đồng thời có khả năng duy trì hoạt động lâu dài hơn.
Gaurav Khanna, nhà kinh tế lao động tại Đại học California, San Diego, nhận định: "Nhiều visa H-1B hơn dẫn đến nhiều bằng sáng chế hơn tại Mỹ và mức thu nhập cao hơn cho cả lao động Mỹ lẫn Ấn Độ."