Vì sao những nền kinh tế “đầu tàu” châu Âu trì trệ?
Chính trị bất ổn, cấu trúc nền kinh tế bất cân bằng, thuế quan, suy giảm khả năng cạnh tranh,... khiến Đức và Pháp kéo lùi kinh tế châu Âu.
Trong vòng chưa đầy một thập kỷ, kinh tế châu Âu vấp phải hai lần khủng hoảng. Nếu như thời điểm 2008, tình trạng bất ổn bắt đầu từ các nền kinh tế nhỏ hơn như Hy Lạp, Ireland,… thì lần này khủng hoảng xuất hiện tại những nền kinh tế hàng đầu châu Âu, như Đức và Pháp.
Các nhà kinh tế cho biết quỹ đạo kinh tế của cả hai quốc gia này đều đáng lo ngại, cảnh báo rằng việc không có tăng trưởng, mất cân bằng tài chính và tình trạng bế tắc về chính trị có thể dẫn đến suy thoái và mất vị thế cho toàn bộ châu Âu.
Neil Shearing, nhà kinh tế trưởng của Capital Economics cho biết: “Châu Âu đang phải đối mặt với sự suy thoái liên tục nếu không có cải cách cơ bản ở những vấn đề cốt lõi”.
Pháp, nền kinh tế lớn thứ 2 khu vực châu Âu, có thâm hụt ngân sách ước tính lên tới 6,1% và nợ công lên tới 112% vào năm 2024. Hiện tại, nội các của Thủ tướng Francois Bayrou chưa thể thuyết phục Quốc hội ấn định mức chi tiêu công cho năm 2025.
Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất và quan trọng nhất khối, cũng bị trì hoãn bởi bất ổn chính trị. Liên minh cầm quyền của Thủ tướng Đức Olaf Scholz sụp đổ vào mùa thu năm ngoái do bất đồng về chính sách kinh tế và ngân sách. Vấn đề của Đức là chi tiêu suy yếu và đầu tư không đủ dẫn đến tăng trưởng kinh tế suy giảm.
Các nhà kinh tế cho rằng việc thiếu các kế hoạch ngân sách có nghĩa là các nền kinh tế lớn của châu Âu sẽ không thể tập trung huy động nguồn lực nhằm mở rộng nền kinh tế, tiếp tục xu hướng tăng trưởng yếu kém đáng lo ngại trong những năm gần đây.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB Christine Lagarde cảnh báo về khả năng “xung đột nghiêm trọng hơn trong thương mại toàn cầu” và rằng “niềm tin sa sút có thể ngăn cản tiêu dùng và đầu tư phục hồi nhanh như mong đợi”.
Nguyên nhân trực tiếp hơn là do sự tác động của nhiều sự kiện, chẳng hạn như chiến sự Nga - Ukraine và giá năng lượng tăng, một yếu tố đã ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng ở châu Âu.
Cho dù ECB đã cắt giảm lãi suất xuống mức 3%, nhưng kinh tế châu Âu đang gặp phải nhiều vấn đề mang tính hệ thống, như năng suất thấp, kém cạnh tranh và những mối nguy tiềm tàng như thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ châu Âu vào Hoa Kỳ, có khả năng sẽ được Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump áp dụng.
Ví dụ, ngành công nghiệp xe hơi Đức không thể chuyển đổi nhanh như Trung Quốc và Mỹ. Họ không có chuỗi cung ứng mạnh mẽ như đối thủ, bị dồn vào cuộc đua hạ giá - điều rất lạ với các hãng xe sang như BMW, Volkswagen, Mercedes…
Jari Stehn, nhà kinh tế trưởng về châu Âu tại Goldman Sachs, nhận định: "Biểu đồ dự báo của chúng tôi cho thấy châu Âu sẽ phải đối mặt với một năm khá khó khăn vào năm 2025. Có rất nhiều vấn đề đối với khu vực này, như giá năng lượng cao, Trung Quốc chậm lại, bất ổn chính trị, căng thẳng thương mại,...