Quảng Ninh: Tập trung phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
Quảng Ninh đã, đang chú trọng đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để bước vào hành trình của kỷ nguyên phát triển mới.
Động lực dẫn đường
Trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo luôn được coi là cơ sở quan trọng hàng đầu cho sự phát triển nhanh và bền vững.
Tại Quảng Ninh, việc chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững của tỉnh càng cho thấy vai trò quan trọng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Theo kết quả xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2024 do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố mới đây, tỉnh Quảng Ninh xếp hạng thứ 6 với 47,82 điểm, đứng trong tốp 10 địa phương có điểm số cao nhất về chỉ số PII. Bên cạnh đó, tỷ lệ đóng góp của Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế duy trì trên 50% cho thấy, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển bền vững của Quảng Ninh
Tính đến cuối năm 2024, tỉnh Quảng Ninh đã có 27 doanh nghiệp khoa học công nghệ, nằm trong nhóm các tỉnh, thành có nhiều doanh nghiệp khoa học công nghệ trong toàn quốc. Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt 45,24% tổng giá trị sản xuất công nghiệp.
Chỉ tính riêng trong năm 2024, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã triển khai gần 60 dự án, đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia, cấp tỉnh. Các đề tài, nhiệm vụ tập trung vào những ngành, lĩnh vực đang được tỉnh Quảng Ninh ưu tiên đẩy mạnh như: Kinh tế biển, công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, quốc phòng an ninh, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số…
Theo ông Nguyễn Quang Mâu - Chủ tịch HĐQT Tổ hợp Gốm Đất Việt, phía công ty luôn coi khoa học kỹ thuật và công nghệ là then chốt, tiền đề nghiên cứu và sáng tạo, tạo bước đột phá trong hoạt động sản xuất, mang lại những kết quả quan trọng. Phía doanh nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư cho khoa học và công nghệ, hướng đến mục tiêu đến năm 2030 sản xuất các sản phẩm từ đất sét nung có chất lượng ngang tầm với thế giới.
Còn theo ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ninh, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng hàng đầu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 28/4/2023 về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Chỉ sau hơn một năm triển khai thực hiện, hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của tỉnh có nhiều kết quả rất tích cực và thiết thực.
Thêm những giải pháp đột phá
Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh thuộc nhóm các địa phương đi đầu cả nước về ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở một số lĩnh vực quan trọng và ở một số ngành, lĩnh vực đạt trình độ khu vực, quốc gia, quốc tế.
Để thực hiện mục tiêu đã đặt ra, tỉnh Quảng Ninh tập trung huy động mọi nguồn lực, nâng cao tiềm lực cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo có trọng tâm, trọng điểm, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, trước yêu cầu mới, đặc biệt là quy mô kinh tế của tỉnh ngày càng lớn, nhưng vẫn giữ đà tăng trưởng bình quân “hai con số”, đòi hỏi cần phải có những giải pháp đột phá về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, để bước vào hành trình của kỷ nguyên phát triển mới.
Ngành khoa học công nghệ cần phải bám sát các nhiệm vụ, tham mưu với lãnh đạo tỉnh nhằm đưa ra giải pháp trọng tâm liên quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ được phê duyệt. Tập trung tháo gỡ nút thắt về chính sách. Mở rộng và đẩy nhanh tốc độ ứng dụng những thành tựu của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy hội nhập sâu rộng, mở rộng hợp tác quốc tế, nhất là với các đối tác chiến lược có thế mạnh về khoa học công nghệ phù hợp với lĩnh vực tỉnh đang ưu tiên tập trung…
Bên cạnh đó, cũng như thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo chủ trương của Nhà nước, ngành khoa học công nghệ cần tăng cường hơn nữa hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học xã hội phục vụ đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, công tác quản lý nhà nước, quản trị địa phương trong điều kiện chuyển đổi số, kinh tế số để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và của nền kinh tế tỉnh Quảng Ninh.
Được biết, thời gian qua, hạ tầng mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ được tỉnh Quảng Ninh đầu tư từng bước đáp ứng nhu cầu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất. Địa phương này cũng tập trung đẩy nhanh xây dựng 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại thành phố Đông Triều với quy mô giai đoạn I trên 120 ha và tại huyện Đầm Hà đang trình đề án với diện tích dự kiến 399,62 ha. Tỉnh cũng đã công nhận 1 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ xây dựng 43 phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn LAS, VILAS.
Theo bà Phạm Thị Nga - Phó Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Khánh VT, để phát triển một cách bền vững, nâng cao giá trị của sản phẩm, việc ứng dụng khoa học công nghệ là tất yếu. Điều này đã được thực tiễn chứng minh qua hoạt động sản xuất của công ty.