Nghiên cứu - Trao đổi

Phát triển thị trường tín chỉ carbon: Cần tập trung nâng cao nhận thức cho các chủ thể

Gia Nguyễn 03/01/2025 04:30

Để thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam hình thành một cách căn bản và đi vào vận động hiệu quả, theo chuyên gia, cần tập trung nâng cao nhận thức cho các chủ thể...

Theo Dự thảo Đề án “Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam” được xây dựng trên cơ sở Nghị định 06/2022/NĐ-CP, từ nay đến hết năm 2027, Việt Nam tập trung xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025; triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon; Dự kiến đến năm 2028 sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon.

phat-trien-thi-truong-tin-chi-carbon-02.01.2.jpg
Phát triển thị trường tín chỉ carbon được xem là một trong những giải pháp để thúc đẩy giảm phát thải - Ảnh minh họa: ITN

Nhìn nhận về vấn đề đã nêu, các chuyên gia cho rằng, việc thành lập thị trường tín chỉ carbon là định hướng quan trọng để Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 vào 2050. Để triển khai lộ trình này cần có sự chuẩn bị kỹ càng về hạ tầng, kỹ thuật, năng lực kiểm kê và báo cáo của doanh nghiệp...

Theo PGS, TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, thị trường tín chỉ carbon được chia thành hai loại chính: Thị trường tuân thủ và thị trường tự nguyện. Trong khi thị trường tuân thủ là nền tảng để các quốc gia phát triển thị trường tín chỉ carbon, thì ở Việt Nam, thị trường tự nguyện vẫn còn hạn chế. Dù không có tiềm năng lớn như Brazil hay các nước khu vực Amazon, Việt Nam vẫn có cơ hội phát triển thị trường tín chỉ carbon trong các lĩnh vực nông nghiệp và lâm nghiệp.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh, việc phát triển thị trường này phụ thuộc rất lớn vào chính sách Nhà nước và khả năng kết nối giữa hai thị trường trên. Theo đó, việc thực hiện đề án phát triển một triệu ha lúa phát thải thấp sẽ góp phần tạo ra tín chỉ carbon, góp phần chuyển đổi Việt Nam sang nền kinh tế phát thải thấp.

phat-trien-thi-truong-tin-chi-carbon-02.01.1.jpg
Để thúc đẩy phát triển thị trường carbon, theo chuyên gia, cần đẩy mạnh chính sách hợp tác quốc tế - Ảnh minh họa

Để triển khai hiệu quả, PGS, TS Nguyễn Đình Thọ cho rằng, cần thực hiện kiểm kê, báo cáo và xác nhận tín chỉ carbon, điều này đòi hỏi sự đầu tư lớn về công nghệ và chi phí. Việc áp dụng chuyển đổi số, công nghệ đám mây hay blockchain được coi là chìa khóa để quản lý và khai thác hiệu quả tín chỉ carbon.

“Nếu chỉ tập trung vào tín chỉ carbon từ lâm nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc kết nối giữa thị trường tín chỉ bắt buộc và tự nguyện, cùng với hợp tác đa phương theo Điều 6 Thỏa thuận Paris, sẽ giúp nâng cao giá trị tín chỉ carbon của Việt Nam trên thị trường quốc tế”, vị chuyên gia này lưu ý.

Còn theo chuyên gia kinh tế - PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, nếu tận dụng tốt tiềm năng hiện có, Việt Nam có thể thu được nguồn lợi đáng kể từ hoạt động tín chỉ carbon. Điều quan trọng là cần tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu và thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải trong sinh hoạt và sản xuất. Đây không chỉ là giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế trước mắt mà còn góp phần phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế xanh cho tương lai.

Vị này cho rằng, để Việt Nam cạnh tranh hiệu quả trên thị trường tín chỉ carbon quốc tế, cần chú trọng tổ chức các hoạt động thẩm định, đo đạc và đảm bảo chất lượng bền vững trong sản xuất kinh doanh và cung ứng tín chỉ carbon. Các chương trình cần được xây dựng với định hướng phát triển bền vững lâu dài.

“Việc phát triển các hoạt động hấp thụ CO2 như nông nghiệp, lâm nghiệp, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), trồng rừng ven biển và xử lý môi trường cần được đưa vào quy hoạch tổng thể. Đây là những vấn đề cốt lõi mà các cơ quan quản lý cần giải quyết. Các địa phương cần tuân thủ quy hoạch chung, thúc đẩy phát triển bền vững, tiết kiệm tài nguyên, giảm sử dụng nguyên liệu không tái tạo, và tối ưu hóa khả năng hấp thụ CO2.

Chỉ khi nâng cao năng lực cạnh tranh bền vững từ từng địa phương đến toàn quốc, Việt Nam mới có thể khẳng định vị thế trên thị trường tín chỉ carbon toàn cầu”, PGS, TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ.

Đồng quan điểm, không ít ý kiến cũng cho hay, để thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam hình thành một cách căn bản và đi vào vận động hiệu quả, cần tập trung nâng cao nhận thức cho các chủ thể về thị trường này. Đặc biệt cần hoàn thiện các quy chuẩn, quy phạm mang tính kỹ thuật liên quan đến cơ chế tính điểm, giao dịch, bảo đảm phù hợp cũng như liên thông được với các quy định, quy chuẩn quốc tế.

Gia Nguyễn