Pháp lý, thời hạn sở hữu cản trở đà phục hồi bất động sản nghỉ dưỡng
Các chủ đầu tư vẫn tiếp tục "bung" hàng song niềm tin của nhà đầu tư đối với bất động sản nghỉ dưỡng vẫn bị ảnh hưởng bởi pháp lý và thời hạn sử dụng.
Nguồn cung cải thiện, giao dịch vẫn hạn chế
Báo cáo vừa công bố của BHS R&D cho thấy, tính chung cả năm 2024, nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng cao tầng đã tăng gấp đôi so với 2023, lượng giao dịch tăng rõ rệt vào quý 1 và quý 2. Trong đó góp phần lớn nguồn cung và giao dịch là từ một dự án lớn tại Nha Trang.
Bước sang quý 4, thị trường ghi nhận thêm nguồn cung từ 2 dự án mở bán mới là Polaris Tower và Lagoona Bình Châu - Wyndham Grand Hotel.
Về giá bán, mức giá có ghi nhận tăng ở một số địa phương có thị trường bất động sản nghĩ dưỡng nổi bật (Quảng Ninh tăng 11.5 – 18%, Khánh Hòa tăng 6%, Bà Rịa – Vũng Tàu tăng 7.5 – 9%). Tuy nhiên, về gần cuối năm lượng giao dịch lại giảm đáng kể, tỷ lệ hấp thụ chung toàn phân khúc đạt khoảng 36.4%.
Với phân khúc nghỉ dưỡng thấp tầng, lũy kế cả năm 2024, nguồn cung sơ cấp giảm 10.5% so với năm 2023. Mức giá ghi nhận tại quý 4/2024 có sự biến động so với quý trước phụ thuộc vào chính sách bán hàng, đặc biệt ở thị trường miền Bắc (Flamingo Golden Hill – Hà Nam giảm 2 - 15%, Paracea Hill Mộc Châu – Sơn La tăng 9 – 11% và Grand Meliá Nha Trang – Khánh Hòa tăng 2 – 3%). Theo BHS R&D, phân khúc này tuy có dấu hiệu tích cực nhưng vẫn còn gặp nhiều vấn đề từ việc giá trị cao, khó thanh khoản.
Cùng nhận định, báo cáo mới đây của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cũng ghi nhận mặt bằng giá sơ cấp, nhất là các sản phẩm nhà phố, shophouse nghỉ dưỡng vẫn neo cao. Một số dự án căn hộ du lịch ghi nhận giá chào bán phân khu mới/tòa mới với mức tăng khoảng 10% so với giai đoạn chào bán trước đó. Cá biệt, có dự án biệt thự được bán với giá 800 triệu đồng/m2.
Trên thị trường thứ cấp, mặt bằng giá bắt đầu ổn định hơn sau thời gian có sự điều chỉnh giảm. Một số sản phẩm condotel ở các dự án nghỉ dưỡng đã đi vào vận hành tại các khu vực trọng điểm về du lịch ghi nhận mức giá tăng nhẹ, khoảng 5% so với cùng kỳ.
Về tình hình mua bán, toàn thị trường ghi nhận khoảng 2.500 giao dịch trong năm qua. Tỷ lệ hấp thụ trên nguồn cung mới đạt khoảng hơn 50%. "Khách hàng ngày càng có sự thận trọng hơn trong việc tìm kiếm thông tin, lựa chọn dự án" - báo cáo của VARS nêu rõ.
Phục hồi chậm
Theo VARS, có 4 yếu tố tồn tại khiến tốc độ phục hồi của thị trường nghỉ dưỡng bị cản trở: Dư thừa nguồn cung nghỉ dưỡng cao cấp tại một số điểm đến; tỷ lệ đặt phòng ở một số khu vực thấp làm giảm sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư; một số dự án condotel còn vướng mắc pháp lý; nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng còn đi theo mô hình truyền thống.
Dự báo về diễn biến thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng trong năm 2025, đại diện VARS cho rằng phân khúc này sẽ có thêm tín hiệu tích cực. Lực cầu trong năm 2025 dự kiến tiếp tục được cải thiện khi hành lang pháp lý hoàn thiện trong bối cảnh du lịch, bán lẻ phục hồi tích cực. Biệt thự nghỉ dưỡng lâu dài hoặc căn hộ du lịch tại những dự án có phương án vận hành rõ ràng ở các tỉnh, thành có du lịch phát triển vẫn sẽ được quan tâm nhiều.
Dự báo giá bán sơ cấp vẫn ở mức cao, song sẽ được điều chỉnh phù hợp hơn. Giá bán biệt thự nghỉ dưỡng đi ngang tại một số nơi dư thừa nguồn cung cao cấp. Giá biệt thự nghỉ dưỡng lâu dài tại các khu vực du lịch trọng điểm tiếp tục tăng trưởng khoảng 15% mỗi năm nhờ dòng tiền cho thuê bền vững.
Trong khi đó, theo BHS R&D, trong ngắn hạn, về thanh khoản, vấn đề pháp lý, đặc biệt là thời hạn sử dụng vẫn là điểm cản trở khả năng thanh khoản các dự án condotel. Giao dịch sẽ vẫn có ở các dự án có vị trí thực sự tốt, nằm tại các địa điểm du lịch nổi bật và có giá bán dễ tiếp cận.