Du lịch Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Tổng Bí thư Tô Lâm khởi xướng Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc rất đúng thời điểm, rất trúng ý chí và nguyện vọng của nhân dân.
Trước hết, ngành du lịch phải hiểu nội hàm định hướng đột phá này của Nhà lãnh đạo Đảng ta làm nền tảng cho khát vọng, đặt ra tầm nhìn chiến lược, mục tiêu chiến lược, kế hoạch hành động để Việt Nam trở thành cường quốc lịch, đóng góp xứng tầm trong Kỷ nguyên mới:
“Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam là kỷ nguyên phát triển bứt phá, tăng tốc dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đích cuối cùng giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc; đuổi kịp, tiến cùng, sánh vai với các cường quốc năm châu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của thế giới, hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu. Trong kỷ nguyên mới, mọi người dân Việt Nam đều được phát triển toàn diện, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, văn minh.
Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần yêu nước, tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; Kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao.
Xác định thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng, thời điểm chúng ta hoàn thành xuất sắc công cuộc đổi mới sau 40 năm lao động, sáng tạo bền bỉ và đạt được những thành tựu vĩ đại; cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế nâng lên rõ rệt.”
Như thế, nội hàm của Kỷ nguyên mới bao hàm rất rõ tốc độ tiến lên của đất nước là “bứt phá”, “tăng tốc”, “đuổi kịp, tiến cùng, sánh vai với các cường quốc năm châu” tức là phải phát triển rất nhanh, mạnh mẽ, dũng cảm: dám “chơi lớn” sánh cùng các cường quốc.
Nguồn lực tăng trưởng đất nước đến từ đâu?
Đến từ 3 ngành kinh tế mũi nhọn là Nông nghiệp, Du lịch và Công nghệ thông tin, các “cỗ máy kiếm tiền” vẫn sẽ đến từ 3 mũi nhọn này cộng với kiều hối, FDI, thặng dư thương mại, thuế doanh nghiệp, tiền đấu giá đất, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền từ tài nguyên thiên nhiên, …
Vai trò của ngành du lịch: Hơn cả cỗ máy kiếm tiền
Thời gian qua ngành du lịch có đóng góp rất quan trọng cho nền kinh tế với kết quả cao nhất của ngành đạt được năm 2019: Đón được 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 755.000 tỷ đồng, đóng góp của du lịch chiếm 9,2% GDP cả nước; quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới; tạo nhiều việc làm; tác động lan tỏa đến 40 ngành kinh tế, sử dụng 2.000 sản phẩm và dịch vụ; đóng góp ngân sách thông qua các loại thuế, phí…
Du lịch trở thành ngành xuất khẩu tại chỗ mang lại nguồn thu ngoại tệ ròng lớn hơn cả dòng kiều hối hay tổng giải ngân nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, chi tiêu rò rỉ của du lịch Việt Nam chỉ khoảng 0,27 USD, nghĩa là cứ mỗi USD kiếm được thì có 0,73USD được giữ lại. Xét trên tổng doanh thu ước tính cho năm 2024 đạt 84.000 tỷ đồng (33,6 tỷ USD) du lịch sẽ mang lại thu nhập ròng trên 25,2 tỷ USD, vượt xa con số 14,4 tỷ USD kiều hối hay 21,6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài thực giải ngân. Du lịch còn mang lại thu nhập ngoại tệ ròng lớn hơn so với thặng dư xuất khẩu của 11 tháng năm 2024 dù tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 750 tỷ USD, GDP đạt khoảng 460 tỷ USD.
Không chỉ là động lực cho tăng trưởng kinh tế, du lịch còn tạo việc làm và thịnh vượng chung. Nếu như nông nghiệp cơ bản chỉ phát triển ở nông thôn, công nghiệp ở những nơi có hạ tầng kỹ thuật tốt và dân số đông, thì du lịch có thể phát triển ở mọi vùng miền, dùng nhiều lao động trẻ và tay nghề không cao. Đặc biệt, du lịch có thể phát triển ở những vùng sâu vùng xa, những vùng miền bị tụt hậu, từ đó trở thành công cụ phân bổ thu nhập từ nơi giàu đến nơi nghèo, qua đó góp phần phát triển một ngành kinh tế bao trùm để không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thực trạng ngành du lịch: Đứng “giữa hàng quân”
Theo Chỉ số Phát triển Du lịch & Lữ hành 2024 (Travel & Tourism Development Index) của Diễn Đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum – WEF), du lịch Việt Nam đứng ở vị trí 59 trong 119 quốc gia thống kê. Trong khi Singapore có vị trí số 13, Indonesia số 22, Thái Lan số 47.
Bộ chỉ số tập trung vào 5 nhóm là: Môi trường (môi trường kinh doanh, an toàn & an ninh, sức khỏe & vệ sinh, nguồn nhân lực & thị trường lao động (chất lượng nguồn nhân lực, tính năng động của thị trường lao động, sức chống chịu của thị trường lao động và công bằng), sự sẵn sàng của Công nghệ thông tin & truyền thông (Information & Communications Technologies – ICT));
Chính sách và điều kiện thực hiện (Ưu tiên hóa Du lịch & Lữ hành, sự cởi mở với Du lịch & Lữ hành, cạnh tranh về giá cả);
Hạ tầng và dịch vụ (hạ tầng hàng không, hạ tầng mặt đất, dịch vụ du lịch và hạ tầng);
Nguồn lực Du lịch & Lữ hành (nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn tài nguyên văn hóa;
Tính bền vững của Du lịch & Lữ hành (bền vững về môi trường (bền vững về năng lượng, các điều kiện môi trường và ô nhiễm, bảo tồn thiên nhiên), tác động kinh tế, xã hội, bền vững về nhu cầu Du lịch & Lữ hành).
Với những tiêu chí đánh giá trên, du lịch Việt Nam vẫn đang đứng “giữa hàng quân” mà thôi. Xác định vị trí hiện tại của du lịch Việt Nam trên trường quốc tế rất quan trọng làm căn cứ cho xây dựng Chiến lược mới.
Các chỉ tiêu chính trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 theo Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22 tháng 1 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ:
Đến năm 2025: Đứng thứ 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch thế giới; tổng thu từ khách du lịch đạt 1.700-1.800 nghìn tỷ đồng (77-80 tỷ USD); đóng góp vào GDP 12-14%; tạo ra 5,5-6 triệu việc làm; đón ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân về khách quốc tế từ 12-14%/năm và khách nội địa từ 6-7%/năm;
Đến năm 2030: Du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đứng thứ 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch thế giới; tổng thu từ khách du lịch đạt 3.100- 3.200 nghìn tỷ đồng (130-135 tỷ USD); đóng góp vào GDP 15-17%; tạo ra 8,5 triệu việc làm; đón ít nhất 50 triệu lượt khách quốc tế và 160 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân về khách quốc tế từ 8-10%/năm và khách nội địa từ 5-6%/năm;
Có thể nói, Chiến lược du lịch, ra đời trên đà kết quả của năm 2019, khá ấn tượng. Tuy thế, Chiến lược vừa ban hành thì Covid-19 ập đến, kéo tụt các mục tiêu của ngành du lịch mà đến nay, sau 5 năm, vẫn chưa lấy lại được hầu hết các kết quả hoàng kim của năm 2019 trong đó có chỉ tiêu về khách quốc tế, đóng góp GDP… thể hiện ở kết quả dưới đây:
Năm 2024: Kế hoạch khiêm tốn, kết quả khiêm tốn
Kế hoạch năm 2024: đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế và 110 triệu lượt khách nội địa. Kết quả đạt được của năm 2024: khoảng 17,5 triệu lượt khách quốc tế, 110 triệu lượt khách nội địa, tổng thu 84.000 tỷ đồng (33,6 tỷ USD), đóng góp chỉ 7,3% GDP, trong khi năm 2019 đóng góp 9,2% GDP. Như vậy, chỉ tiêu về khách quốc tế chỉ trung bình, đóng góp vào GDP tụt 1,9% so với năm 2019. Còn khá xa mới trở lại được kết quả năm 2019.
Năm 2025: Kế hoạch cần đặt ra cao hơn, bám chặt mục tiêu Chiến lược hiện có
Kế hoạch 2025: đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế và 120-130 triệu lượt khách nội địa, tổng nguồn thu đạt khoảng 980 -1.050 nghìn tỷ đồng. Nhìn vào kế hoạch này, dễ thấy kế hoạch đặt ra với số lượng khách nội địa còn thấp, chưa đề cập đến chỉ tiêu đóng góp GDP. Chỉ tiêu khách nội địa nên đặt cao hơn để phấn đấu, chỉ tiêu đóng góp GDP phải rõ ràng và đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế. Nhìn lại thực tiễn của giai đoạn 2004-2019 ngành du lịch đã có 10 năm tăng trưởng khách quốc tế 2 con số, thấp là 10,5% năm (2013) và cao nhất là 34% năm 2010.
Trước hết, cần phải khẳng định rằng, nguồn lực tăng trưởng chính của quốc gia trong Kỷ nguyên mới sẽ đến từ ba ngành kinh tế mũi nhọn là công nghệ thông tin, nông nghiệp và du lịch. Ngành công nghệ thông tin đang có những bước phát triển đột phá, với những chiến lược quốc gia đầy tham vọng về chuyển đổi số, phát triển khoa học công nghệ, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thu hút các đại bàng công nghệ đến đầu tư. Ngành nông nghiệp cũng đạt được những thành tựu nổi bật với kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 62,5 tỷ USD và xuất siêu tới 17,9 tỷ USD trong năm 2024.
Trong khi đó, du lịch không chỉ mang lại nguồn thu ngoại tệ ròng lớn hơn cả kiều hối hay vốn FDI thực giải ngân mà còn là ngành xuất khẩu tại chỗ với tỷ lệ giữ lại giá trị cao. Theo Ngân hàng Thế giới, chi tiêu rò rỉ của du lịch Việt Nam chỉ ở mức 0,27 USD, nghĩa là mỗi USD kiếm được từ ngành này sẽ giữ lại 0,73 USD trong nước. Năm 2024, ngành dự kiến mang về thu nhập ròng hơn 25,2 tỷ USD, vượt xa con số khoảng 16 tỷ USD từ kiều hối, 21,6 tỷ USD vốn FDI giải ngân, 17,9 tỷ USD từ thặng dư ngành nông nghiệp, vốn chiếm chiếm 72% thặng dư thương mại của cả nước.
Trong khi, đất nước đang đứng trước “ngưỡng cửa lịch sử” để “cả dân tộc vươn mình” như chỉ đạo của Tổng bí thư Tô Lâm, trong đó GDP phải tăng trưởng liên tục 2 con số. Chính Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2020-2030 đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng về khách du lịch quốc tế bình quân từ 12-14%/năm cơ mà! Vậy, ngành du lịch mũi nhọn sẽ ở đâu trong dòng chảy lịch sử của Kỷ nguyên vươn mình nếu không đặt ra kế hoạch cao hơn, táo bạo hơn để bù lại 5 năm hậu Covid-19 và bứt phá, đạt được các chỉ tiêu của Chiến lược vào năm 2030?
Hướng đi trong Kỷ nguyên mới
Đặt ra tầm nhìn Việt Nam trở thành cường quốc du lịch thế giới, nằm trong nhóm 10 nước đứng đầu Chỉ số Phát triển Du lịch & Lữ hành toàn cầu. Nỗ lực cải thiện Bộ chỉ số Phát triển Du lịch và Lữ hành của WEF. Khai thác tối ưu không gian bầu trời, mặt đất, mặt biển, dưới ngầm (hang động, đáy biển) nhằm đa dạng hóa sản phẩm, phát triển du lịch bền vững;
Phải thay đổi tư duy thật nhanh theo hướng “kinh tế mũi nhọn” thực sự– tức là ngành kinh tế mang lại nguồn thu lớn, là cỗ máy kiếm tiền cho đất nước. Hoàn thiện thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực;
Tập trung thu hút du khách quốc tế song song với phát triển du lịch nội địa, nắm lấy cơ hội có được miếng bánh du lịch lớn nhất có thể trong tổng thể chiếc bánh du lịch thế giới;
Tiến hành làm du lịch nhân dân, mỗi người dân là một đại sứ du lịch của đất nước mình;
Hành động quyết liệt để phải đạt được các mục tiêu của Chiến lược du lịch đã ban hành tới năm 2030, làm tiền đề cho các mục tiêu mới đến năm 2045: Việt Nam trở thành cường quốc du lịch thế giới.
Kế hoạch hành động để đạt được Tầm nhìn
Đang trên đà tăng trưởng ngoạn mục, Covid-19 ập đến, ngành du lịch đối mặt với thách thức chưa từng có. Vì lý do đại dịch và nhiều lý do khác, du lịch Việt Nam vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, chưa thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Để du lịch vươn mình trong Kỷ nguyên mới, ngành du lịch rất cần nhìn lại mình để đề ra kế hoạch hành động với các mục tiêu mới, cách làm mới, cơ quan quản lý được trao quyền tối đa, do những con người có năng lực vận hành, triển khai quyết liệt, đạt được các kết quả mới đột phá.
Về hợp tác quốc tế: Việt Nam cần thúc đẩy hợp tác khu vực về du lịch trong khuôn khổ Trụ cột kinh tế ASEAN để nhân sức mạnh “bó đũa”: Cần có tầm nhìn Asean về du lịch với mục tiêu đưa khu vực trở thành điểm đến của cả thế giới, cạnh tranh với 2 khu vực du lịch nổi tiếng Caribe và Địa Trung Hải; xây dựng tiêu chuẩn du lịch chung để tăng sức cạnh tranh; ban hành thị thực (visa) du lịch chung của khu vực: một visa nhiều điểm đến; tổ chức các tour, tuyến du lịch khám phá Asean chung trong đó ưu tiên tour, tuyến kết nối Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam; đồng tổ chức các sự kiện quốc tế lớn…
Về các công việc trong nước:
Thể chế: Rà soát sửa đổi Luật Du lịch để cập nhật, kiến tạo hơn cho phát triển, tương thích với các luật sửa đổi trong thời gian qua như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư… Cần có chính sách ưu tiên phát triển du lịch về thuế, phí, tiền thuê đất; ban hành chính sách mới cởi mở để thu hút du khách giàu, có kỹ năng, kinh tế bạc, du mục kỹ thuật số, ngôi nhà thứ 2; khuyến khích phát triển căn hộ du lịch…;
Rà soát, sửa đổi Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam theo hướng kiến tạo phát triển hơn. Chính sách thị thực du lịch cần thông thoáng hơn nữa. Cần đơn phương miễn thị thực du lịch với các quốc gia còn lại trong 8 quốc gia Đối tác Chiến lược Toàn diện, 33 quốc gia Đối tác Chiến lược, các nước thuộc nhóm G7, G20, các nước EU chi tiêu cao; cấp visa on arrival, quá cảnh với thủ tục đơn giản cho tất cả các quốc gia khác; cấp thị thực đặc biệt để thu hút chuyên gia, nhà quản lý quốc tế có trình độ cao đến đóng góp cho Kỷ nguyên mới; thông thoáng miễn thị thực cho các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài, người giàu, du mục kỹ thuật số, khách hàng chi tiêu cao; cho phép áp dụng cơ chế miễn visa cho du khách quốc tế đến Vân Đồn giống như cơ chế đang áp dụng cho Phú Quốc. Cho phép du khách quốc tế đến Vân Đồn có thể thăm quan Di sản Thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà bằng đường biển mà không cần phải làm thủ tục xin visa nhập cảnh; cho phép du khách Trung Quốc có thể tự lái xe qua biên giới đến Vân Đồn.
Tiếp tục xem xét thành lập các Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt theo Hiến pháp 2013 tại các địa phương có đủ điều kiện để đóng vai trò đầu tàu kéo nền kinh tế nói chung và phát triển du lịch nói riêng. Trước mắt, xem xét thí điểm thành lập các Đặc khu kinh tế, khu kinh tế mở, khu mậu dịch tự do (SEZ, FEZ), thành phố kinh tế (economic city) để thử nghiệm thể chế kinh tế, đào tạo nguồn nhân lực trên cơ sở tham khảo các mô hình thành công của Trung Quốc (đặc khu), Ả rập Xê-út (thành phố kinh tế), Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (FEZ của Dubai)
Ban hành cơ chế để phát triển kinh tế ban đêm, kinh tế di sản nhằm phát triển du lịch, biến di sản thành tài sản. Tham khảo mô hình Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Ban Nha (Ibiza, Majorca);
Cho phép người nước ngoài mua và sở hữu bất động sản du lịch (biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, nhà phố du lịch) tương tự như nhà ở, hướng đến Việt Nam trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng toàn cầu. Tham khảo mô hình Thái Lan (Phuket), Indonesia (Bali), Malaysia...
Xây dựng Chiến lược phát triển du lịch mới: Trong bối cảnh các mục tiêu của “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030” theo Quyết định phê duyệt số 147/QĐ – TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ, đã bị kéo lùi hơn 5 năm do ảnh hưởng bởi Đại dịch Covid-19, địa chính trị thế giới đã thay đổi; cách con người tham gia các chuyến đi cũng thay đổi; cách chi tiêu của du khách cũng thay đổi… và chúng ta chưa xây dựng chiến lược du lịch cho giai đoạn từ 2030 đến 2045. Để đóng góp cho Kỷ nguyên mới, mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp, mỗi ngành kinh tế, nhất là ngành kinh tế mũi nhọn du lịch phải có đóng góp gấp nhiều lần trong thời gian tới so với thời kỳ trước đây. Vì thế, Việt Nam cần một Chiến lược phát triển du lịch mới, với mục tiêu tham vọng để đồng hành và đóng góp xứng tầm trong Kỷ nguyên vươn mình:
Căn cứ định hướng: Chính phủ cần giao nhiệm vụ lượng hóa KPI cho các ngành kinh tế mũi nhọn trong đó có ngành du lịch phù hợp với định hướng “tăng tốc” của Kỷ nguyên mới làm căn cứ xây dựng chiến lược mới, kế hoạch trung và dài hạn mới; tổng kết 5 năm thực hiện Chiến lược du lịch hiện nay (2020 -2024) làm căn cứ xuất phát điểm để lượng hóa các mục tiêu trong Chiến lược mới;
Mục tiêu: Đón số lượng du khách quốc tế bằng dân số trở lên đến năm 2045 (110-115 triệu lượt); lượng khách du lịch nội địa gấp 5 lần dân số (550 triệu lượt). Tương tự, tổng thu từ du lịch phải lớn hơn, tỷ lệ đóng góp vào GDP phải cao hơn, việc làm phải tạo ra nhiều hơn. Tham khảo: Thái Lan đón khoảng 35 triệu lượt khách quốc tế tạo doanh thu 1.660 tỷ baht (49 tỷ USD) năm 2024 trong khi dân số 72 triệu người. Nghĩa là cứ 2 người dân đón 1 du khách nước ngoài. Cũng trong năm 2024, người Thái Lan đã thực hiện 197,53 triệu chuyến đi trong nước và chi tiêu 952,77 tỷ baht (28 tỷ USD). Nghĩa là ngành du lịch Thái Lan thu về 77 tỷ USD. Tỷ lệ các chuyến đi trong nước so với dân số là trên 2,7 lần.
Mục tiêu trên hoàn toàn khả thi theo tính toán lượng hóa tăng trưởng hàng năm: Khách quốc tế lấy điểm xuất phát là kết quả đạt được của năm 2024 (17,5 triệu lượt), kế hoạch năm 2025 phải hoàn thành kế hoạch đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế (trung bình 22,5 triệu), từ năm 2026 -2030 tăng trưởng trung bình 13%/năm như tốc độ tăng trưởng trong Chiến lược hiện nay, giai đoạn 2031-2035 tăng 10%/năm, giai đoạn 2036-2040 tăng 8%/năm và giai đoạn 2041-2045 tăng 6%/năm. Với kịch bản này có thể đón 131,28 triệu lượt vào năm 2045;
Khách nội địa lấy điểm xuất phát là kế hoạch 125 triệu lượt của năm 2025, từ năm 2026 -2045 tăng trưởng trung bình 7,5%/năm – cao hơn tốc độ tăng trưởng trong Chiến lược hiện nay cho giai đoạn 2020-2030 là 6%. Với kịch bản này có thể đón 552,22 triệu lượt vào năm 2045.
Tham khảo du lịch nội địa của Mỹ từ 2019-2027, có thể thấy năm 2023 là 2,31 tỷ chuyến đi trong nước Mỹ (domestic business and leizure trips), năm 2024 là 2,37 tỷ chuyến, năm 2025 dự báo là 2,44 tỷ, năm 2026 là 2,49 tỷ và năm 2027 là 2,55 tỷ chuyến đi với mục đích kinh doanh và du lịch. Như thế, nếu tính riêng cho năm 2024 với dân số khoảng 345 triệu người, tỷ lệ các chuyến đi so với dân số đạt gần 6,9 lần!
Nguồn thu chính: Tập trung thu hút khách quốc tế. Lấy mục tiêu này làm trọng tâm cho tăng trưởng trong chiến lược mới. Lý do: Thu nhập từ ngành du lịch đến từ du khách trong và ngoài nước. Năm 2019, chúng ta phục vụ trên 80 triệu khách nội địa, 18 triệu khách quốc tế. Nhưng khách quốc tế đóng góp trên 60% thu nhập của ngành. Điều đáng nói là tiền từ du khách quốc tế sẽ bổ sung ngoại tệ cho quốc gia;
Phương thức xây dựng Chiến lược mới: Cơ quan quản lý du lịch cùng cộng đồng doanh nghiệp du lịch, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học… cùng bàn, cùng xây dựng Chiến lược xứng với tiềm năng, lợi thế; sát với mục tiêu thực tế của ngành trên cơ sở các định hướng của Kỷ nguyên vươn mình;
Chiến lược cần lượng hóa được các nguồn chính mang lại tăng trưởng cho du lịch như tỉnh, thành phố nào là địa phương chủ lực mang lại nguồn thu lớn cho du lịch, du khách quốc tế, du khách nội địa, du lịch biển đảo, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch MICE, du lịch y tế, du lịch văn hóa…mỗi địa phương, lĩnh vực đóng góp cụ thể như thế nào? Từ đó xây dựng KPI cụ thể cho từng “business”, từng “P&L” như du lịch nghỉ dưỡng phải mang về thu nhập bao nhiêu. Tương tự là du lịch trải nghiệm, du lịch y tế, du lịch MICE, nhà hàng bao nhiêu, cơ sở lưu trú bao nhiêu, các doanh nghiệp mang về bao nhiêu…, tức là phải rõ việc, rõ người, rõ tiến độ, rõ hiệu quả như Thủ tướng Phạm Minh Chính thường chỉ đạo;
Làm rõ vai trò của từng công đoạn trong chuỗi giá trị du lịch như vận tải (hàng không, đường sắt, đường bộ, đường thủy), các hãng lữ hành TA và OTA, nhà hàng, cơ sở lưu trú, bán lẻ, truyền thông để có sự phân công, phối hợp, đem lại hiệu quả tối ưu cho ngành du lịch dưới sự điều hành của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, hướng đến các mục tiêu chính của Chiến lược.
Cơ quan quản lý du lịch: Cần trao quyền mạnh mẽ, tối đa cho Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam. Tham khảo mô hình các nước thành công trong du lịch như: Tổng Cục du lịch Thái Lan (Tourism Authority of Thailand - TAT), Tổng Cục du lịch Singapore (Singapore Tourism Board - STB). Thành lập cảnh sát du lịch riêng (tourist police) như một số nước trên thế giới như Thổ Nhĩ Kỳ, Kyrgystan, Malaysia, Thái Lan.
Cơ quan tư vấn du lịch: Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) cần có sự tham gia rộng rãi hơn của lãnh đạo cấp cao các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực du lịch, các chuyên gia hàng đầu về kinh tế, tài chính, pháp lý. Hội đồng cần được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét trao cho một danh nghĩa, một vai trò xứng tầm, ví dụ như tư vấn trực tiếp cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về du lịch để đề xuất, phản biện khách quan, kịp thời các giải pháp đột phá phát triển du lịch.
Trở thành điểm đến của du lịch MICE, lễ hội ẩm thực, mua sắm, âm nhạc, văn hóa, thể thao, chữa bệnh, học tập: Về tổng thể, chúng ta có thể tham khảo mô hình nước Pháp, quốc gia nắm giữ vị trí số 1 về cạnh tranh du lịch của Tổ chức Du lịch Thế giới (World Tourism Organization – WTO). Năm 2023, Pháp đón 100 triệu du khách quốc tế. Năm 2024, Pháp dự kiến đón hơn 100 triệu du khách quốc tế với điểm nhấn là Olympic Paris 2024 trong khi dân số chỉ hơn 66 triệu người. Trượt tuyết, sự kiện, văn hóa, rượu vang, mua sắm, thăm các di sản như Tháp Eiffel, Bảo tàng Lourve, Cung điện Versailles, Nhà thờ Notre-Dame, Khải Hoàn Môn… là các từ khóa chính thu hút du khách đến quê hương của pho mát, bánh mì tuyệt hảo. Năm 2023, du lịch Pháp đón 51 triệu khách đến trượt tuyết trên các dãy núi; tổ chức 1.200 hội nghị quốc tế; các sự kiện quốc tế về văn hóa như Lille3000 và Avignon Off Festival, mở thêm các bảo tàng, khai trương Thành phố tiếng Pháp tại Villers-Cotterets, mở cửa lại Grand Palais ở Paris; 10 triệu khách đến theo các tour rượu vang, khai trương Tổ hợp Vins de Bourgogne để tôn vinh di sản rượu vang Vùng Burgundy. Ngay năm khai trương, Tổ hợp này đã đón 80.000 lượt du khách.
Đề xuất tổ chức các sự kiện tầm cỡ thế giới tại Việt Nam
Tổ chức APEC 2027 tại Phú Quốc
Năm 2006 APEC đã được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội (miền Bắc). Năm 2017 Đà Nẵng đã đăng cai (miền Trung). Năm 2027, rất hợp lý để tổ chức ở miền Nam. Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ đã nổi tiếng. Phú Quốc là địa điểm phù hợp nhất để tổ chức sự kiện siêu lớn này. Nếu được chọn, Phú Quốc sẽ được đầu tư hạ tầng, được quảng bá ra khắp thế giới, tạo điều kiện để Phú Quốc trở thành điểm đến toàn cầu, đủ sức cạnh tranh với các đảo quốc như Maldives, Malta, Seychelless, sánh vai với các thiên đường du lịch như Bali (Indonesia), Phuket (Thái Lan),Hải Nam (Trung Quốc), Mallorca (Tây Ban Nha), Hawaii (USA)…
Lập kế hoạch đăng cai Olympics, World Cup trong giai đoạn 2035-2045… tại Việt Nam
Để làm cách mạng về hạ tầng, truyền thông Việt Nam ra khắp thế giới và nâng tầm quyền lực mềm của đất nước. Có thể đồng tổ chức các sự kiện tầm cỡ này cùng các nước ASEAN;
Nghiên cứu, đề xuất bổ sung các di sản Vật thể và Phi vật thể của đất nước vào danh mục Di sản Thế giới như cách chế biến Phở truyền thống…;
Tổ chức Du lịch thế giới (WTO) dự báo trong giai đoạn 2018-2028, nhu cầu du lịch sẽ tăng 4% hàng năm, nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương được dự báo đón 535 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2030, đứng đầu thế giới. Đây là cơ hội lớn cho du lịch Việt Nam.
Hạ tầng du lịch
Cần sớm quy hoạch không gian biển quốc gia trong đó có quy hoạch du lịch biển. Lưu ý cốt san nền và hạ tầng ven biển thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng;
Cần sớm quy hoạch tổng thể quốc gia về cơ sở lưu trú (khách sạn, khu nghỉ dưỡng) để chủ động định hướng cho các địa phương, sử dụng quỹ đất và đầu tư xã hội hiệu quả, tránh chỗ thì quá nhiều (Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc…), chỗ lại không có (Mũi Cà Mau), hoặc không có khách sạn 4-5 sao như nhiều tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền núi phía Bắc. Tham khảo mô hình quản lý của Singapore. Quốc đảo này quản lý quỹ đất cho phát triển cơ sở lưu trú theo zoning (chỗ nào làm khách sạn), chỉ cấp phép xây dựng mới khi tỷ lệ lấp đầy các khách sạn đạt trên 80% để khai thác tối ưu quỹ đất, tối ưu hiệu quả đầu tư xã hội và hỗ trợ các nhà đầu tư thu hồi vốn;
Cần sớm hoàn thành sân bay quốc tế Long Thành, mở rộng sân bay quốc tế Nội Bài thành các sân bay trung chuyển tầm khu vực (regional hubs) để mang du khách đến Việt Nam, tạo điều kiện cho du khách từ Việt Nam đi khắp thế giới thuận tiện, tiết kiệm thời gian và chi phí. Các sân bay trung chuyển này phải được thiết kế như một cỗ máy kiếm tiền, hiện đại với công nghệ check-in tự động, như một siêu resort với đầy đủ tiện ích phục vụ lưu trú, vui chơi, mua sắm miễn thuế (nhà hàng, khách sạn, spa, duty free …) – đáp ứng xu hướng du lịch sân bay - nơi du khách đến sớm thư giãn, mua sắm đến đồng tiền cuối cùng trước khi di chuyển;
Du lịch không thể phát triển đột phá nếu hệ thống cơ sở hạ tầng sân bay không được cải thiện. Việt Nam hiện có 22 sân bay nhưng tổng công suất của tất cả các sân bay này mới bằng sân bay Changi của Singapore hay Sunarvabhumi của Thái Lan, trong khi nước bạn có 38 sân bay;
Chúng ta có thể tham khảo mô hình sân bay Singapore, Dubai, Qatar, Hong Kong;
Xây dựng sân bay mới tại Vân Phong (Khánh Hòa) theo hình thức công tư (PPP); mở rộng sân bay tại Côn Đảo để có thể đón nhận máy bay lớn hơn; xây dựng các sân bay thủy phi cơ tại các đảo, quần đảo có tiềm năng du lịch lớn như Nam Du (Kiên Giang), Cô Tô (Quảng Ninh)…theo mô hình Maldives;
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống đường bộ cao tốc kết nối các địa phương trong cả nước, hoàn thành sớm nhất đường bộ cao tốc Bắc – Nam; hoàn thiện hệ thống đường ven biển;
Khởi công và hoàn thành dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam và hệ thống đường sắt tốc độ cao đã có kế hoạch triển khai trong thời gian sớm nhất;
Xây dựng thêm các cảng tầu biển du lịch tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh…; đưa vào khai thác cảng tầu du lịch tại Phú Quốc;
Hoàn thiện hạ tầng để khai thác tốt hơn du lịch khám phá, mạo hiểm, đặc biệt là Sơn Đoòng - hang động số 1 thế giới;
Hoàn thiện cơ chế, hạ tầng để nhân ba sức mạnh du lịch Bái Tử Long, Vịnh Hạ Long, quần đảo Cát Bà. Cho phép áp dụng cơ chế thoáng miễn thị thực cho các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài, người giàu, du mục kỹ thuật số, nhất là người có kỹ năng cao đến Việt Nam làm việc trong Kỷ nguyên mới để thu hút người giỏi, người giàu;
Nguồn nhân lực du lịch
Đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ đào tạo thứ 2 trong hệ thống giáo dục để thế hệ tương lai đều giao tiếp được bằng ngôn ngữ này;
Thu hút, tuyển dụng, đào tạo những nhà quản lý du lịch có năng lực, kinh nghiệm về quản trị kinh doanh, kinh tế để vận hành các cơ quan quản lý du lịch với tư cách một ngành kinh tế mũi nhọn (ngành kiếm tiền cho đất nước). Có cơ chế tuyển dụng các chuyên gia nước ngoài hàng đầu khu vực và thế giới về quản lý du lịch đến làm việc cho Cục Du lịch Quốc Gia Việt Nam để giao tham gia quản lý ngành đạt được KPI của Chiến lược mới;
Đào tạo tiếng Anh miễn phí tại các trung tâm, khu du lịch, điểm đến du lịch trọng điểm; đào tạo miễn phí các ngôn ngữ như tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ấn Độ, Trung Đông… cho các hướng dẫn viên để phục vụ du khách ngày càng đa dạng về quốc tịch;
Đào tạo Tổng quản lý khách sạn (GM) để chủ động “cuộc chơi’ nguồn nhân lực cấp cao ngành du lịch. Thực tế, hầu hết các GM là người nước ngoài nên mỗi năm đất nước phải chi trả lương, thưởng, chi phí đi kèm rất cao với hàng trăm triệu Đô la Mỹ cho nhóm nhân lực này, trong khi chúng ta luôn bị động. Các doanh nghiệp chủ sở hữu cơ sở lưu trú hoàn toàn có thể phối hợp với các tập đoàn quản lý khách sạn, các trường đại học để đào tạo nguồn nhân lực này.
Quảng bá du lịch
Xây dựng mới bộ nhận diện du lịch Việt nam; đây là kỷ nguyên của mạng xã hội nên cần tập trung quảng bá trên nền tảng này. Thuê các công ty truyền thông, nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp săn các hình ảnh (ảnh và video) tiêu biểu cho vẻ đẹp Việt Nam (con người, văn hóa, lịch sử, thiên nhiên…); sử dụng những hình ảnh “đốn tim” đó để xây dựng các clip ngắn, ưu tiên quảng bá mạnh mẽ trên nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Google, Instagram, Threads, X…để thu hút du khách trẻ; trên các kênh truyền hình như CNN…; các cơ quan truyền thông hàng đầu của Hà Lan, Bỉ, Anh, Ý, Pháp như Marie Claire, Le Monde, Le Figaro…;
Mở các văn phòng xúc tiến du lịch tại các thành phố lớn trên thế giới như London (UK), Paris (Pháp); Madrid (Tây Ban Nha); Rome (Italia); Berlin (Đức); Moscow (Nga); New York, Los Angeles (Mỹ), Toronto (Canada); Sydney, Melbourne (Úc); Aucland (New Zealand); Dubai (UAE); New Dehli (Ấn Độ); Bắc Kinh, Hongkong, Đài Loan (Trung Quốc); Tokyo (Nhật Bản); Seoul (Hàn Quốc)…;
Tổ chức các Ngày Phở, Ngày ẩm thực Việt Nam trên khắp thế giới;
Có cơ quan đầu mối để thúc đẩy truyền thông nhân dân về du lịch. Tối ưu hóa sự đóng góp của các ca sỹ, vận động viên thể thao, người nổi tiếng trong đó có bà con Việt kiều cho quảng bá du lịch; khuyến khích, định hướng, kết nối mọi người dân tham gia làm du lịch, xây dựng hình ảnh đẹp về đất nước, con người, thiên nhiên, lịch sử, văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế thông qua việc làm tử tế, cử chỉ thân thiện, chào đón du khách quốc tế; đăng nhiều hình ảnh đẹp, nhất là các công trình biểu tượng mới của du lịch Việt Nam như Cầu Vàng (Golden Bridge tại Đà Nẵng), Cầu Hôn (Kiss Bridge tại Phú Quốc)…thu hút du lịch trên các mạng xã hội. Như vậy, chúng ta sẽ có hàng trăm triệu người làm truyền thông cho du lịch Việt Nam. Tham khảo cách Thái Lan mời Lalisa (Lisa) ca sĩ K-pop trình diễn tại sự kiện Countdown đón Năm Mới 2025 tại Bangkok.
Tạo lập các điểm đến mới để thu hút du lịch
Xây dựng thêm các biểu tượng kiến trúc tầm quốc gia. Mời các kiến trúc sư, họa sỹ hàng đầu thế giới tham gia đề xuất, thiết kế để xây dựng thêm các biểu tượng kiến trúc quốc gia thu hút du khách. Tham khảo mô hình Tháp Eiffel, Khải Hoàn Môn, Nhà Thờ Notre Dame (Paris); Nhà hát Sydney Opera House (Sydney); Cổng Mây (Cloud Gate hay Hạt đậu – Chicago); 7 Magic Mountains (Las Vegas); London Eye (Luân Đôn); Tượng Nữ thần tự do (Liberty Statue – New York); Tháp truyền hình Tokyo, Thượng Hải, Toronto, Aucland, Berlin; sân vận động Tổ chim (Bắc Kinh), Khalifa (Doha); Marina Baysands (Singapore); 7 Kỳ quan thế giới mới…; Các cây cầu xây mới qua sông Hồng, sông Cửu Long, các nhà ga của đường sắt cao tốc Bắc – Nam, nhà ga metro … cần có kiến trúc biểu tượng, có hàm lượng nghệ thuật cao. Có thể tham khảo Cầu Cổng Vàng (Golden Bridge – San Francisco), nhà ga tầu điện ngầm ở Mát-xcơ-va, nhà ga tàu điện ngầm Stockholms tương lai…;
Xây dựng Tượng đài Mẹ Âu Cơ gắn với truyền thuyết “bọc 100 trứng” xứng tầm tại Thủ đô Hà Nội để kể câu chuyện nguồn gốc dân tộc Việt; (hiện có biểu tượng này ở Đà Nẵng nhưng chưa xứng tầm);
Thương thảo mời các thương hiệu Disneyland, Universal Studio, Everland đầu tư vào Việt Nam. Tham khảo mô hình Disneysea Tokyo làm theo loại hình Disney resort. Nếu Disneyland thiên về các trò chơi truyền thống, trò chơi thân thiện với gia đình thì Disneysea có nhiều trò chơi mạo hiểm, ly kỳ hơn;
Đưa Đua xe công thức 1 (Formula 1) về Việt Nam;
Sớm cho phép mở Casino tại Vân Đồn theo mô hình Casino tại Phú Quốc để thu hút khách quốc tế đến từ Đông Bắc Á;
Phát triển các sản phẩm độc đáo như các khu resort với biệt thự trên biển (water villas…) tại các hòn đảo của Việt Nam để du khách có thể trải nghiệm như ở Maldives, Bora Bora;
Nghiên cứu cho phép khai thác du lịch tại đảo Thổ Chu, Kiên Giang;
Phát triển các công viên đủ lớn, hiện đại tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh để điều hòa nhiệt độ, thu hút du khách. Tham khảo mô hình Central Park (New York);
Làm “mới” các bảo tàng để cập nhật, áp dụng công nghệ, hấp dẫn du khách. Có thể tham khảo Bảo tàng Lourve tại Paris, Bảo tàng Nghệ thuật Hồi giáo Qatar tại Doha, Bảo tàng Ai cập tại Cairo…;
Xây dựng các bảo tàng về sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ lực như lúa gạo, trái cây … của Việt Nam để tôn vinh các di sản truyền thống và quảng bá hình ảnh đất nước. Thực tế, người nước ngoài biết đến Việt Nam nhiều nhất qua chiến tranh trước đây và các sản phẩm made-in Việt Nam ngày nay như quần áo, giày dép, sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp… Có thể tham khảo mô hình bảo tàng rượu vang tại Bourdeax (Pháp), Bảo tàng Cafe của Trung Nguyên… Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam mới chính thức mở cửa phục vụ người dân và du khách ngày 1/11/2024 đã thu hút hàng chục nghìn lượt khách tham quan mỗi ngày, là một bước tiến mới, thu hút đông đảo công chúng trong và ngoài nước, tạo điểm đến mới;
Xây dựng các Trung tâm triển lãm quy mô lớn ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh;
Tìm các điểm phù hợp để tạo dựng vị trí chụp ảnh check-in đường chân trời đô thị của các Thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…. Tham khảo mô hình Dubai (UAE), Doha (Qatar), New York (Mỹ), Tokyo (Nhật Bản), Thượng Hải (Trung Quốc), Sydney (Úc), Auckland (New Zealand).
Quyết liệt cải thiện các việc chưa tốt
Cải thiện ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; cải thiện công tác vệ sinh môi trường đô thị, môi trường biển, bãi biển. Nếu không làm được điều này, du khách từ các nước có môi trường trong lành với Chỉ số chất lượng không khí (Air Quality Index – AQI) từ 0-50, thường là các nước châu Âu có chi tiêu cao sẽ một đi không trở lại;
Chấm dứt tình trạng chèo kéo, lừa đảo, “chặt chém” giá cả…, trộm, cướp đường phố… nếu không sẽ gây ấn tượng xấu với du khách, du khách sẽ không quay lại, truyền thông không tốt với bạn bè, người thân về du lịch Việt Nam…
Ứng dụng công nghệ vào quản lý và vận hành ngành du lịch
Chuyển đổi số, xây dựng nền tảng dữ liệu số về du lịch Việt Nam để quản lý hiệu quả lượng khách du lịch, dự báo xu hướng và hỗ trợ quyết định;
Phát triển các ứng dụng di động cung cấp thông tin toàn diện về điểm đến, hướng dẫn viên ảo dựa vào AI, và thanh toán không tiền mặt;
Tăng cường năng lực quản lý rủi ro và ứng phó khủng hoảng
Xây dựng cơ chế ứng phó với các khủng hoảng bất ngờ như dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu để đảm bảo tính bền vững cho ngành du lịch.
Thành lập quỹ hỗ trợ ngành du lịch trong các giai đoạn khó khăn…
Tổ chức Du lịch thế giới (WTO) dự báo trong giai đoạn 2018-2028, nhu cầu du lịch sẽ tăng 4% hàng năm, nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương được dự báo đón 535 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2030, đứng đầu thế giới. Đây là cơ hội lớn cho du lịch Việt Nam.
Với thành quả đạt được, kinh nghiệm rút ra được trong những năm qua; với vị trí vàng trong khu vực và châu Á; nền chính trị ổn định; an toàn; thương hiệu quốc gia ngày càng được nâng cao; dân số trên 100 triệu người, gần 24 triệu hộ gia đình (2022) và khoảng 50 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu (2030); di sản văn hoá đa dạng và cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, đặc biệt có 8 Di sản thế giới được UNESCO công nhận; với tầm nhìn xa, chiến lược mới, mục tiêu mới dựa trên KPI, giải pháp cụ thể, cơ quan quản lý được trao quyền, hành động quyết liệt, du lịch Việt Nam nhất định sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thực sự, vươn mình để đồng hành cùng đất nước trong Kỷ nguyên mới.