Doanh nghiệp

Phát triển doanh nghiệp cung ứng kết nối chuỗi sản xuất toàn cầu

Hạnh Lê 03/01/2025 02:32

Thiết lập chương trình phát triển doanh nghiệp cung ứng nhằm nâng cao năng lực, tăng cường kết nối doanh nghiệp Việt vào chuỗi sản xuất.

Đây là một trong những khuyến nghị chính sách được Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhằm nâng cao năng lực của doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng để hưởng lợi nhiều hơn từ xuất khẩu.

nmtm1.jpg
Chỉ có ít doanh nghiệp trong nước đáp ứng đủ điều kiện tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng của các tập đoàn nước ngoài

Hiện nay, doanh nghiệp FDI chiếm đến 73% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, sự tham gia của doanh nghiệp nội địa vào chuỗi cung ứng toàn cầu lại có xu hướng giảm, từ 35% xuống còn 18% (2009-2023). Điều này khiến Việt Nam chỉ hưởng được một phần nhỏ giá trị xuất khẩu.

Theo WB, việc phát triển các liên kết có liên quan chặt chẽ đến những chính sách thu hút nhà đầu tư nước ngoài và nâng cao năng lực hấp thụ của các doanh nghiệp trong nước. Vì vậy, trong các phương án chính sách để Việt Nam phát triển các kết nối, nâng cao tác động lan tỏa về năng suất thì đảm bảo môi trường đầu tư hấp dẫn, môi trường chính sách thuận lợi cho thương mại là giải pháp đầu tiên và trước hết. Các cải cách trong thời gian tới nên được tăng cường qua số hóa, loại bỏ hồ sơ giấy.

Thứ hai, kết nối các doanh nghiệp đa quốc gia và doanh nghiệp cung ứng trong nước - bước đi quan trọng để hội nhập hơn nữa vào các chuỗi giá trị.

Việc kết nối được thiết lập thông qua việc tổ chức các sự kiện như "gặp gỡ bên mua" hoặc diễn đàn của doanh nghiệp cung ứng, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước hiểu rõ hơn về tiêu chuẩn chất lượng, chi phí, giao hàng cũng như khoảng cách về công nghệ và kỹ năng.

Cùng với việc hỗ trợ trong nước, để nhà các đầu tư đánh giá năng lực của các nhà cung cấp, WB khuyến nghị cần hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài thông qua công bố các cơ sở dữ liệu "sống" có chất lượng trực tuyến cũng như danh mục các doanh nghiệp cung ứng trong nước bằng tiếng Anh.

nmtm2.jpg
Hỗ trợ xây dựng 50 nhà máy chế tạo chế biến thông minh là một phần trong cam kết của Samsung nhằm tăng số lượng các doanh nghiệp cung ứng cấp 1, cấp 2 trong nước

Thứ ba, thiết lập chương trình phát triển doanh nghiệp cung ứng để nâng cấp năng lực hấp thụ của các doanh nghiệp trong nước, tăng cường kết nối và tác động lan tỏa.

Các chương trình này có thể được thực hiện thông qua các nhà đầu tư nước ngoài độc lập hoặc cơ chế hợp tác công tư với trọng tâm chiến lược hướng đến các nhà cung ứng, nông dân, các lĩnh vực và vùng miền cụ thể, kết hợp với đối tượng được xác định rõ ràng. Chương trình phát triển doanh nghiệp cung ứng có thể bao gồm các biện pháp hỗ trợ theo chiều ngang dựa trên nhu cầu hoặc các biện pháp theo chiều dọc trong các lĩnh vực cụ thể có tiềm năng liên kết.

Đi cùng với đó là cơ chế khuyến khích hướng đến việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung ứng trong nước nâng cao vị thế hoặc nhằm vào các doanh nghiệp đa quốc gia để khuyến khích các hoạt động đầu tư vào đào tạo cho các doanh nghiệp cung ứng.

Phạm vi của các chương trình không chỉ giới hạn ở hướng dẫn kỹ thuật đơn thuần mà còn bao hàm đào tạo về vận hành, quản lý và điều hành doanh nghiệp. Trong một số trường hợp còn có vai trò khuyến khích đổi mới sáng tạo như điển hình đã được thực hiện hiệu quả thời gian qua.

Điển hình như tập đoàn Samsung Việt Nam cùng cơ quan chức năng ký kết ghi nhớ hợp tác xây dựng 50 nhà máy chế tạo chế biến thông minh. Đây cũng là một phần trong cam kết của Samsung nhằm tăng số lượng các doanh nghiệp cung ứng cấp 1, cấp 2 trong nước.

Cuối cùng, triển khai các cơ chế tài chính chuỗi cung ứng giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung ứng và phân phối tối ưu hóa vốn lưu động. Kết nối các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài dọc theo chuỗi giá trị để chuyển sang quản lý bằng công nghệ số, thanh toán điện tử, và dịch vụ ngân hàng điện tử có thể giúp giải quyết các vấn đề về vốn lưu động và đẩy mạnh dịch vụ tài chính toàn diện cho các doanh nghiệp cung ứng trong nước.

Hạnh Lê