Đưa sản phẩm OCOP xứ Nghệ vươn xa
Sản phẩm OCOP Nghệ An đã và đang vươn mình phát triển mạnh mẽ, mở rộng thị trường tiêu thụ cả ở trong nước lẫn quốc tế.
Để đạt được kết quả trên, các chủ thể sản xuất đã không ngừng nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm, phù hợp với xu hướng và thị hiếu người tiêu dùng. Đồng thời, nhận được sự hỗ trợ tích cực của các cấp ngành, địa phương khi ban hành nhiều cơ chế, chính sách, tạo mọi điều kiện thuận lợi đưa sản phẩm OCOP Nghệ An tiếp tục vươn rộng, vươn xa hơn nữa.
Khai thác nguyên liệu quê hương
Là địa phương giàu tiềm năng và thế mạnh về nông, lâm, thuỷ sản, việc triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) ở Nghệ An được đánh giá là hết sức cần thiết, phù hợp với quá trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập, nâng cao giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường. Nhiều sản phẩm OCOP đã và đang đứng vững trên thị trường, được người tiêu dùng trong, ngoài nước ưa thích sử dụng.
Bà Đặng Thị Tâm – Giám đốc Công ty CP An An Agri cho biết: Công ty đã rất thành công trong việc đưa các sản phẩm mì rau củ hữu cơ được cấp chứng nhận OCOP 3 sao vươn rộng ra thị trường. Hiện nay, các sản phẩm được bày bán tại 30 tỉnh, thành phố trên cả nước, bao gồm 40 Minimart, 10 chuỗi siêu thị lớn, hàng trăm cửa hàng thực phẩm và 5 sàn thương mại điện tử nổi tiếng như: Lazada, On, Tiki Vn, Shopee, Cuccu.Vn. Sắp tới, công ty sẽ đồng bộ triển khai ở các hệ thống siêu thị trên cả nước và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.
Tương tự, Phúc An Farm là một trong những thương hiệu tiên phong trong việc sản xuất các dòng sản phẩm quà tặng làm từ nông sản truyền thống của tỉnh Nghệ An. Các sản phẩm của đơn vị này được làm từ nguyên liệu sen bản địa, tuyển chọn và chăm sóc kỹ lưỡng. Kết hợp bàn tay thủ công của người dân và khoa học công nghệ tiên tiến nhất cho ra đời sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao nhưng vẫn giữ nguyên hương vị, độ dinh dưỡng và giá trị của những nguyên liệu tươi ngon.
Theo ông Nguyễn Xuân Huy – Nhà sáng lập thương hiệu Phúc An Farm, chúng tôi đã liên kết với các hộ nông dân trên địa bàn trồng 13 ha sen với rất nhiều giống sen các loại. Đến nay, công ty đã ra mắt 15 dòng sản phẩm được chế biến từ nguyên liệu sen, trong đó có các sản phẩm đặc trưng chủ đạo như: Tâm sen, hồng liên trà, mộc liên trà, trà ướp hoa sen, trà lá sen, củ sen sấy… và các loại mứt từ nông sản khác. Các sản phẩm đều đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh trở lên, trong đó đáng chú ý có một số sản phẩm được xuất khẩu đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Úc và Lào.
“Việc tạo ra các sản phẩm từ nguyên liệu sen không chỉ đơn thuần là vì lợi nhuận mà còn vì thiện chí gắn kết cộng đồng và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương xứ Nghệ. Do vậy, thời gian tới, công ty mong muốn được tỉnh Nghệ An hỗ trợ xây dựng thương hiệu để đưa các sản phẩm sen trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng kết hợp xây dựng tour gắn với việc mua sắm các sản phẩm từ sen nhằm tăng trải nghiệm, chất lượng dịch vụ phục vụ du khách” – ông Nguyễn Xuân Huy chia sẻ.
Đưa OCOP xứ Nghệ vươn xa
Theo thống kê, tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 567 sản phẩm được xếp hạng đạt chất lượng OCOP tiêu chuẩn 3 sao trở lên. Trong đó, đáng chú ý có 37 sản phẩm đạt 4 sao, 1 sản phẩm đạt 5 sao và 2 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao. Hiện, Nghệ An cũng là địa phương xếp thứ 2 cả nước về số lượng sản phẩm đạt hạng sao được công nhận, chỉ đứng sau TP Hà Nội.
Song hành với việc nâng cao số lượng, chất lượng sản phẩm OCOP, những năm qua, các cấp ngành, chính quyền địa phương còn chủ động đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể sản xuất phát triển, quảng bá thương hiệu, đưa sản phẩm OCOP Nghệ An đến gần hơn, nhanh hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, trên thực tế, không ít sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh mặc dù có tiềm năng, thế mạnh phát triển nhưng hiện vẫn chưa được khai thác và đăng ký tham gia. Ngoài ra, còn có khá nhiều chủ thể sản xuất, sản phẩm hết thời hạn công nhận OCOP không tham gia đánh giá, phân hạng lại. Nguyên nhân chính đến từ việc các sản phẩm OCOP này gặp khó khăn trong việc phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Lợi - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An thông tin: Để phát triển thị trường, tỉnh đã có những kế hoạch đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm, đưa các sản phẩm OCOP vào các trung tâm, siêu thị và sàn thương mại điện tử. Riêng sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh đã hỗ trợ mở gian hàng cho các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP đóng trên địa bàn và mang lại những kết quả khả quan, giúp sản phẩm tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng.
“Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục tăng cường các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước thông qua xây dựng, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại tập trung, quy mô lớn, mang tính liên kết vùng cho sản phẩm, đồng thời kết hợp có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại với xúc tiến đầu tư, văn hóa, du lịch... Đây cũng là cách đi bền, chắc của hàng Việt nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng” – ông Nguyễn Mạnh Lợi cho biết.