Kinh tế địa phương

Đà Nẵng: Số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động vẫn tăng

Tuấn Vỹ 03/01/2025 12:34

Số doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả xin tạm ngừng và doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tại Đà Nẵng vẫn không ngừng tăng lên.

Trả lời phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp tại Họp báo Thông báo số liệu thống kê kinh tế - xã hội năm 2024, ông Trần Văn Vũ – Cục trưởng Cục thống kê Đà Nẵng cho hay số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng là do hoạt động của các đơn vị kém hiệu quả. Trong khi đó, số doanh nghiệp mới gia nhập có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2023.

c8c56553c40e7850211f.jpg
Ông Trần Văn Vũ – Cục trưởng Cục thống kê Đà Nẵng nhìn nhận số doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả xin tạm ngừng và doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn không ngừng tăng lên.

Cụ thể, Đà Nẵng đang tập trung tháo gỡ khó khăn, từng bước xử lý dứt điểm những bất cập tồn tại từ nhiều năm trước, với mục tiêu thực hiện thành công chủ đề năm 2024: “Năm đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục khơi thông các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”. Qua đó mang lại những kết quả tích cực, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố có nhiều khởi sắc, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực đã tăng trưởng bứt phá; tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước.

Tính chung cả năm 2024, GRDP của Đà Nẵng ước tăng 7,51%, cao hơn mức tăng 2,01% của năm 2023, xếp thứ 7/14 tỉnh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung và xếp thứ 29/63 địa phương trên cả nước về tốc độ tăng trưởng GRDP cả năm 2024. Trong mức tăng 7,51% của GRDP năm 2024, tổng giá trị tăng thêm (VA) toàn nền kinh tế tăng 7,59%, quy mô nền kinh tế thành phố trong năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt hơn 151.307 tỷ đồng, mở rộng gần 17.086 tỷ đồng so với năm 2023.

Theo ông Vũ, mặc dù kinh tế đã ghi nhận những tín hiệu lạc quan ở một số lĩnh vực, tuy nhiên số doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả xin tạm ngừng và doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn không ngừng tăng lên, ngược lại, số doanh nghiệp mới gia nhập có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2023. Tính đến ngày 25/12/2024, Đà Nẵng đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký cho 4.051 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 16.029 tỷ đồng; giảm 8,0% về số doanh nghiệp và giảm 27,3% về số vốn so với cùng kỳ 2023, doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm 0,6%.

d6a0149ad6c66a9833d7.jpg
Đà Nẵng cần tăng cường các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thiếu vốn, chịu ảnh hưởng của giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.

“Doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động vẫn tiếp tục tăng 3,9% so với cùng kỳ. Có 734 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện hoàn tất thủ tục giải thể, rút lui khỏi thị trường, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2023”, ông Trần Văn Vũ thông tin.

Thông tin thêm về câu chuyện doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng, ông Vũ cho hay phía Cục Thống kê cũng đã có hoạt động điều tra và các doanh nghiệp đều trả lời do hoạt động không hiệu quả nên “nghỉ”. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp hoạt động không có lãi, không đủ trả lương và tiền thuê mặt bằng.

“Sau đợt dịch, chi phí mặt bằng là tốn kém nhiều nhất, tiếp đến là trả công, hai vấn đề này không đảm bảo nên các doanh nghiệp nghỉ”, ông Vũ trả lời phóng viên.

Cùng trao đổi, bà Nguyễn Thị Kiều Liên – Trưởng phòng Thống kê tổng hợp (Cục Thống kê Đà Nẵng) cho biết theo xu hướng phát triển của thị trường các doanh nghiệp còn tồn tại được phải đảm bảo về nguồn vốn, hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi,... Còn lại các doanh nghiệp thay đổi ngành nghề, hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả thì sẽ xin rút lui để tránh việc lỗ kéo dài.

Được biết, kết quả khảo sát đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng phát triển của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy nhiều doanh nghiệp đối mặt với khó khăn do thị trường đầu ra sản phẩm hạn chế, một số doanh nghiệp không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu, thiếu nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào… Đặc biệt, có nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính trong khi giá tiền thuê đất sản xuất còn khá cao so với nhiều địa phương khác trong vùng và trên cả nước.

Đây cũng là một hạn chế để doanh nghiệp mở rộng sản xuất, giảm bớt áp lực về tài chính, dồn nguồn lực cho đầu tư máy móc, thiết bị, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh nhằm đóng góp cho tăng trưởng chung của cả khu vực công nghiệp và tăng thu ngân sách cho địa phương.

Thời gian tới, ông Trần Văn Vũ đề xuất TP. Đà Nẵng tiếp tục tăng cường các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thiếu vốn, chịu ảnh hưởng của giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó là hỗ trợ kịp thời một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như sản xuất da giày, dệt may, sản xuất và chế biến gỗ, điện tử và linh kiện điện tử,...

Cùng với đó là hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến xuất khẩu ra nước ngoài, đa dạng hóa các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Song song là xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics, kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm năng đầu tư các phương tiện và bến, cảng có quy mô lớn, tạo nền tảng thuận lợi để thu hút nguồn hàng hóa xuất, nhập khẩu luân chuyển trên địa bàn.

Tuấn Vỹ