Kinh tế địa phương

Hải Phòng: Năm 2025 đặt nhiều mục tiêu cao hơn

Lan Vũ 03/01/2025 16:34

Năm 2025, Hải Phòng đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GRDP đạt 12,5%, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 118.079 tỷ đồng…

Các nhiệm vụ trọng tâm

Ông Lê Tiến Châu – Bí thư Thành uỷ Hải Phòng khẳng định, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định sự thành công thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI. Đồng thời, là nền tảng, là tiền đề quan trọng để Hải Phòng bước vào kỷ nguyên vươn mình cùng đất nước, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế của thành phố giai đoạn 2026 - 2030 là từ 15,65% trở lên.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra trong năm 2025, Bí thư Thành ủy Hải Phòng lưu ý một số vấn đề trọng tâm trong thực hiện công tác năm với chủ đề “Mở rộng không gian kinh tế, đô thị; phát huy cơ chế, chính sách đặc thù; tăng cường chuyển đổi xanh, chuyển đổi số”.

2021-nam-hai-19b1aee7446240a0909a6bc33c2fdfd8.jpg
Hải Phòng bước vào kỷ nguyên vươn mình cùng đất nước, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế của thành phố giai đoạn 2026 - 2030 là từ 15,65% trở lên. (ảnh: Nguyễn Hồng Phong)

Theo đó, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng chỉ đạo, tập trung nhiệm vụ xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, mang tính đột phá để tạo động lực phát triển cho thành phố; bảo đảm hoàn thiện hồ sơ trình duyệt về xây dựng Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15, ngày 13/11/2021 của Quốc hội, phấn đấu trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp. Tập trung cao điểm trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và khởi công một số dự án động lực quan trọng. Ban cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo rà soát toàn bộ các quy định hiện hành về thẩm quyền, để phân cấp triệt để cho cấp huyện, cấp huyện phân cấp cho cấp xã. UBND thành phố phân cấp cho cấp sở, ngành.

Bên cạnh đó, TP Hải Phòng đang khẩn trương tiến hành sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, gắn với tinh giản biên chế. Bí thư Thành uỷ ông Lê Tiến Châu đề nghị toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động trong hệ thống chính trị thành phố, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải thống nhất quan điểm và nhận thức rằng, nhiệm vụ tinh gọn tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, gắn với tinh giản biên chế là một cuộc cách mạng vì sự phát triển chung của thành phố.

Đồng thời, khẩn trương hoàn thành Đề án chuyển đổi xanh thành phố Hải Phòng và triển khai trước một số nhiệm vụ để sớm có kết quả ngay trong năm 2025. Chuyển đổi số phải hướng đến những mục tiêu cụ thể và thiết thực cho người dân và doanh nghiệp, rút ngắn các thủ tục hành chính, cắt giảm thời gian và tiết kiệm chi phí.

Đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn

Theo báo cáo của UBND TP Hải Phòng Phòng, năm 2024, thành phố đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đạt kết quả cao trong phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, có 17/19 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội được hoàn thành và vượt mức kế hoạch đề ra.

Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 11,01%, gấp 1,5 lần so với bình quân chung cả nước; đứng thứ 3 trong 63 tỉnh, thành phố. GRDP bình quân đầu người đạt 8.665 USD/người. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là hơn 118.200 tỷ đồng, đạt 120,9% dự toán Trung ương giao và đạt 110,8% dự toán HĐND thành phố giao. Giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 18.100 tỷ đồng, bằng 106% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

hai phong
Tầm nhìn đến năm 2045 - 2050, Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới. (Ảnh minh họa: tuyengiao.vn)

Về kết quả đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) thành phố Hải Phòng năm 2024, ông Nguyễn Ngọc Tú, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng cho biết, tại bảng xếp hạng DDCI Hải Phòng năm 2024, Cục Thuế TP. Hải Phòng đứng vị trí số 1 với 78,35 điểm; Sở Kế hoạch và Đầu tư xếp thứ hai với 77,99 điểm. Xếp thứ ba, tư, năm lần lượt là Sở Tài chính, Sở Văn hóa và Thể thao; Công an Thành phố.

Đối với kết quả điểm số, xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp địa phương, UBND quận Hồng Bàng xếp thứ nhất với 90,01 điểm; UBND quận Ngô Quyền xếp thứ hai với 89,44 điểm. Xếp thứ ba, tư, năm lần lượt là UBND huyện Thủy Nguyên, UBND quận Hải An, UBND huyện Tiên Lãng.

Về chỉ số hài lòng với sự phục vụ hành chính của các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện năm 2024, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng xếp thứ nhất khối các sở, ban, ngành thành phố; xếp thứ hai, ba lần lượt là Văn phòng UBND Thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư. Đối với khối quận, huyện, thứ nhất là UBND quận Hồng Bàng, tiếp theo lần lượt là UBND quận Ngô Quyền và UBND quận Kiến An.

Tiếp đà phát triển của năm 2024, năm 2025, Hải Phòng đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GRDP đạt 12,5%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 17%. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 118.079 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 51 nghìn tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 240 nghìn tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu đạt 37 tỷ USD. Thu hút 4,5 tỷ USD vốn đầu tư FDI và 10 triệu lượt khách du dịch.

Theo đó, UBND thành phố đã xây dựng kế hoạch, đặt ra nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Trọng tâm là mở rộng không gian kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển 3 trụ cột: công nghiệp – công nghệ cao, cảng biển – logistics, du lịch – thương mại.

Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đầu tư, quy hoạch để sớm lập các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới. Triển khai lập nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng. Hoàn thành đề án thành lập Khu thương mại tự do thế hệ mới.

Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá và khai thác, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Phấn đấu đón hơn 10 triệu lượt khách, ước đạt tổng thu khoảng 12.000 tỷ đồng từ du lịch. Đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng du lịch tại huyện Cát Hải, Đồ Sơn…

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng đa dạng chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và thị trường xuất nhập khẩu gắn với chất lượng sản phẩm, tham gia sâu rộng hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu.

Tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu.

Lan Vũ