Xuất khẩu của Hàn Quốc đối mặt "cơn gió ngược"
Nhu cầu chip từ Trung Quốc góp phần gia tăng xuất khẩu của Hàn Quốc tháng cuối năm 2024, nhưng triển vọng xuất khẩu năm 2025 của nước này kém lạc quan.
Điểm sáng giữa khó khăn bộn bề
Theo dữ liệu được Bộ Thương mại Hàn Quốc công bố vào tuần này, giá trị các lô hàng xuất khẩu của nước này trong tháng 12/2024 đã tăng 4,3% so với cùng kỳ tháng 12 năm 2023. Mức này cũng cao hơn so với mức tăng 3,7% trong tháng 11/2024.
Xuất khẩu của Hàn Quốc chưa điều chỉnh tăng 6,6%, trong khi tổng nhập khẩu tăng 3,3%, dẫn đến thặng dư thương mại đạt 6,5 tỷ USD.
Xuất khẩu chip của Hàn Quốc đã tăng 31,5% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 12, trong khi xuất khẩu ô tô giảm 5,3%. Doanh số thiết bị liên lạc không dây tăng 16,1%.
Xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc tăng 8,6%, đảo ngược tình trạng suy giảm của tháng trước đó, theo Bộ Thương mại Hàn Quốc. Xuất khẩu của Hàn Quốc sang Mỹ tăng 5,5%, trong khi xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu tăng 15,1%.
“Các nhà sản xuất chip dường như đang tăng cường xuất khẩu bộ nhớ có băng thông cao (HBM) sang Trung Quốc trước khi các hạn chế mới của Mỹ đối với việc bán chip bộ nhớ công nghệ cao cho Trung Quốc có hiệu lực từ tháng 1/2025,” Hyosung Kwon, chuyên gia kinh tế của Bloomberg Economics nhận xét.
Trong cả năm 2024, xuất khẩu của Hàn Quốc tăng 8,2% so với năm trước đó, với thặng dư thương mại đạt 51,8 tỷ USD. Chất bán dẫn, động lực lớn nhất của xuất khẩu, tăng 43,9% so với năm 2023.
Đà tăng trưởng này mang lại điểm sáng hiếm hoi cho một quốc gia đang trải qua biến động chính trị lớn nhất trong nhiều năm. Tổng thống Yoon Suk Yeol bị luận tội sau khi gây sốc cho cả nước bằng việc tuyên bố thiết quân luật ngắn hạn vào ngày 3/12/2024. Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo cũng bị luận tội vì từ ông đã chối nhanh chóng bổ nhiệm các thẩm phán để xem xét vụ luận tội của ông Yoon. Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choi Sang-mok hiện đảm nhiệm vai trò quyền Tổng thống thứ hai.
Biến động này đã đẩy đồng won xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009, trong khi thị trường chứng khoán Hàn Quốc vẫn mong manh. Một vụ tai nạn máy bay của hãng Jeju Air vào Chủ nhật vừa qua khiến 179 trong số 181 người trên máy bay thiệt mạng có thể khiến tâm lý người tiêu dùng thêm suy giảm.
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc bất ngờ thực hiện hai đợt cắt giảm lãi suất liên tiếp trong quý IV/2024 nhằm hỗ trợ nền kinh tế đối mặt với các trở ngại thương mại.
Các nhà kinh tế ngày càng kỳ vọng ngân hàng trung ương Hàn Quốc sẽ tiếp tục giảm lãi suất trong tháng này khi niềm tin tiêu dùng và doanh nghiệp suy yếu. Đà xuất khẩu yếu hơn có thể gây áp lực lên đồng won, và ngành công nghiệp chất bán dẫn của quốc gia này có thể chứng kiến nhu cầu chậm lại trong năm nay sau khi tận hưởng một giai đoạn bùng nổ nhờ sự phát triển của trí tuệ nhân tạo.
Nhiều khó khăn hơn trong năm 2025
Hàn Quốc, quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cũng đang đối mặt với những thách thức bên ngoài. Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã hứa hẹn thực hiện một loạt chính sách bảo hộ, bao gồm áp thuế phổ quát, khi chuẩn bị trở lại Nhà Trắng.
Đó có thể là một phần lý do khiến chính phủ Hàn Quốc dự báo nền kinh tế sẽ chậm lại trong năm tới bên cạnh tăng trưởng xuất khẩu suy yếu và nhu cầu nội địa phục hồi chậm chạp.
Xuất khẩu của Hàn Quốc được dự báo tăng 2,2% so với năm trước, trong khi thặng dư thương mại dự kiến giảm xuống còn 48,7 tỷ USD, theo Viện Phát triển Hàn Quốc trong dự báo công bố vào tháng 11/2024.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á được dự báo tăng 1,8% trong năm 2025, thấp hơn so với dự báo tăng trưởng 2,2% của chính phủ đưa ra vào tháng 7, theo báo cáo triển vọng kinh tế bán niên do Bộ Kinh tế và Tài chính nước này mới công bố. Kết quả này sẽ là một sự giảm tốc so với mức tăng trưởng GDP ước tính 2,1% của năm 2024.
Tăng trưởng xuất khẩu của Hàn Quốc dự kiến sẽ giảm tốc do cạnh tranh gay gắt trong ngành công nghiệp chất bán dẫn và các ngành chủ lực khác, trong bối cảnh bất ổn thương mại toàn cầu gia tăng do chính sách bảo hộ của chính quyền Tổng thống Mỹ sắp tới Donald Trump.
Nhu cầu nội địa tại Hàn Quốc được kỳ vọng sẽ cải thiện nhưng chỉ ở mức độ chậm chạp, với đầu tư xây dựng dự kiến vẫn ở mức yếu trong thời gian tới.
Bộ Kinh tế và Tài chính dự báo lạm phát tại Hàn Quốc sẽ ở mức 1,8% trong năm 2025, thấp hơn so với dự báo 2,1% trước đó. Lạm phát trung bình trong năm 2024 là 2,3%. Thặng dư tài khoản vãng lai của Hàn Quốc dự kiến sẽ giảm xuống còn 80 tỷ USD trong năm 2025, so với ước tính 90 tỷ USD trong năm 2024.