Doanh nghiệp

Cần đảm bảo dư địa chính sách hỗ trợ doanh nghiệp năm 2025

Bài - Ảnh: Thy Hằng 04/01/2025 01:35

Doanh nghiệp còn đối mặt nhiều rủi ro năm 2025, do đó, cần đảm bảo dư địa chính sách để hỗ trợ hoạt động kinh tế trong nước và các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.

Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 ghi nhận mức tăng trưởng ổn định, với động lực xuất khẩu tiếp tục được duy trì bền vững. Trong 11 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước tính đạt 715,55 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước.

cxkhoa_1846.jpg
TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng VEPR chia sẻ tại Tọa đàm “Kinh tế vĩ mô Việt Nam: Nhìn lại 2024 và triển vọng 2025”.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 14,4%, trong khi nhập khẩu tăng 16,4%. Cán cân thương mại hàng hóa duy trì thặng dư ở mức 24,31 tỷ USD, cho thấy sự cải thiện rõ nét trong hiệu quả hoạt động thương mại quốc tế.

Từ đầu năm 2024, đầu tư tư nhân đã bắt đầu phục hồi sau đại dịch Covid-19. Trong quý 3/2024, vốn đầu tư tư nhân tăng trưởng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, mức tăng đạt 7,1%, phản ánh niềm tin ngày càng tăng của doanh nghiệp trong nước nhờ lãi suất cho vay ở mức thấp và nhu cầu thị trường quốc tế gia tăng.

Đặc biệt, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục là điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế Việt Nam. Tính đến ngày 30/11/2024, tổng vốn FDI đăng ký đạt 31,4 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, vốn FDI thực hiện đạt 21,68 tỷ USD, tăng 7,1%, đánh dấu mức giải ngân cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam cũng được đánh giá là đang trên đà phục hồi sau ảnh hưởng của bão Yagi. Tính chung 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò đầu tàu với mức tăng 9,7%, bù đắp cho sự sụt giảm 7,3% của ngành khai khoáng.

“Bên cạnh đó, PMI sản xuất của Việt Nam giảm nhẹ xuống 50,8 vào tháng 11/2024 từ mức 51,2 trong tháng 10, nhưng đây là tháng thứ hai liên tiếp hoạt động sản xuất của các nhà máy ghi nhận tăng trưởng sau đợt suy giảm do ảnh hưởng của bão Yagi hồi tháng 9”, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng VEPR nhận định.

Tuy nhiên, ông Việt cũng thẳng thắn đánh giá một số lĩnh vực chưa đạt kỳ vọng. Đơn cử như tiêu dùng nội địa, trong 11 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.822,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Động lực tăng trưởng chủ yếu chỉ đến từ doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống với mức tăng 13,0%, cùng doanh thu du lịch lữ hành tăng 17,3%.

cxkhoa_1852.jpg
VEPR dự báo tăng trưởng GDP dự kiến đạt 6,5% với những động lực quan trọng như đầu tư công, đầu tư tư nhân và hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực.

Đặc biệt, nhận định về triển vọng tăng trưởng năm 2025, VEPR dự báo tăng trưởng GDP dự kiến đạt 6,5% với những động lực quan trọng như đầu tư công, đầu tư tư nhân và hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực.

Dẫu vậy, tăng trưởng kinh tế năm 2025 cũng đối diện không ít rủi ro với các biến động của kinh tế toàn cầu, cùng xu hướng bảo hộ thương mại từ Hoa Kỳ và các nền kinh tế lớn có thể tạo áp lực lên đà tăng trưởng của Việt Nam.

Cùng với đó, mặc dù lạm phát năm 2024 được dự báo duy trì dưới 4,5%, áp lực từ giá dầu, biến động giá hàng hóa toàn cầu và tỷ giá hối đoái có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu và sức mua trong nước trong thời gian tới.

“Các xung đột địa chính trị, chiến tranh thương mại và cạnh tranh công nghệ ngày càng gay gắt có nguy cơ làm phân mảnh nền kinh tế thế giới sẽ có thể tác động không nhỏ đến những quốc gia có độ mở kinh tế cao như Việt Nam”, ông Việt phân tích.

Về dài hạn, ông Việt cho rằng, biến đổi khí hậu và tình trạng già hóa dân số nhanh chóng cũng đang nổi lên như những thách thức lớn đối với sự ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng phát triển bền vững của Việt Nam.

Cùng lo lắng, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV nhận định, cộng đồng doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn pháp lý; chi phí đầu vào còn cao, đơn hàng phục hồi không đồng đều và thiếu bền vững, thiếu lao động, năng suất thấp; yêu cầu số hóa và xanh hóa ngày càng cao.

“Việt Nam trong năm 2025 còn đối mặt với việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng yếu kém còn chậm, tỷ giá, nợ xấu tăng dù vẫn trong tầm kiểm soát. Rủi ro thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn và thị trường bất động sản phục hồi chậm, giá cao. Hơn nữa, hướng dẫn các luật mới và xây dựng thể chế cho các lĩnh vực mới có những khó khăn nhất định”, ông Cấn Văn Lực bày tỏ thận trọng.

Do đó, chuyên gia nhấn mạnh yêu cầu tránh tư duy nóng vội trong ban hành các chính sách điều hành kinh tế, cần đánh giá kỹ tác động đa chiều và có lộ trình cụ thể để thực hiện. Đặc biệt, trong ngắn hạn, cần đảm bảo dư địa chính sách để hỗ trợ hoạt động kinh tế trong nước và các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.

Trong trung hạn, cần tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao trình độ và kỹ năng cho lực lượng lao động và phát triển khoa học công nghệ nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh thúc đẩy kinh doanh sáng tạo và bền vững.

Trong khi đó, ông Việt chỉ ra điểm sáng trong năm 2025, đồng USD suy yếu cùng chính sách giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu, đặc biệt vào thị trường Hoa Kỳ. "Việt Nam có thể tận dụng các chính sách thương mại mới của Hoa Kỳ để nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị phần trên trường quốc tế”, ông Việt gợi ý

Bài - Ảnh: Thy Hằng