Phân tích - Bình luận

Tái cấu trúc toàn cầu, xe điện Trung Quốc sẽ ra sao?

Trương Khắc Trà 07/01/2025 03:28

Ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu đang bước vào thời kỳ tái cấu trúc mạnh mẽ, xe điện Trung Quốc có thể vẫn thống trị doanh số và giá bán.

Ngay cả khi ngành ô tô Trung Quốc đang tái cấu trúc cũng sẽ vẫn là một thế lực toàn cầu đáng gờm (Ảnh VOA)
Ngay cả khi đang tái cấu trúc, ngành ô tô Trung Quốc sẽ vẫn là một thế lực toàn cầu đáng gờm (Ảnh VOA)

Kết thúc năm tài chính 2024, ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc thua lỗ 177,6 tỷ nhân dân tệ, tương đương 24,3 tỷ đô la Mỹ, tăng so với con số 84,5 tỷ nhân dân tệ trong cùng kỳ năm trước.

Một năm 2025 ảm đạm đang chờ đợi 50 nhà sản sản xuất ô tô lớn nhất và 30.000 đại lý ô tô của Trung Quốc. Giới chuyên gia gọi đây là “cuộc khủng hoảng made in China” lớn nhất từ trước tới nay.

Tương tự như nhiều chiến lược công nghiệp trước đây, Trung Quốc đã tạo ra khối lượng công suất khổng lồ trong ngành ô tô, sản xuất hơn 50 triệu xe chở khách, đủ chủng loại mỗi năm. Con số này gần gấp đôi nhu cầu trong nước và đủ để đáp ứng hơn một nửa thị trường toàn cầu.

Các nhà sản xuất nước ngoài đã tận hưởng sự tăng trưởng và lợi nhuận từ Trung Quốc thông qua liên doanh trong nhiều thập kỷ. Nhưng bây giờ thị trường không cho phép tiếp tục kéo dài thành tích ấn tượng như vậy. Các liên doanh bắt đầu sụp đổ.

Riêng lĩnh vực xe điện, Trung Quốc đã biến mình thành trung tâm thế giới khi chiếm 2/3 doanh số bán hàng trên toàn thế giới vào năm ngoái và hơn 90% mức tăng trưởng. Trung Quốc cũng thống trị chuỗi cung ứng cơ bản trong ngành này.

Trong khi nhu cầu xe truyền thống chững lại thì xe điện tạo ra sự bùng nổ công suất sản xuất, đây chính là nguyên nhân trực tiếp gây ra khủng hoảng. Nhiều quốc gia đã nhận thấy mối đe dọa từ hàng hóa Trung Quốc giá rẻ đang càn quét thị trường.

Điều đó đã xảy ra tại Mỹ với tình trạng dư thừa công suất, các hãng xe chỉ sử dụng khoảng 75% công suất sản xuất từ năm 2021 đến nay. Đây là chuỗi suy thoái tồi tệ nhất trong nửa thế kỷ với ngành công nghiệp xe hơi Mỹ.

Công nghiệp xe hơi châu Âu cũng không ngoại lệ; một vài liên minh với Trung Quốc trên đà sụp đổ. Thậm chí, những nhà sản xuất ô tô sừng sỏ nhất không thể cạnh tranh sòng phẳng với đối thủ do yếu kém về chuỗi cung ứng, chi phí sản xuất cao.

Nissan và Honda trên đà sáp nhập để tăng khả năng cạnh tranh (Ảnh Capital One)
Nissan và Honda trên đà sáp nhập để tăng khả năng cạnh tranh (Ảnh Capital One)

Công ty chịu nhiều thách thức nhất hiện nay là Nissan, đang chao đảo vì thua lỗ do cạnh tranh giá rẻ từ các đối thủ Trung Quốc và phải đối mặt với khoản đáo hạn trái phiếu rất lớn trong năm nay. Nissan đã mở các cuộc đàm phán với Honda Motor về việc sáp nhập.

Thực ra, cuộc khủng hoảng hiện tại phản ánh tiến trình sắp xếp lại ngành công nghiệp này trên quy mô toàn cầu. Thuế quan cao hơn từ Mỹ, châu Âu hay chủ nghĩa bảo hộ không thể giải quyết vấn đề từ gốc rễ.

Sự kết hợp giữa chi phí thấp, sự thống trị chuỗi cung ứng và vị thế dẫn đầu về xe điện của Trung Quốc có nghĩa là các công ty của nước này sẽ tiếp tục thâm nhập vào những nơi khác, đặc biệt là ở các thị trường tăng trưởng như Đông Nam Á.

Như Michael Dunne, Cố vấn tại Dunne Insights, đã viết trong một bài đăng trên blog gần đây, rằng: “Ngay cả khi ngành ô tô Trung Quốc đang tái cấu trúc, thì cũng sẽ vẫn là một thế lực toàn cầu đáng gờm. Trung Quốc đang chơi một trò chơi khác, họ chơi để giành chiến thắng. Một lần nữa, tấm pin mặt trời của bạn sẽ đến từ đâu?”.

Các chuyên gia nhận thấy rằng, cấu trúc lợi nhuận trong sản phẩm xe điện đã đảo ngược truyền thống, “động lực lợi nhuận” chính là pin, và pin thì không ai hơn được Trung Quốc.

Thách thức sâu sắc và kéo dài đối với ngành công nghiệp ô tô sẽ buộc phải cắt giảm chi phí, sáp nhập - tất cả các cuộc tranh cãi chính trị, bất ổn lao động và xung đột thương mại từ đây mà ra. Tương lai đã bắt đầu rồi!

Trương Khắc Trà