Kinh tế địa phương

Quảng Ninh: Đặt mục tiêu bứt phá trong phát triển kinh tế

Lê Cường - Hải Ngân 09/01/2025 1:17

Quảng Ninh đang nỗ lực thực hiện các giải pháp đồng bộ để giữ đà tăng trưởng bền vững và là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về kinh tế.

36.jpg
Năm 2025, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng trên 12% với tổng thu ngân sách nhà nước đạt 57.330 tỷ đồng

Đặt mục tiêu tăng trưởng trên 12%

Năm 2024, tỉnh Quảng Ninh phải đương đầu với nhiều khó khăn, thử thách. Trong đó, cơn bão số 3 Yagi càn quyét qua đã gây bao mất mát và thiệt hại cho toàn tỉnh.

Theo ông Vũ Đại Thắng - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, năm 2024, tỉnh Quảng Ninh thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn nhiều hơn thuận lợi, thử thách lớn hơn cơ hội, nhất là phải ứng phó với bão số 3 cùng những thiệt hại rất nặng nề.

Nửa đầu năm 2024, kinh tế Quảng Ninh giữ nhịp tăng trưởng, GRDP tăng 9,02%, đứng thứ 4 trong vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 8 trên cả nước. Tuy nhiên, bão Yagi với sức tàn phá khốc liệt đã gây thiệt hại về kinh tế cho tỉnh Quảng Ninh trên 28.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 1/3 tổng thiệt hại của cả nước).

Ngay sau bão, bên cạnh việc kịp thời gặp gỡ, thăm hỏi, động viên người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại, khắc phục các công trình bị hư hỏng, tỉnh Quảng Ninh đã khẩn trương khôi phục sản xuất ở các lĩnh vực kinh tế trọng điểm như ngành than, các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT), du lịch, thương mại dịch vụ.

34.jpg
Năm 2025, ngành du lịch Quảng Ninh ghi nhận bước phát triển ấn tượng với 19 triệu lượt khách

Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, năm 2024, tỉnh Quảng Ninh đã đạt mức tăng trưởng kinh tế 8,42%, với quy mô nền kinh tế ước tính 347,5 nghìn tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 109,4 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước. Ngành du lịch ghi nhận bước phát triển ấn tượng với 19 triệu lượt khách, tăng 20%, góp phần thúc đẩy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 12,9%. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 3.539 triệu USD, tăng 14%. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 2,8 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước đạt 55,6 nghìn tỷ đồng, trong đó thu từ xuất nhập khẩu khoảng 18 nghìn tỷ đồng và thu nội địa trên 37,435 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là động lực, dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh, tăng 20,45%, cao hơn 4,05 điểm phần trăm so với năm 2023. Ngành du lịch đạt mục tiêu đón 19 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 3,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 22% so với năm 2023.

Mặc dù còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của bão Yagi nhưng tỉnh Quảng Ninh vẫn đặt mục tiêu phát triển đầy tham vọng. Theo đó, địa phương này phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng năm 2025 trên 12% với tổng thu ngân sách nhà nước đạt 57.330 tỷ đồng. Năm 2025, Quảng Ninh đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt trên 12%, trong đó thu xuất nhập khẩu đạt 17.800 tỷ đồng, thu nội địa không thấp hơn 39.530 tỷ đồng. Thu hút vốn FDI nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. Đây là chỉ tiêu được đánh giá là đầy thách thức nhưng mang tính quyết định để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế trong cả nhiệm kỳ 2021-2025.

Theo ông Ngô Quang Hưng - Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh, năm 2025, mục tiêu của tỉnh Quảng Ninh là xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền, ban hành cơ chế chính sách phát triển KKT Vân Đồn, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, để thu hút đầu tư tại khu vực này. Về năng lực sản xuất mới tập trung vào công ty Thành Công - doanh nghiệp trong ngành ô tô, đây là sản phẩm mới, năng lượng mới để đóng góp vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Quảng Ninh…

Vươn mình trong kỷ nguyên mới

Theo ông Vũ Đại Thắng, năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được Trung ương, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh xác định là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tạo nền tảng vững chắc để Quảng Ninh cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. “Bứt phá trong phát triển kinh tế, tạo đà cho nhiệm kỳ mới” là chủ đề công tác năm 2025 được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lựa chọn để làm kim chỉ nam trong mọi hành động.

Để hiện thực mục tiêu này, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung thúc đẩy đầu tư công, khôi phục sản xuất công nghiệp, phát triển du lịch và dịch vụ. Địa phương cũng đẩy mạnh cơ cấu lại khu vực công nghiệp, tăng nhanh quy mô và tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo; phát triển hợp lý, bền vững ngành công nghiệp khai khoáng, trọng tâm là ngành Than...

35.jpg
Hoạt động sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Quảng Ninh

Cụ thể, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, khai thông điểm nghẽn, nút thắt, cản trở, ách tắc, tạo thành các nguồn lực cho phát triển kinh tế. Đồng thời xác định, phát triển du lịch vẫn sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn gắn với phát triển kinh tế biển bền vững cùng với đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án du lịch, dịch vụ.

Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh sẽ phát triển các ngành kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế biển. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại khu vực công nghiệp, tăng nhanh quy mô và tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo. Địa phương này cũng tập trung thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thế hệ mới vào các KCN, dự án đầu tư vào ngành nghề sản xuất thông minh, hàm lượng tri thức cao, trí tuệ nhân tạo, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, tích cực đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp đi vào hoạt động, bổ sung năng lực tăng thêm, tăng năng suất, sản lượng. Tập trung thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược, đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo…

Ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, các cấp chính quyền phải làm nổi bật vai trò kiến tạo và hành động bằng việc tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, lấy người dân và doanh nghiệp làm chủ thể để đổi mới, nâng cao chất lượng cải cách, hành động hiệu quả. Chủ động từ sớm để điều hành linh hoạt kịch bản tăng trưởng kinh ở mức tăng trưởng trên 12% với tinh thần phấn đấu cao nhất, nỗ lực lớn nhất, thống nhất chung trong toàn tỉnh để tổ chức thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cũng theo ông Ấn, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục quyết liệt đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách và đầu tư công gắn trách nhiệm người đứng đầu.

Lê Cường - Hải Ngân