Gần 3000 tấn giá đỗ ngâm chất độc “tung tăng” ngoài thị trường: Cơ quan nào chịu trách nhiệm?
Trong vụ gần 3000 tấn giá đỗ ngâm chất độc tại Đắk Lắk, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết trách nhiệm thuộc về ngành nông nghiệp, lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Theo đó, trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương diễn ra chiều 7/1/2025, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã nhận được một số câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường trong vụ việc phát hiện gần 3000 tấn giá đỗ ngâm chất cấm đã bán ra ngoài thị trường gây chấn động dư luận.
Trả lời nội dung này, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, lĩnh vực này thuộc trách nhiệm của ngành nông nghiệp, lĩnh vực an toàn thực phẩm. Với quản lý thị trường, lực lượng này có trách nhiệm theo dõi trên kênh lưu thông và phối hợp với các cơ quan liên ngành để rà soát. "Về vụ việc 3000 tấn giá đỗ nhiễm hóa chất vừa qua, Bộ Công Thương đã yêu cầu cơ quan quản lý thị trường theo dõi chặt để kiểm soát", Thứ trưởng Tân cho biết.
Cũng liên quan đến nội dung này, trả lời báo chí mới đây, một lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị chủ yếu kiểm tra các thủ tục hành chính như giấy phép kinh doanh, điều kiện kinh doanh, nghĩa vụ về thuế.... Theo vị này, Cục Quản lý thị trường không kiểm tra chất lượng sản phẩm bởi đây là trách nhiệm của Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk).
Ngày 30/12/2024, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Y tế, Công an tỉnh và UBND TP Buôn Ma Thuột liên quan đến vụ việc giá đỗ ủ chất cấm. Theo UBND tỉnh này, các cơ quan chức năng chưa thể hiện rõ trách nhiệm, có tình trạng "đá bóng" trách nhiệm.
Trước đó, cuối năm 2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã kiểm tra 6 cơ sở ở TP Buôn Ma Thuột, phát hiện hơn 20 tấn giá đỗ ngâm trong chất cấm 6-Benzylaminopurine, hóa chất kích thích "siêu tốc" giúp sản xuất giá đỗ nhanh và nhiều. Riêng cơ sở Lâm Đạo còn ký hợp đồng bán cho cửa hàng Bách Hóa Xanh 350-400kg giá đỗ/ngày.
Phía Bách Hóa Xanh cho biết, Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo chỉ cung cấp sản phẩm giá đỗ nhiễm hóa chất cho chuỗi này tại khu vực Đắk Lắk, chiếm 2% trên tổng sản lượng của toàn chuỗi. Các sản phẩm được nhập tại chuỗi đều phải cung cấp đầy đủ các giấy tờ pháp lý theo yêu cầu.
Sau khi thông báo ngừng bán và thu hồi toàn bộ sản phẩm giá đỗ ủ hóa chất, Bách Hóa Xanh đã thông báo cam kết hoàn tiền hoặc đổi sang sản phẩm khác cho khách hàng đã mua sản phẩm giá đỗ của nhà cung cấp trên tại các cửa hàng của hệ thống ở Đắk Lắk.
Tại cơ quan công an, Lâm Văn Đạo (34 tuổi, trú tại xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột), chủ cơ sở Lâm Đạo khai nhận, cơ sở bắt đầu làm giá đỗ nhỏ lẻ từ năm 2020. Đạo thừa nhận, khi vào nghề đã "học tập" những người làm nghề đi trước, họ cũng dùng "nước kẹo" (6-Benzylaminopurine) nên cũng dùng theo, dù biết chất này không tốt cho sức khỏe người sử dụng. Đối với việc nhập hàng vào Bách Hóa Xanh, Đạo thừa nhận bắt đầu nhập hàng cho Bách Hóa Xanh từ tháng 5 đến thời điểm bị công an bắt giữ.
Theo cơ quan chức năng, “6-Benzylaminopurine” là loại hóa chất giúp giá đỗ phát triển nhanh, kích thước cây to, mọng nước. Cây giá đỗ được ngâm hóa chất cũng có màu trắng hơn so với sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống. Loại hóa chất này không được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm, khi tiếp xúc qua da lâu dài có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ con người như gây não úng thủy, các dị tật bẩm sinh, tổn thương phổi, thậm chí ăn vào lượng lớn có thể gây tử vong.