Để Luật Hợp tác xã 2023 đi vào cuộc sống, thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển
Việc đưa Luật Hợp tác xã 2023 đi vào cuộc sống là nhiệm vụ cấp bách và vô cùng cần thiết đối với các hợp tác xã, tổ hợp tác, liên hiệp hợp tác xã.
Luật Hợp tác xã 2023 đi vào thực tiễn được đánh giá là mở hướng tháo gỡ nhiều rào cản trong phát triển cho hợp tác xã, tổ hợp tác, liên hiệp hợp tác xã. Một trong những điểm nổi bật của Luật Hợp tác xã 2023 là đã thể chế hóa đầy đủ 8 nhóm chính sách hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị. Một bước tiến quan trọng nữa đó là Nghị định số 113/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/11/2024 giúp cụ thể hóa những quy định tại Luật Hợp tác xã 2023.
Theo đó, Chính phủ có hàng loạt chính sách về hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ thông tin; hỗ trợ xây dựng mạng lưới cung cấp dịch vụ tư vấn; hỗ trợ nhân rộng mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động hiệu quả; hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; hỗ trợ tiếp cận và nghiên cứu thị trường; hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trang thiết bị; hỗ trợ tư vấn tài chính và đánh giá rủi ro; hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp...
Mặc dù, Luật đã có hiệu lực 6 tháng (từ 1/7/2024) và đã có 2 Nghị định và 2 Thông tư hướng dẫn thi hành nhưng vẫn còn những hợp tác xã chưa nắm rõ Luật để triển khai. Thậm chí, nhiều hợp tác xã vẫn băn khoăn hoặc gặp khó khăn khi làm thủ tục sáp nhập với những hựp tác xã khác thành lập từ hàng chục năm trước.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh Phú Yên cho biết, một điểm được nhiều hợp tác xã quan tâm hiện nay đó là Điều 21 Luật Hợp tác xã 2023 quy định 3 chính sách hỗ trợ đất đai cho tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Trong đó có quy định Chính quyền địa phương ưu tiên bố trí quỹ đất và ưu đãi hợp lý về giá, thời gian thuê đất trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã chưa được hỗ trợ thuê đất.
Bên cạnh đó, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuê đất của Nhà nước để sản xuất kinh doanh thì được miễn, giảm tiền thuê đất. Trường hợp thuê, thuê lại đất của của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để sản xuất kinh doanh thì được hỗ trợ tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Nhà nước cũng tạo điều kiện để tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sử dụng đất ổn định theo quy định của pháp luật về đất đai.
Những quy định này, theo đại diện một số hợp tác xã, là rất khó khả thi, vì để hợp tác xã nhận được ưu đãi trong hỗ trợ về đất đai phụ thuộc rất lớn vào sự quan tâm của chính quyền địa phương. Trong khi nhiều địa phương luôn trong tình trạng “hết quỹ đất” để hỗ trợ mô hình kinh tế tập thể. Có địa phương cũng không hoặc chưa quy định rõ trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm có ghi phần đất dành cho tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai. Do đó, rất khó để các hợp tác xã có thể tiếp cận được chính sách này theo quy định của Luật Hợp tác xã 2023.
Vì vậy, nhiều hợp tác xã rất cần sự quan tâm của cơ quan quản lý địa phương để có thể nhìn thấy vai trò của mô hình kinh tế tập thể cũng như những khó khăn mà mô hình này đang gặp phải, từ đó có những hỗ trợ về đất đai, tạo điều kiện phù hợp để hợp tác xã có nơi sản xuất kinh doanh thuận tiện. Bởi hợp tác xã nếu không có đất xây dựng trụ sở, khu trưng bày gian hàng, không có đất để sản xuất kinh doanh thì rất khó phát triển.
Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Hợp tác xã 2023, hoạt động tín dụng nội bộ sẽ chấm dứt kể từ ngày 1/9/2023. Các hợp đồng tín dụng nội bộ đã được ký trước ngày 1/9/2023 các bên tiếp tục thực hiện quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng nhưng không được gia hạn hợp đồng. Điều này khiến không ít thành viên hợp tác xã không khỏi lo lắng vì nguồn vốn tín dụng nội bộ vẫn được coi là đơn giản, thuận lợi cho hợp tác xã trong tháo gỡ khó khăn về tài chính. Ông Nguyễn Quang Thế, Giám đốc hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Vũ An (Thái Bình) nhận định, việc yêu cầu phải dừng hoạt động này là rất khó vì các hộ thành viên vay vốn không phải cứ thông báo đến hạn là họ có thể trả hết 100% được. Nguyên nhân thành viên không trả được có thể do khách quan, quá trình sản xuất gặp thiên tai, bão lũ bất chợt. Điều này cũng gây khó trong việc trả vốn cho những nông dân gửi vào Quỹ tín dụng.
Bên cạnh đó, nhiều Quỹ tín dụng vẫn lúng túng khi áp dụng các quy định của Luật Hợp tác xã 2023, nhất là Điều 61 liên quan đến tham dự và biểu quyết trong Đại hội thành viên do chưa có hướng dẫn cụ thể.
Ông Nguyễn Quang Thế cũng nhấn mạnh rằng, một số quy định trong Luật Hợp tác xã hiện nay rất cần sự quan tâm từ phía cơ quan quản lý địa phương mới có thể thành hiện thực. Vai trò của chính quyền địa phương là rất quan trọng. Bởi “nơi nào chính quyền địa phương quan tâm thì nơi đó hợp tác xã mới phát triển”. Trong khi đất đai chính là tư liệu sản xuất của hợp tác xã nhưng chính hợp tác xã cũng khó tiếp cận đất đai bởi nhiều địa phương chưa có cơ chế, chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã trong vấn đề này. Và nếu địa phương không quan tâm thì vô hình trung quy định này trong Luật Hợp tác xã 2023 sẽ thụt lùi so với Luật Hợp tác xã 2012.