Doanh nghiệp

Tăng tốc chuyển đổi xanh cho cảng biển

Bùi Hiền – Hải Ngân 10/01/2025 01:51

Phát triển cảng xanh đã trở thành xu thế tất yếu, đem lại lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Tại Hải Phòng nói riêng và Việt Nam nói chung, các cảng biển đang gấp rút trên đường đua chuyển đổi xanh. Bước đầu từ số hoá hoạt động khai thác cảng hay sử dụng các phương tiện bằng năng lượng điện.

cang con
Cảng container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng đạt tiêu chí cảng xanh theo tiêu chuẩn của Cục Hàng hải Việt Nam.

Tận dụng lợi thế

Tính đến cuối tháng 11/2024, trên địa bàn TP Hải Phòng có 2 doanh nghiệp khai thác cảng biển đạt tiêu chí cảng xanh theo tiêu chuẩn của Cục Hàng hải Việt Nam là cảng Nam Đình Vũ và Cảng container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng.

Cụ thể, Công ty TNHH Cảng container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HICT) chính thức đáp ứng tiêu chí theo tiêu chuẩn của Cục Hàng hải Việt Nam và được công nhận là cảng xanh với số điểm 3,94/5 điểm vào tháng 11/2024. Hiện, nhiều phương tiện thiết bị tại cảng này đã và đang chuyển sang dùng điện như xe nâng, xe buýt nội bộ, xe kéo... Đồng thời, cảng cũng ứng dụng nhiều phần mềm, giải pháp như cảng điện tử ePort, sử dụng phần mềm quản lý, vận hành khai thác cảng (TOPS), hỗ trợ xuất hóa đơn điện tử cho khách hàng.

Đặc biệt, tính đến nay, 100% số phương tiện cẩu giàn, cẩu bãi, tàu lai dắt của TC-HICT sử dụng năng lượng điện. Như vậy, mỗi năm TC-HICT tiết kiệm hơn 3,5 triệu kW giờ điện, tương đương 7,7 tỷ đồng/năm. Hệ thống chiếu sáng chuyển đổi sử dụng đèn Led giúp tiết kiệm 114 nghìn kW điện, tương đương 275 triệu đồng. Hệ thống năng lượng điện mặt trời tại trụ sở nhà làm việc giúp cảng tiết kiệm 136 triệu đồng tiền điện/năm.

Trước đó, cảng Nam Đình Vũ cũng đã đáp ứng các tiêu chí và được công nhận cảng xanh với số điểm 3,86/5 điểm. Theo đó, hiện có tới hơn 90% hệ thống trang thiết bị của cảng Nam Đình Vũ sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh thay vì thiết bị hoạt động bằng dầu diesel.

Theo ông Đoàn Trung Nguyên - Phó Tổng Giám đốc cảng Nam Đình Vũ, ngay khi mới đi vào hoạt động, cảng đầu tư hệ thống trang thiết bị sử dụng năng lượng điện như cẩu bờ, cẩu bãi thay vì các thiết bị hoạt động bằng nhiên liệu hóa thạch. Đồng thời, thay thế, sử dụng bóng đèn LED trên toàn bộ hệ thống cẩu bờ, cẩu bãi... Cảng cũng không ngừng nâng cao năng suất giải phóng tàu, áp dụng các biện pháp giảm tiếng ồn, giảm bụi trong không khí, các yếu tố bức xạ. Bên cạnh đó, đầu tư các hệ thống thu gom và xử lý nước thải, thu gom, tái chế và xử lý rác thải rắn, rác thải độc hại...

Hiện, các cảng biển tại Hải Phòng cũng được các chuyên gia đánh giá cao vì đã dần xây dựng được lộ trình cụ thể, phù hợp với thực tiễn phát triển của từng doanh nghiệp để bắt kịp xu thế chuyển đổi xanh. Trong đó, tập trung thúc đẩy sử dụng công nghệ sạch, carbon thấp, thân thiện với môi trường trong hoạt động kinh doanh khai thác cảng biển. Đồng thời, triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng nhằm cải thiện môi trường làm việc.

Song, cho đến nay, quá trình chuyển đổi xanh tại các cảng biển của Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn thiếu sự đồng bộ do thiếu tính kết nối giữa các đơn vị. Chính vì vậy, Hải Phòng vẫn chưa tạo ra được một cuộc “cách mạng” xanh hoá cảng biển trong suốt thời gian qua.

Chọn thời bứt phá

Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26), Việt Nam cùng nhiều quốc gia có cam kết tiến tới Net-Zero vào năm 2050. Dự báo đến 2030, cảng biển, luồng hàng hải nào không xanh sẽ bị hãng tàu loại khỏi danh sách.

Được biết, đến nay có khoảng 60 - 70% số tàu hàng đóng mới trên thế giới chuyển sang sử dụng nhiên liệu xanh. Trong tương lai, 100% số tàu hàng sẽ không sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Các tàu sử dụng nhiêu liệu xanh đòi hỏi cảng phải xanh, tàu dẫn xanh. Do đó, đòi hỏi các cảng cũng phải gấp rút tìm phương án xanh hoá một cách hiệu lực, hiệu quả.

Theo ông Phạm Hồng Minh - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng, doanh nghiệp đang tiếp tục hoàn thiện Dự án xây dựng hai bến cảng số 3, 4 Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện, dự kiến đưa vào khai thác vào năm 2025. Để đón đầu xây dựng cảng theo tiêu chí cảng xanh, 6 cẩu bốc xếp container STS và 24 cẩu bánh lốp RTG phục vụ khai thác bến 3, 4 sử dụng 100% điện lưới, được vận hành bán tự động, tích hợp công nghệ kiểm soát linh hoạt và cabin điều khiển thông minh.

Đồng thời, tập trung đầu tư, phát triển hệ thống công nghệ thông tin tiên tiến nhằm phát triển thành một cảng biển điện tử có quy mô tại khu vực, đưa công nghệ thông tin trở thành hoạt động xương sống trong hoạt động quản trị doanh nghiệp và khai thác cảng, tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Đối với các công ty về công nghệ cũng đang sẵn sàng tiến hành nghiên cứu, sát cánh cùng các doanh nghiệp cảng biển của Hải Phòng nói riêng và Việt Nam nói chung bước vào cuộc đua xanh hóa.

“Hiện, Viettel đang có một số phần mềm, nền tảng liên quan đến kết nối cloud, AI và một số bài toán thông minh hoá quá trình vận hành của cảng. Song, chúng tôi vẫn cần phải hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới để mang những gì tốt nhất về áp dụng cho các khách hàng”, ông Ngọc cho biết thêm.

Bùi Hiền – Hải Ngân