Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện thể chế cho tăng trưởng cao
Tiếp tục phải thực hiện đổi mới và hoàn thiện thể chế là một trong những động lực giúp cho tăng trưởng đạt được kết quả cao.
Đây là một trong những nội dung được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm chia sẻ tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12 năm 2024.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm, tăng trưởng GDP năm 2024 đạt 7,09% đã tạo cơ sở, tiền đề rất quan trọng để triển khai thực hiện các mục tiêu đề ra trong năm 2025. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu tất cả các bộ, ngành, địa phương lên các kịch bản tăng trưởng, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tối thiểu 8%. Trong điều kiện thuận lợi, phấn đấu tăng trưởng 2 con số.
Yêu cầu đặt ra rất cao với các địa phương thường gọi là "đầu tàu, động lực tăng trưởng" như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và một số tỉnh, thành khác. Nếu các địa phương này tăng trưởng cao hơn con số đạt được của năm 2024 sẽ tạo ra động lực tăng trưởng rất lớn.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng trên, với vai trò là cơ quan tham mưu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định: năm 2025 tiếp tục thực hiện đổi mới và hoàn thiện thể chế. Đây là một trong những động lực giúp cho tăng trưởng đạt được kết quả cao.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thứ ba, điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ tiếp tục theo hướng chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả và đồng bộ. Nhìn lại năm 2024, dù thực hiện các chính sách liên quan đến miễn, giảm, giãn, hoãn thuế nhưng đến cuối năm chúng ta vẫn có tăng thu ngân sách, dự kiến khoảng 337 nghìn tỷ. Điều đó cho thấy, nếu tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nguồn thu được nhiều hơn, doanh nghiệp quay trở lại hoạt động và tin tưởng hơn vào nền kinh tế.
Giải pháp này, theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm, cần tiếp tục triển khai trong thời gian tới. Năm 2025, Chính phủ tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng đến hết tháng 6, không chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp mà còn hỗ trợ người dân, kích thích tiêu thụ hàng hóa, kích cầu trong nước.
Thứ tư, làm mới các động lực tăng trưởng, nhất là đầu tư, kích cầu tiêu dùng cũng như xuất nhập khẩu. Trong đó, kế hoạch năm 2025, các bộ, ngành và địa phương sẽ phải thực hiện giải ngân tổng vốn đầu tư công rất lớn: khoảng 295 nghìn tỷ cộng với số vốn chuyển tiếp của năm 2024 theo quy định của pháp luật khoảng hơn 300 nghìn tỷ. “Nếu giải ngân hết số vốn này sẽ tạo động lực thu hút các thành phần kinh tế khác, thúc đẩy tăng trưởng” - Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm nhấn mạnh.
Thứ năm, tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Nghị định 182 của Chính phủ liên quan đến Quỹ hỗ trợ đầu tư. Trong đó chỉ rõ, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là chip và bán dẫn sẽ được thụ hưởng các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư. Nếu tận dụng được nguồn lực này góp phần tạo động lực lớn cho tăng trưởng trong thời gian tới.
Ngoài ra, động lực tăng trưởng cũng đến từ việc đẩy mạnh hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Dự kiến, đến hết năm 2025 cả nước sẽ hoàn thiện được 3000 km đường cao tốc và 1000 km đường ven biển; có nhiều dự án đường cao tốc sẽ nâng quy mô từ 2 làn lên 4 làn, từ 4 làn lên đủ làn theo quy hoạch.
Cuối cùng, xây dựng trung tâm tài chính ở TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Đây là cuộc chơi mới và cách thức mới để Việt Nam thu hút được thêm nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế.