Đề xuất điều chỉnh giá điện 2 tháng/lần: Vẫn còn đó những băn khoăn
Không chỉ quan ngại về tính khả thi, đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân xuống 2 tháng/lần còn để lại không ít băn khoăn…
Theo đó, việc thực hiện cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, hiện đang được thực hiện theo Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg ngày 26/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ (trước đó là Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg). Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ 01/2/2025. Để kịp thời triển khai thi hành Luật, Bộ Công Thương được Chính phủ giao chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, thời gian điều chỉnh, căn cứ lập và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân (thay thế Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg).
Trong Dự thảo Nghị định này, Bộ Công Thương đề xuất, khi giá bán điện bình quân tăng từ 2% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng. Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 2 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.
Lý giải cho đề xuất đã nêu, Bộ Công Thương cho biết, giá bán lẻ điện được phản ánh và điều chỉnh kịp thời theo biến động thực tế của thông số đầu vào, bù đắp chi phí hợp lý, hợp lệ với lợi nhuận hợp lý để bảo toàn, phát triển vốn kinh doanh của doanh nghiệp phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng thời kỳ và cấp độ thị trường điện cạnh tranh; đồng thời phù hợp với chỉ đạo của Thường trực Chính phủ về việc tránh giật cục trong quá trình điều chỉnh giá điện, có thể điều chỉnh nhiều lần trong năm.
“Mặt khác, hiện nay các thông số đầu vào trong tính toán giá điện có sự biến động khá lớn trong thời gian ngắn và cần phải phản ánh kịp thời để hạn chế sự tác động của thông số đầu vào đến mức điều chỉnh giá điện”, Bộ Công Thương cho biết.
Tuy nhiên, nhìn nhận về đề xuất này, không chỉ có các ý kiến quan ngại về tính khả thi, mà việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân xuống 2 tháng/lần còn để lại không ít băn khoăn.
Theo TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội, sau khi đã có Luật Điện lực, có cơ chế mua bán điện trực tiếp, rồi thí điểm tính giá điện 2 thành phần, mà vẫn điều hành giá điện 2 tháng một lần là “hơi lạ”.
“Chính phủ đang nỗ lực xây dựng thị trường điện có cạnh tranh lành mạnh. Thế nên, vấn đề không phải bao lâu điều chỉnh giá điện mà phải bảo đảm yếu tố minh bạch. Giá sản xuất điện hiện vẫn chưa được công khai rõ ràng; giá điều chỉnh chính sách 3 tháng/lần chưa được đánh giá về kết quả tính toán và mới được áp dụng chưa bao lâu, nay lại thay đổi nữa là điều khó hiểu”, vị chuyên gia này bày tỏ.
Đồng thời cho rằng, quy định liên quan về điều hành giá điện có vẻ chưa tương thích với chính sách thúc đẩy phát triển năng lượng xanh, giảm phát thải và mục tiêu có thị trường mua bán cạnh điện tranh. Bởi, nguyên tắc điều chỉnh giá cần gắn với cơ chế cạnh tranh cả đầu vào sản xuất điện và đầu ra là bán điện.
Trong khi đó, khâu truyền tải độc quyền, tức là không thể xác định chi phí khâu này theo cơ chế thị trường cạnh tranh. Không chỉ có vậy, giá năng lượng tái sinh tạo ra theo khung giờ, giá bán ra cũng theo khung giờ và theo cấp độ thụ động.
Còn theo chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong, với những quy định mới mà cơ quan soạn thảo đã đề xuất có thể khiến nhiều người băn khoăn.
Về vấn đề này, TS Nguyễn Minh Phong cho hay, quy định 2-3 tháng điều chỉnh giá điện một lần hay mức điều chỉnh giá điện tăng từ 2-3% không phải là vấn đề quá lo ngại nếu chi phí đó là hợp lý. Điều quan trọng, điều chỉnh giá điện cần đi kèm với trách nhiệm giải trình, kiểm toán và cạnh tranh tự do.
“Điều chỉnh giá cần có lên có xuống, đảm bảo minh bạch chi phí và hiệu quả quản lý. Việc giá điện chỉ tăng sẽ gây bức xúc cho nhiều người, ảnh hưởng đến kinh tế và cạnh tranh”, vị chuyên gia này bày tỏ.
Không chỉ các chuyên gia, liên quan đề đề xuất điều chỉnh giá điện 2 tháng/lần, không ít doanh nghiệp bày tỏ lo ngại chi phí sản xuất sẽ liên tục bị thay đổi, đặc biệt là các ngành tiêu thụ điện lớn như: cơ khí, thép, giấy, hóa chất, xi măng… bởi, giá điện đối với các ngành hàng này là yếu tố quan trọng trong chi phí sản xuất, thường chiếm từ 4 - 15% giá vốn hàng bán.
Được biết, xoay quanh vấn đề này, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương ngày 07/01 vừa qua, ông Nguyễn Quang Minh - Trưởng phòng thị trường điện, Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay chu kỳ điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là tối thiểu 3 tháng.
Do vậy, lộ trình điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ 3 tháng xuống còn 2 tháng, Bộ Công Thương đang giao Cục Điều tiết điện lực xây dựng một Nghị định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện cũng như thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Đây là Nghị định mới sẽ được ban hành đồng thời với thời gian của Luật điện lực, tức thời gian áp dụng là từ ngày 01/02/2025.
Tuy nhiên, việc xây dựng cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân xuống 2 tháng đang là ý tưởng, phía Cục Điều tiết điện lực cũng đã đề xuất phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân 2 tháng để lấy ý kiến các đơn vị. Sau khi tổng hợp các ý kiến, cục sẽ báo cáo Bộ Công Thương tham mưu cơ chế phù hợp tại thời điểm hiện tại cũng như trong thời gian tới.