Thu nhập người dân không theo kịp giá nhà Hà Nội
Giá nhà liên tục thiết lập mặt bằng giá mới khiến cho những người có mức thu nhập cao cũng phải từ bỏ giấc mơ sở hữu nhà.
Thu nhập tăng không bắt kịp giá nhà
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, thu nhập và bình quân cả năm 2024 của người lao động Việt Nam đạt 7,7 triệu đồng/tháng, tăng 8,6% theo năm. Tại khu vực thành thị, con số này là khoảng 9,3 triệu đồng/tháng, tăng gần 7% so với năm 2023. Đáng chú ý, các ngành có thu nhập tốt như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm đều ghi nhận mức tăng lương trên 11%. Bên cạnh đó, lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản cũng có thu nhập tăng đáng kể.
Tuy nhiên, so với tốc độ tăng 36% của giá chung cư Hà Nội, sự chênh lệch giữa mức lương và giá nhà đang ngày càng lớn. Không chỉ người dân có thu nhập trung bình, ngay cả những nhân sự trong ngành tài chính – ngân hàng (thu nhập bình quân khoảng 12,8 triệu đồng/tháng) cũng gần như không đủ tài chính để sở hữu căn chung cư tại Hà Nội.
Báo cáo của CBRE cho thấy, tính đến quý 4/2024, giá bán căn hộ chung cư mới tại Hà Nội cán mốc 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm VAT và kinh phí bảo trì), cao gấp 3 – 5 lần so với mức tăng thu nhập của người dân. Đây cũng là mức tăng kỷ lục trong vòng 8 năm trở lại đây.
Đơn cử, một dự án căn hộ tại huyện Gia Lâm được xem là có giá “mềm” nhất khi chào bán với gần 2,1 tỷ đồng (tương đương khoảng 65 triệu đồng/m2) cho căn studio có diện tích chỉ 33m2. Như vậy, để sở hữu căn studio này, một người lao động trong ngành tài chính sẽ phải dành toàn bộ thu nhập trong hơn 13 năm nếu không chi tiêu cho bất cứ khoản sinh hoạt nào và không vay ngân hàng.
Tương tự phân khúc chung cư, nhà phố và nhà trong ngõ nội thành cũng chứng kiến đà tăng giá “phi mã”. Tại các quận trung tâm thành phố như Hai Bà Trưng, Đống Đa… nhiều căn nhà trong ngõ chỉ đủ ô tô đỗ cửa nhưng được rao bán với giá từ 200 – 300 triệu đồng/m2. Thậm chí, tại một số huyện ven đô như Đông Anh, Hoài Đức… nhà đất mặt đường cũng đã đạt mức 100 – 150 triệu đồng/m2 từ thời điểm giữa năm 2024.
Giấc mơ sở hữu nhà khó thành hiện thực
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) đánh giá, giá nhà tại các đô thị lớn đã sớm vượt quá khả năng chi trả của đại đa số người dân. Đà tăng giá bất động sản gần đây lại nhanh hơn nhiều lần so với tốc độ tăng thu nhập, đặc biệt sau đại dịch Covid-19. Giá căn hộ tại các đô thị lớn liên tục lập mặt bằng mới, cao hơn khoảng 30% so với năm 2019, trong khi nền kinh tế vẫn chật vật phục hồi, khiến khoảng cách giữa thu nhập và giá nhà ngày càng “mênh mông”.
Ông Đính cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng này nằm ở sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung nhà ở phù hợp nhu cầu thực tế. Thị trường hiện chủ yếu tập trung vào phân khúc trung - cao cấp, trong khi nhu cầu thực sự lại tập trung ở nhà ở vừa túi tiền. Ngoài ra, việc đầu cơ cũng “tiếp tay” cho làn sóng tăng giá. Khi các kênh đầu tư khác không ổn định, nhiều người đổ tiền mua bất động sản với tâm lý tích trữ tài sản và kỳ vọng giá sẽ tiếp tục đi lên, dẫn đến tình trạng “bỏ hoang” nhiều bất động sản. Điều này càng làm trầm trọng thêm sự mất cân đối cung - cầu.
Hệ quả là ngay cả những người thu nhập cao, thuộc nhóm 20% dân số có thu nhập tốt nhất, cũng gặp trở ngại lớn trong việc mua nhà. Với các nhóm thu nhập thấp hơn, cơ hội sở hữu nhà gần như không còn, nhất là khi đà tăng giá chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo cách tính toán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), giá nhà được xem là hợp lý khi không vượt quá 30 năm thu nhập của một hộ gia đình, bởi nếu quá 30 năm, thị trường bất động sản sẽ xuất hiện dấu hiệu “bong bóng”. TS Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng Việt Nam đã chạm ngưỡng khoảng 60 năm nên mức giá nhà hiện nay là chưa hợp lý. Do đó, doanh nghiệp cần tính toán, đưa ra mức giá hợp lý hơn để duy trì sự phát triển bền vững cho thị trường địa ốc.
Trước thực trạng trên, việc giảm giá nhà và gia tăng các dự án nhà ở vừa túi tiền được bà Dương Thùy Dung - Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho là “bài toán” khó, đặt ra nhiều thách thức lớn cho các doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Bởi 90% nguồn cung trên thị trường năm 2025 vẫn đến từ phân khúc cao cấp và hạng sang.
“Với tình hình hiện nay, thị trường chưa có bất kỳ yếu tố hay điều kiện nào để giá nhà có thể giảm trong ngắn hạn, còn yếu tố khiến giá tăng lại rất nhiều như bảng giá đất mới, chi phí đất, lao động, xây dựng, vận chuyển...”.
Theo bà Dung, một trong những giải pháp để kiềm chế đà tăng giá là đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, giãn dân ra các khu vực xa trung tâm. Dù đã có một số tín hiệu tích cực, nhưng tác động cụ thể sẽ cần nhiều năm để phát huy. Thực tế, tính đến hết quý 3/2024, tăng trưởng tín dụng cho vay nhà ở mới chỉ đạt 4,6%, cho thấy tâm lý e ngại của người mua trước “cơn bão giá” bất động sản.