Lạm phát năm 2025: Kiểm soát được nhưng nhiều thách thức
Lạm phát năm 2025 tại Việt Nam được dự báo sẽ được kiểm soát ở mức 3-4,5%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Tuy vậy, dự báo cũng cho thấy sẽ có nhiều thách thức.
Các yếu tố quyết định mức lạm phát năm 2025
Phát biểu của TS. Nguyễn Đức Độ Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) tại hội thảo "Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2024 và dự báo năm 2025", diễn ra ngày 9/1/2025 cho thấy sự lạc quan thận trọng về khả năng kiểm soát lạm phát năm 2025 của Việt Nam. Dự báo mức tăng trưởng kinh tế thế giới ổn định và xu hướng giảm nhẹ của giá dầu, nguyên liệu đầu vào là những tín hiệu tích cực.
Theo đó, bên cạnh các yếu tố về tiền tệ, tỷ giá, lạm phát trong năm 2025 còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như tăng trưởng kinh tế thế giới và giá dầu, giá nguyên vật liệu đầu vào. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, kinh tế thế giới trong năm 2025 vẫn tăng trưởng ổn định với mức 3,2%, tương đương năm 2024, còn giá dầu và giá các hàng hóa cơ bản đầu vào, tính trung bình, có xu hướng giảm nhẹ. Tuy nhiên, tỷ giá và lãi suất sẽ là các yếu tố còn nhiều bất định và tác động đến giá cả ở Việt Nam.
TS. Độ nhấn mạnh: “Với chính sách tiền tệ và tỷ giá ổn định, hợp lý, Việt Nam đã kiểm soát được lạm phát ở mức dưới 4% trong suốt một thập kỷ gần đây. Trong năm 2025 nhiều khả năng lạm phát trung bình sẽ tiếp tục được kiểm soát ở mức 3% (+/- 0,5%), thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4-4,5% được Quốc hội thông qua”.
Trong khi đó, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, những yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá năm 2025 là dự báo tình hình thế giới năm 2025, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, các nước sẽ có những điều chỉnh chính sách nhất định theo diễn biến của tình hình chung... Từ đó, sẽ tác động đến biến động giá các mặt hàng chiến lược trên thế giới.
Cùng với đó, tỷ giá VND/USD duy trì ở mức cao là một yếu tố quan trọng khiến chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu gia tăng, đẩy giá các sản phẩm nhập khẩu lên cao, điều này có thể tạo ra những tác động dây chuyền đối với nhiều ngành sản xuất trong nước. Rủi ro từ thiên tai và biến đổi khí hậu cũng là yếu tố không thể bỏ qua, khi chúng có thể ảnh hưởng đến mùa màng và cung ứng hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm.
Theo Cục Quản lý giá, Việt Nam có thể giảm bớt áp lực từ các yếu tố này nhờ vào một số yếu tố thuận lợi. Một trong số đó là lạm phát toàn cầu có xu hướng hạ nhiệt, giúp giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu. Ngoài ra, sự ổn định của nguồn cung lương thực trong nước cũng sẽ giúp giảm thiểu tình trạng khan hiếm, đồng thời duy trì mức giá ổn định cho các sản phẩm thiết yếu. Chính sách thuế của Chính phủ, như việc giảm thuế VAT và thuế môi trường đối với xăng dầu, cũng góp phần giảm chi phí sản xuất và từ đó hỗ trợ kiểm soát giá cả.
Để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát như Quốc hội đề ra, Cục Quản lý giá nhấn mạnh rằng công tác quản lý và điều hành giá trong năm 2025 sẽ cần phải có sự linh hoạt và chủ động trong việc theo dõi và điều chỉnh các yếu tố tác động từ bên ngoài. Điều này bao gồm việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với các dịch vụ công và hàng hóa do Nhà nước quản lý khi điều kiện cho phép, đồng thời thúc đẩy công tác thi hành các chính sách về giá, đặc biệt là từ 01/7/2024 theo Luật Giá năm 2023.
Đặc biệt, một yếu tố quan trọng trong công tác điều hành giá là việc theo dõi sát sao các diễn biến từ thị trường thế giới, bao gồm giá các hàng hóa chiến lược và tình hình kinh tế toàn cầu. Những yếu tố này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả trong nước, vì vậy việc dự báo và ứng phó kịp thời với các biến động của tình hình kinh tế thế giới và các căng thẳng địa chính trị là rất cần thiết. Cục Quản lý giá sẽ phải đưa ra các biện pháp linh hoạt, kịp thời để đối phó với những tác động có thể xảy ra, từ đó đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm 2025.
Bộ Tài chính, trong nỗ lực kiểm soát lạm phát và ổn định giá cả, tiếp tục rà soát và thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công và các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường. Việc này sẽ được tiến hành cẩn trọng để đánh giá và tính toán kỹ tác động nhằm tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả, không ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân.
Đồng bộ giải pháp kiểm soát lạm phát
Cho ý kiến về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long chỉ ra một số yếu tố quan trọng cần kiểm soát trong năm 2025 để đảm bảo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) không tăng đột biến. Các mặt hàng chiến lược như xăng dầu, điện, thực phẩm và thuốc men, nếu không được kiểm soát chặt chẽ, có thể tác động mạnh đến lạm phát và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân. Vì vậy, việc duy trì mức giá hợp lý cho các mặt hàng này là vô cùng quan trọng trong công tác kiểm soát CPI.
Bên cạnh đó, việc sử dụng các biện pháp can thiệp từ dự trữ quốc gia là cần thiết khi có những biến động lớn hoặc khan hiếm hàng hóa. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng lưu ý rằng sự can thiệp này phải thận trọng để không làm gián đoạn thị trường và giảm động lực đầu tư của doanh nghiệp.
Mặt khác, việc phát triển sản xuất và chuỗi cung ứng nội địa là một yếu tố không thể thiếu trong việc kiểm soát lạm phát. Nếu Việt Nam có thể giảm phụ thuộc vào nhập khẩu và tăng cường năng lực sản xuất trong nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, sẽ giúp đảm bảo nguồn cung ổn định và giảm thiểu tác động của các yếu tố bên ngoài như biến động tỷ giá và giá cả quốc tế. Đây là một hướng đi dài hạn và đòi hỏi nhiều nỗ lực trong việc cải thiện năng lực sản xuất, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và đầu tư vào công nghệ sản xuất. Tuy nhiên, một thách thức lớn là cần có thời gian và nguồn lực đáng kể để đạt được những kết quả này.
“Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế bền vững trong năm 2025. Các biện pháp nêu trên có khả năng kiểm soát CPI một cách hiệu quả nếu được thực hiện đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, một số biện pháp như kiểm soát giá cả hoặc tăng lãi suất có thể tạo áp lực lên doanh nghiệp và giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế”. - Ông Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Sự kết hợp giữa tăng trưởng GDP cao và lạm phát thấp trong năm 2024 có thể xem là một thành công trong công tác điều hành kinh tế của Việt Nam. Mặc dù có sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế (7,09% so với năm 2023), lạm phát chỉ tăng 3,63%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra, điều này cho thấy chính phủ đã thực hiện các biện pháp hiệu quả để kiểm soát giá cả và duy trì ổn định vĩ mô.
Theo TS Lê Quốc Phương, một yếu tố quan trọng giúp kiểm soát lạm phát là mức giá toàn cầu tăng thấp và lạm phát thế giới hạ, điều này đã giảm bớt áp lực giá nhập khẩu vào Việt Nam. Mặc dù nền kinh tế tăng trưởng mạnh, nhưng cầu nội địa vẫn ở mức thấp nhất kể từ năm 2022, do người dân cắt giảm chi tiêu trong bối cảnh thắt chặt tài chính cá nhân, điều này cũng giúp làm giảm áp lực tăng giá do nhu cầu tiêu dùng thấp.
Về giá cả hàng hóa, đặc biệt là lương thực-thực phẩm, Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất nông sản lớn, và nguồn cung luôn ổn định. Điều này giúp giá cả các mặt hàng này không tăng cao, trừ những thời điểm ngắn hạn khi có thiên tai như cơn bão Yagi vào tháng 9-2024. Mặt khác, chính sách điều hành của Nhà nước đối với giá năng lượng (xăng, dầu, điện, than) cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giữ cho giá cả các mặt hàng thiết yếu không tăng mạnh.
Tuy nhiên, có thể thấy rằng sự ổn định này không chỉ là kết quả của việc điều hành thành công từ Chính phủ mà còn đến từ yếu tố bên ngoài như sự giảm giá trên thị trường thế giới và tình hình tiêu dùng trong nước. Dù vậy, Việt Nam vẫn cần tiếp tục duy trì chiến lược phát triển bền vững để đảm bảo các yếu tố vĩ mô này tiếp tục ổn định trong những năm tới.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), cũng chỉ ra một trong những yếu tố quan trọng giúp duy trì lạm phát thấp trong năm 2024 chính là việc các doanh nghiệp, trong bối cảnh khó khăn chung, đã chủ động không tăng giá hàng hóa để duy trì sức cạnh tranh. Điều này cho thấy một sự điều chỉnh chiến lược từ phía doanh nghiệp, khi họ lựa chọn giảm lợi nhuận thay vì nâng giá để giữ vững thị trường trong tình hình kinh tế khó khăn.
Cùng với đó, các chính sách miễn, giảm thuế và lệ phí của Chính phủ cũng đóng vai trò tích cực trong việc giảm bớt áp lực lên giá cả. Các biện pháp này không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn mà còn gián tiếp giảm gánh nặng cho người tiêu dùng, từ đó góp phần kiểm soát lạm phát.
Ngoài ra, điều hành thận trọng giá cả các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu do Nhà nước quản lý cũng là một yếu tố quan trọng trong việc duy trì sự ổn định giá cả. Chính phủ đã thực hiện các chính sách điều hành hợp lý và linh hoạt trong việc kiểm soát giá cả, đặc biệt là trong bối cảnh các mặt hàng chiến lược như năng lượng, thực phẩm, và thuốc men có thể gây ra áp lực lớn đối với lạm phát.
Có thể khẳng định, mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4,5% vào năm 2025 là một mục tiêu khả thi, nhưng việc đạt được nó sẽ phụ thuộc vào sự thực hiện đồng bộ và linh hoạt của các giải pháp điều hành giá cả và chính sách kinh tế.
Và để đạt mục tiêu này, cần có sự kết hợp giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và chính sách giá cả, với mục tiêu duy trì ổn định vĩ mô mà không gây cản trở đến hoạt động sản xuất và kinh doanh. Đồng thời, cần linh hoạt điều chỉnh các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng trong những thời điểm khó khăn, đồng thời duy trì sự ổn định của các mặt hàng thiết yếu như năng lượng, thực phẩm và thuốc men, tránh gây ra những đợt tăng giá đột biến có thể ảnh hưởng đến lạm phát.
Một yếu tố quan trọng khác là tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế bền vững. Điều này đòi hỏi phải duy trì môi trường kinh tế ổn định, đồng thời thúc đẩy các ngành sản xuất trong nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp chế biến và dịch vụ. Bằng cách giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu và nâng cao năng lực sản xuất trong nước, Việt Nam có thể giảm được áp lực lạm phát do sự biến động của tỷ giá và giá cả quốc tế.