Hà Nội đứng đầu thế giới về ô nhiễm: Tâm lý học giúp chúng ta thay đổi thế nào?
Các chuyên gia tâm lý học từ Đại học RMIT gợi mở cách kết hợp thay đổi hành vi của cá nhân và tập thể nhằm giúp Hà Nội thoát mác “thành phố ô nhiễm nhất thế giới”.
Gần đây Hà Nội đã trở thành thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới sau nhiều năm liên tục đứng trong top đầu toàn cầu. Đây không chỉ là “vấn nạn” của thủ đô mà là của toàn quốc, khi Việt Nam được nêu tên là quốc gia ô nhiễm thứ hai trong ASEAN theo Báo cáo chất lượng không khí thế giới năm 2023 của IQAir.
Ô nhiễm không khí xuất phát từ nhiều nguồn như công nghiệp, xây dựng, sản xuất, đốt rác và giao thông. Vậy, mỗi cá nhân có thể làm gì để thúc đẩy thay đổi? Hai nhà tâm lý học tại Đại học RMIT Việt Nam, Thạc sĩ Vũ Bích Phượng và Tiến sĩ Katrina Phillips, tin rằng thay đổi là hoàn toàn có thể nếu chúng ta biết áp dụng các nguyên tắc tâm lý học vào thực tế một cách hợp lý.
“Tất cả mọi người không cần phải đồng thời thay đổi, bởi một vài hành động nhỏ có thể lan tỏa thành thay đổi lớn khi đạt đến điểm bùng phát. Nghiên cứu cho thấy chỉ cần có ít nhất 3,5% cộng đồng* cam kết thực hiện một hành vi mới, thay đổi có ý nghĩa sẽ diễn ra”, Tiến sĩ Katrina Phillips cho biết.
Tại sao chúng ta vẫn duy trì những thói quen có hại?
Thạc sĩ Vũ Bích Phượng cho biết, một thói quen chung tại Việt Nam nên sớm được thay đổi là phụ thuộc quá nhiều vào phương tiện cá nhân.
Xe cá nhân mang lại lợi ích tức thời như tốc độ, sự tiện lợi và không mất thời gian chờ đợi, mà con người thì thường ưu tiên thỏa mãn nhu cầu ngắn hạn hơn là lợi ích dài hạn. Việc giải quyết nhu cầu ngắn hạn như vậy mang lại cảm giác thỏa mãn ngay lập tức cho bộ não con người, và cũng là điểm khởi đầu của các thói quen xấu: một khi cảm thấy hài lòng, chúng ta sẽ tiếp tục lặp lại hành vi đó, cho đến khi nó trở nên tự động và không cần nhiều chủ ý nữa.
Do đó, “con người thường tối ưu hóa việc đạt được kết quả ngay lập tức, mặc dù trì hoãn sự thỏa mãn thực ra sẽ tốt hơn cho chúng ta”, Tiến sĩ Phillips giải thích.
Não bộ con người có cơ chế hình thành các thói quen để xử lý thông tin nhanh gọn hơn. Thạc sĩ Phượng diễn giải: “Thói quen giúp chúng ta tiết kiệm năng lượng cho não bằng cách tự động hóa các quyết định. Ngược lại, tiến trình suy nghĩ và lập kế hoạch có ý thức, chẳng hạn như chọn xe buýt thay vì xe máy, xảy ra ở vỏ não trước trán, một vùng não tiến hóa hơn ở con người nhưng cũng tiêu thụ nhiều năng lượng hơn”.
Dần dần, khi một hành vi được lặp đi lặp lại, bộ não sẽ học cách tạo ra “lối tắt” để chuyển việc ra quyết định từ vỏ não trước trán (nơi cần tiêu thụ nhiều năng lượng) sang thể vân lưng (trung tâm thói quen của não). Phá vỡ vòng lặp này là rất khó nhưng vẫn có thể thực hiện được.
Thay đổi thói quen đòi hỏi nhiều hơn là ý chí
Nghiên cứu cho thấy việc thay đổi một hành vi quen thuộc cần nhiều hơn hướng tiếp cận đơn lẻ; nó đòi hỏi một chiến lược toàn diện và bao hàm nhiều cấp độ để cân nhắc toàn bộ bối cảnh mà hành vi đó xảy ra. Theo Thạc sĩ Phượng, các biện pháp can thiệp ở cấp độ cá nhân, cộng đồng và quốc gia cần được đồng thời triển khai. Ở cấp độ cá nhân, các lý thuyết hành vi cổ điển trong tâm lý học có thể được sử dụng để phá vỡ thói quen cũ. Mặc dù các lối tắt dễ dàng được hình thành trong não, chúng không phải là bất biến - ta có thể "đập đi xây lại" hành vi thông qua các cơ chế tương tự để thúc đẩy thói quen mới.
Cung cấp phần thưởng cho những hành động cần khuyến khích (như nhận ưu đãi khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng) có thể củng cố thói quen mới. Ngược lại, hình phạt hoặc biện pháp ngăn chặn (như thu phí phương tiện cá nhân hoặc phí đỗ xe cao hơn) có thể ngăn chặn những hành vi không mong muốn. Sự nhất quán và lặp lại là chìa khóa để duy trì động lực và hình thành thói quen tích cực.
Tuy nhiên, động lực cá nhân thôi là chưa đủ – cần thiết phải có sự hỗ trợ từ cộng đồng. Các lựa chọn thay thế bền vững hơn (như hệ thống giao thông công cộng chất lượng) cần phải trở nên tiện lợi và dễ tiếp cận hơn thì mới hấp dẫn người dùng.
Chuẩn mực và hình mẫu xã hội cũng đóng vai trò nhất định. Chúng ta có thể định hình lại thái độ chung của xã hội bằng cách tăng cường mô tả phương tiện giao thông công cộng như một lối sống hiện đại và có trách nhiệm.
Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng nhận thức đơn thuần không thúc đẩy hành động. "Chúng ta đã qua giai đoạn nâng cao nhận thức toàn dân. Giờ là lúc cần các biện pháp can thiệp có cấu trúc và dựa trên bằng chứng khoa học để khắc phục hành vi trì hoãn hiện nay", Thạc sĩ Phượng nhận định.
Các vấn đề chính sách
Ở cấp độ quốc gia, hành lang quy định, cơ sở hạ tầng và truyền thông minh bạch là chìa khóa quan trọng. Việc ra mắt thành công các tuyến metro đầu tiên tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cho thấy người dân Việt Nam rất sẵn sàng và mong muốn đón nhận thay đổi tích cực khi những chủ trương này được triển khai tốt. "Giờ là lúc tăng tốc dựa trên đà có sẵn", Thạc sĩ Phượng nói.
Đối với những ai chưa sẵn sàng chuyển đổi hoàn toàn sang phương tiện giao thông công cộng, việc Chính phủ hỗ trợ phổ biến các loại xe sử dụng năng lượng thay thế sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi sang phương tiện giao thông bền vững.
Tuy nhiên, chiến lược quy hoạch cơ sở hạ tầng phải được kết hợp với truyền thông rõ ràng, minh bạch để nêu rõ lợi ích, các nguy cơ gián đoạn và tác động lâu dài của cải tổ giao thông. Người dân sẽ cam kết hơn với quyết định của mình nếu họ thấy rõ được lợi ích.
Những khuyến nghị này được dựa trên mô hình Bánh xe thay đổi hành vi của Giáo sư Susan Michie và cộng sự năm 2011 – một khuôn khổ lý thuyết toàn diện tích hợp các can thiệp cá nhân, xã hội và chính sách để thay đổi hành vi. Mô hình can thiệp dựa trên chứng cứ này đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và UNICEF áp dụng để phát triển các sáng kiến thay đổi hành vi về sức khỏe và môi trường trên quy mô lớn.
Các nguyên lý hành vi trong tâm lý học không hoàn toàn mới, chúng đã được áp dụng xuyên suốt qua nhiều thập kỷ trong các bối cảnh khác nhau nên có nhiều bằng chứng khoa học. Tuy nhiên, thay đổi hành vi vì môi trường là một trường hợp đặc biệt khó bởi nó bao hàm rất nhiều bên liên quan. “Do đó, chúng ta cần triển khai phối hợp, triệt để và nhất quán để có thể thay đổi hành vi dài hạn”, Thạc sĩ Phượng cho biết.
Mặc dù cả hai giảng viên RMIT đều đánh giá cao phong trào sử dụng phương tiện giao thông công cộng gần đây, họ cũng nhấn mạnh đến tính bao trùm. Việc thay đổi hành vi có thể ảnh hưởng không cân xứng đến một số nhóm dân số nhất định, như người có thu nhập thấp, người khuyết tật và dân cư ở nông thôn. Đó là lý do tại sao việc lập kế hoạch mang tính bao trùm và tạo điều kiện tiếp cận nguồn lực một cách công bằng là yêu cầu tiên quyết để thúc đẩy thay đổi rộng rãi và bền vững.
Là một ngành khoa học, tâm lý học cung cấp những hiểu biết có giá trị để thấu hiểu hành vi tập thể và thúc đẩy sự thay đổi.
"Trong tương lai, tôi hy vọng các nhà tâm lý học sẽ tham gia nhiều hơn vào việc giải quyết những thách thức cấp bách nhất của xã hội, cũng như có thêm nhiều cơ hội sử dụng chuyên môn để hỗ trợ quá trình hoạch định chính sách nhằm thúc đẩy thay đổi hành vi", Thạc sĩ Phượng kết luận.