“Mối tình” Apple và Indonesia có nguy cơ tan vỡ?
Dự án đầu tư trị giá lên tới 1 tỷ USD của Apple vào Indonesia có nguy cơ bị đổ bể vào phút chót khi cả hai không tìm được tiếng nói chung.
Giám đốc điều hành của Apple, người dẫn đầu các cuộc đàm phán với Indonesia nhằm dỡ bỏ lệnh cấm bán iPhone 16 tại quốc gia này, đã rời Jakarta vào thứ Tư, sau khi một bộ trưởng của nước này đã thay đổi quyết định vào phút chót khiến thỏa thuận bị hủy bỏ, theo những người hiểu rõ vấn đề này cho biết.
Nick Amman, Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Apple, đã ra về tay trắng, mặc dù Tổng thống Indonesia, ông Prabowo Subianto vào tháng trước đã chỉ đạo các bộ trưởng của mình chấp nhận lời đề nghị đầu tư 1 tỷ USD của Apple và chấm dứt câu chuyện dài dòng này.
Câu chuyện này bắt đầu bằng việc Indonesia đã cấm bán iPhone 16, thiết bị hàng đầu của Apple vào tháng 10 năm ngoái, với lý do Apple đã không tuân thủ các yêu cầu sản xuất trong nước đối với điện thoại thông minh và máy tính bảng.
Tháng trước, tờ Bloomberg đưa tin, Apple đã đưa ra đề nghị trị giá 1 tỷ USD, bao gồm một trong những nhà cung cấp của họ sẽ thành lập một nhà máy trên đảo Batam để sản xuất AirTags cũng như hỗ trợ tài chính cho các học viện địa phương trang bị cho sinh viên các kỹ năng công nghệ như lập trình.
Nhưng, bất chấp đèn xanh của Tổng thống Prabowo, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Indonesia, ông Agus Gumiwang Kartasasmita đã quyết định duy trì lệnh cấm trong các cuộc đàm phán tuần này. Ông nói với Amman và phái đoàn Apple rằng công ty của Mỹ cần phải thực hiện một quy định của địa phương yêu cầu họ phải sản xuất một phần iPhone hoặc các thành phần của iPhone tại đất liền.
Theo những người hiểu rõ vấn đề này, những người yêu cầu được giấu tên khi thảo luận vấn các vấn đề riêng tư, ám chỉ đến động lực quyền lực nội bộ đang diễn ra trong chính phủ mới của Indonesia. Nó cũng phản ánh những thách thức mà các công ty toàn cầu phải đối mặt khi muốn tiếp cận nhóm người tiêu dùng khổng lồ ở các nền kinh tế đang phát triển, nhưng phải đối mặt với chính trị địa phương bất ổn và ngày càng theo chủ nghĩa dân tộc.
Đại diện của Apple không trả lời yêu cầu bình luận. Văn phòng Tổng thống và người phát ngôn của Bộ Công nghiệp cũng không trả lời yêu cầu bình luận.
Trên thực tế, Tổng thống Prabowo đã nồng nhiệt chào đón đề xuất mở rộng của Apple, bao gồm cả tiền để thành lập một nhà máy ở Bandung, sản xuất các loại phụ kiện khác, sau khi được thông báo về đề xuất này vào cuối tháng trước. Tại cuộc họp đó, ông Prabowo đã bật đèn xanh cho chính phủ chấp nhận đề nghị của Apple và thúc giục nội các của mình cố gắng và có được nhiều khoản đầu tư hơn trong tương lai. Tổng thống Prabowo đã chỉ đạo Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Airlangga Hartarto dẫn đầu và hoàn tất thỏa thuận, nhưng ông Kartasasmita là người khăng khăng yêu cầu Apple đáp ứng yêu cầu sản xuất tại địa phương trước khi lệnh cấm được dỡ bỏ.
Bộ Điều phối Kinh tế Indonesia cũng không trả lời yêu cầu bình luận. Hiện tại, nhóm kỹ thuật của Bộ trưởng Kartasasmita đang xử lý các cuộc đàm phán. Ông Kartasasmita cũng là bộ trưởng đứng sau việc thực hiện một quy định nhập khu gây tranh cãi được áp dụng vào đầu năm ngoái, khiến cả các công ty trong và ngoài nước tức giận vì quy định này hạn chế nhập khu hàng nghìn sản phẩm từ Macbook đến lốp xe ô tô.
Trong khi Nick Amman, phó chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Apple đã rời khỏi Indonesia, các thành viên khác trong nhóm của ông vẫn ở Jakarta để tham gia đàm phán. Cuộc chiến giằng co giữa Apple và chính phủ Indonesia đã làm nổi bật những nỗ lực của quốc gia này nhằm gây sức ép buộc các công ty quốc tế tăng cường sản xuất trong nước nhằm tạo việc làm và thúc đẩy các ngành công nghiệp trong nước.
Những người chỉ trích cho rằng những chiến thuật mạnh tay như vậy của Indonesia có nguy cơ ngăn cản các công ty khác mở rộng sự hiện diện hoặc thiết lập dấu ấn ngay từ đầu, đặc biệt là những công ty đang tìm cách tách khỏi Trung Quốc. Indonesia đang có một thị trường lên tới 278 triệu người tiêu dùng, trong đó hơn một nửa dưới 44 tuổi và am hiểu công nghệ.