Muốn phát triển khởi nghiệp cần xây dựng hệ sinh thái kinh doanh bền vững
Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025 chỉ rõ "Khoa học, công nghệ và ĐMST” chưa thực sự trở thành động lực quan trọng, đột phá.
Luật Thủ đô ra đời xác định cần phải phát triển đồng bộ các lĩnh vực khoa học và công nghệ; ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo chuyển đối số, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực.
Điểm c khoản 3 Điều 23 trong Luật Thủ đô 2024 đã nêu rõ: “Doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ, cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được nhận chuyển giao không bồi hoàn tài sản, kết quả, sản phẩm hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Thành phố khi đáp ứng đủ điều kiện về năng lực ứng dụng, phát triển kết quả, sản phẩm để phục vụ quản lý, phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô”.
Cơ chế này sẽ góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến xử lý tài sản là kết quả nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định của Nghị định số 70/2018/NĐ-CP. Điều này sẽ góp phần tạo thuận lợi cho việc đưa các kết quả nghiên cứu vào ứng dụng thực tiễn.
Chính những quy định, cơ chế mới này một lần nữa giúp cho các chuyên gia, nhà khoa học trên địa bàn thành phố được gia tăng cơ hội hợp tác cùng doanh nghiệp khởi nghiệp để nghiên cứu, ươm tạo công nghệ, phát triển sản phẩm, dịch vụ mới. Từ đó, góp phần đẩy mạnh việc hình thành các spin-off từ trường đại học, viện nghiên cứu; góp phần tăng thu nhập, tạo động lực tiếp tục nghiên cứu, phát triển ý tưởng công nghệ, sản phẩm mới.
Để Hà Nội chủ động liên kết, dẫn dắt Vùng Thủ đô, tạo hiệu ứng lan tỏa, tương xứng với tiềm năng và vị thế vốn có, Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định việc liên kết, phát triển vùng của thành phố Hà Nội không chỉ giới hạn trong phạm vi 10 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Vùng Thủ đô như hiện nay, mà còn bao hàm cả việc liên kết, phát triển với các địa phương khác trong Vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng trung du miền núi phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác.
Ngoài trách nhiệm bình đẳng với các địa phương khác tham gia chương trình, dự án liên kết phát triển vùng, chính quyền thành phố Hà Nội còn có trách nhiệm chủ trì phối hợp đề xuất, triển khai thực hiện chương trình, dự án liên kết phát triển vùng trong từng lĩnh vực. Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội bảo đảm cân đối ngân sách triển khai thực hiện chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng.
Với những cơ chế, chính sách vượt trội, có tính đột phá trong Luật Thủ đô (sửa đổi) hy vọng Hà Nội sẽ khắc phục những bất cập hiện hữu, chủ động phối hợp với các tỉnh, thành khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực để xây dựng, phát triển Thủ đô xứng tầm vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy Vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.