Blackrock rút khỏi liên minh khí hậu, ESG đối mặt nỗi lo lớn
Tiếp bước các ngân hàng lớn của Mỹ, Blackrock tiếp tục là cái tên lớn tiếp theo trong giới tài chính rút khỏi các nhóm về khí hậu đa quốc gia.
Giới tài chính Mỹ ồ ạt rút lui
Từng là biểu tượng của phong trào đầu tư ESG (môi trường, xã hội và quản trị), Blackrock - công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, vừa thông báo chính thức rút khỏi sáng kiến Net Zero Asset Managers, một nhóm quốc tế gồm các công ty quản lý tài sản cam kết hỗ trợ mục tiêu đạt mức phát thải khí nhà kính bằng không vào năm 2050.
Hành động của Blackrock tiếp theo hàng loạt đợt rút lui của giới nhà băng Mỹ khỏi các chương trình Net Zero khi Tổng thống đắc cử Donald Trump đang hướng tới lễ nhậm chức Tổng thống thứ 46 của Mỹ.
Trước đó một ngày, JPMorgan Chase đã thông báo rời khỏi Liên minh Ngân hàng Net Zero (NZBA), hoàn tất làn sóng rút lui của sáu ngân hàng lớn tại Mỹ chỉ trong một tháng, bên cạnh Goldman Sachs, Wells Fargo, Citigroup, Bank of America và Morgan Stanley. Liên minh do Liên hợp quốc thành lập đã ghi nhận giảm 12.000 tỷ USD giá trị sau các cuộc ra đi này.
Động thái đi ngược lại phong trào Net Zero này diễn ra sau áp lực từ các chính trị gia Đảng Cộng hòa, với cáo buộc rằng tham gia các liên minh như vậy có thể vi phạm quy tắc chống độc quyền.
“Việc tham gia một số tổ chức này đã gây nhầm lẫn về các hoạt động của BlackRock và khiến chúng tôi phải đối mặt với các cuộc điều tra pháp lý từ nhiều quan chức công quyền,” Phó Chủ tịch Philipp Hildebrand viết trong một lá thư gửi khách hàng.
Các nhóm bảo thủ ở Mỹ đã công kích BlackRock sau khi quỹ này đẩy mạnh phong trào ESG từ năm 2020. Các bang như Texas, Oklahoma đã từng đệ đơn kiện BlackRock, cáo buộc rằng việc công ty tham gia các nhóm liên minh khí hậu đã vi phạm nghĩa vụ ủy thác đối với nhà đầu tư. Với việc Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ, sức ép đối với các ngân hàng và quỹ đầu tư của Mỹ dự kiến sẽ ngày càng nặng nề. Tổng thống đắc cử từng gọi biến đổi khí hậu là “một trò lừa đảo” và dự kiến sẽ bãi bỏ các quy định liên quan.
Đối thủ Vanguard Group đã rút khỏi liên minh này vào cuối năm 2022, và một số ngân hàng lớn của Mỹ đã rút khỏi một liên minh tương tự trong tháng qua.
Thị trường tài chính xanh chịu áp lực
Những động thái từ các tổ chức lớn như BlackRock, Vanguard, và các ngân hàng như Citigroup khi rút lui khỏi các liên minh khí hậu đã tạo ra sự hoài nghi trong cộng đồng đầu tư. Điều này có thể làm giảm hàng chục tỷ USD dòng vốn vào các dự án xanh trong vòng 2 năm tới.
Sự rút lui của các ngân hàng lớn khỏi các liên minh bền vững, như Net-Zero Banking Alliance, đã khiến các dự án năng lượng tái tạo đối mặt với thách thức lớn trong việc tìm nguồn tài trợ. Đối với những khoản vay khả thi, lãi suất có thể cao hơn khi giới đầu tư đòi hỏi mức lợi tức cao hơn từ các dự án bền vững.
Dù đối mặt với môi trường chính trị không thuận lợi, các nhà đầu tư và doanh nghiệp vẫn cam kết với các dự án liên quan đến khí hậu có lợi ích kinh doanh rõ ràng. Tuy nhiên, dự kiến sẽ có xu hướng "greenhushing" – tức là các công ty tiếp tục thực hiện các sáng kiến ESG nhưng không công bố rộng rãi để tránh tranh cãi.
BlackRock tuyên bố dù rút khỏi liên minh khí hậu, nhưng quỹ này vẫn quản lý hơn 1 nghìn tỷ USD tài sản mà họ gọi là các khoản đầu tư bền vững và liên quan đến chuyển đổi cho khách hàng.
“Năm 2024, nền tảng của chúng tôi vượt mức 1 nghìn tỷ USD tài sản được quản lý, tăng khoảng 850% trong năm năm qua… Nó được hỗ trợ bởi danh mục giải pháp bền vững rộng nhất trong ngành,” WSJ dẫn lời phát ngôn viên của BlackRock, Ed Sweeney, trong một tuyên bố.