Quảng Nam xác định giải pháp hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội
Quảng Nam sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư, thúc tiến độ các dự án trọng điểm,... để đạt mục tiêu phát triển 2 con số.
Ông Lê Văn Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam vừa có kết luận chỉ đạo về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong năm 2025. Các kế hoạch được đề ra được đánh giá sẽ góp phần tạo động lực để hoan thành mục tiêu phát triển 2 con số.
Trong năm 2024, tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) tại Quảng Nam ước tính tăng 7,1% (năm 2023 âm 8,37%), trong đó sản xuất công nghiệp phục hồi ấn tượng khi tăng 13,5%. Quy mô nền kinh tế Quảng Nam năm 2024 đạt gần 129 nghìn tỉ đồng, tăng gần 16,5 nghìn tỉ đồng so với năm 2023 và cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp, du lịch dịch vụ luôn tăng cao, trong khi đó, tỷ trọng nông nghiệp có xu hướng giảm.
Thông tin trong kết luận của ông Dũng, GRDP bình quân đầu người tại Quảng Nam năm 2024 hơn 84 triệu đồng, tăng 10 triệu đồng so với năm 2023. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tích cực, ước đạt 27.594 nghìn tỷ đồng, đạt 116,92% dự toán và tăng 10,09% so với cùng kỳ
Chủ tịch tỉnh Quảng Nam nêu vấn đề: “Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tuy có tăng trưởng khá nhưng chưa đạt kế hoạch, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu. Thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia và phục hồi, phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Doanh nghiệp của tỉnh vẫn gặp khó khăn với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường nhiều hơn số doanh nghiệp thành lập mới; Công tác quản lý khoáng sản còn hạn chế; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại nhiều địa phương còn ách tắc, chậm trễ. - Xảy ra một số sai phạm trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, đầu tư, giá đất, khoáng sản,... mà các Đoàn Kiểm tra, Thanh tra đã chỉ ra”.
Từ đây, tỉnh Quảng Nam đặt ra mục tiêu cho năm 2025 với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP giá so sánh 2010) tăng 9,5-10%, tỷ lệ vốn đầu tư/GRDP chiếm trên 32%. Đồng thời, thu ngân sách trên địa bàn đạt 25.000 tỉ đồng, trong đó thu nội địa đạt 20.800 tỉ đồng.
Để hiện thực hóa mục tiêu, tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư bằng những phương pháp cụ thể, thiết thực. Tong đó, tập trung vào các doanh nghiệp, nhà đầu tư kinh doanh bất động sản, khai khoáng, xây dựng,...
Đặc biệt, Quảng Nam sẽ tập trung giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư quyết liệt, mạnh mẽ đối với các dự án trọng điểm của tỉnh như các dự án đầu tư tại các khu công nghiệp của tỉnh, các dự án của THACO, Hoiana, Sân bay Chu Lai, cảng Kỳ Hà, Nạo vét sông Trường Giang, Quốc lộ 14D, Trung tâm công nghiệp dược liệu tự nhiên, Trung tâm công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm từ Silica … Cơ bản hoàn thành các dự án, công trình dở dang, kéo dài nhiều năm, dừng thi công, thi công chậm tiến độ, gây lãng phí.
“Đẩy mạnh phát triển ngành Công nghiệp khai khoáng trên địa bàn tỉnh. Đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát danh mục khoáng sản đã được quy hoạch tại Quyết định 72/QĐ-TTg ngày 17/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, khẩn trương đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương để nhanh chóng khai thác khoáng sản đảm bảo theo quy định”, ông Lê Văn Dũng yêu cầu.
Ngoài ra, địa phương này cũng sẽ tập trung thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, lưu ý phân bổ nguồn vốn đảm bảo không chồng chéo, trùng lặp địa bàn, phạm vi, nội dung, đối tượng đầu tư giữa các chương trình. Song song là thực hiện lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình, giữa các chương trình mục tiêu Quốc gia với chương trình, dự án khác theo quy định, giải ngân quyết liệt vốn thực hiện, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân ở mức cao nhất.
Được biết, Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, xây dựng cơ chế hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, tập trung xúc tiến, thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao. Đồng thời, sở này cũng phải kịp thời nắm bắt, xử lý khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp FDI, nhất là thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ các dự án tại tỉnh.
Đặc biệt là tăng cường thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao như đầu tư sân bay, cảng biển, chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo,...