Nghiên cứu - Trao đổi

Đưa khoáng sản trở thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội

Yến Nhung 11/01/2025 04:00

Để Luật Địa chất và Khoáng sản sớm đi vào cuộc sống, cần kịp thời xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật để tổ chức thực hiện đồng thời khi luật có hiệu lực.

Luật Địa chất và Khoáng sản 2024 (Luật) được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8, sẽ bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2025. Luật tập trung vào 5 chính sách trọng tâm, gồm chính sách về tài nguyên địa chất, khoáng sản; điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản; thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản; hoàn thiện chính sách về bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản; chiến lược, quy hoạch địa chất, khoáng sản; hoàn thiện chính sách về khu vực khoáng sản; hoàn thiện chính sách trong quản lý hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản; hoàn thiện chính sách tài chính về địa chất và khoáng sản. Bộ luật này được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản; đẩy mạnh điều tra địa chất về khoáng sản và công nghiệp khai khoáng.

051124_khoangsan1.jpg
Luật Địa chất và Khoáng sản 2024 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8, sẽ bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2025 - Ảnh MH: ITN

Nhiều chuyên gia nhấn mạnh, để chính sách mới thực sự đi vào cuộc sống, những người xây dựng Luật và các cơ quan quản lý nhà nước cần nỗ lực quyết tâm, chuẩn bị một cách kỹ càng các vấn đề liên quan, đặc biệt là việc xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đi kèm chất lượng nhất.

Chia sẻ về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận cho rằng, Chính phủ cần xây dựng và hoàn thiện các quy định, hướng dẫn chi tiết liên quan đến Luật để đảm bảo việc thực thi hiệu quả. Đồng thời, cần tiếp tục tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công chức về nội dung và quy định của Luật để họ có thể áp dụng trong công việc hàng ngày; thúc đẩy việc thông tin, tuyên truyền về Luật và những lợi ích mà nó mang lại cho địa phương và cộng đồng; Chính phủ cũng cần có giải pháp xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin liên quan để quản lý và sử dụng tài nguyên khoáng sản một cách bền vững và hiệu quả.

“Đồng thời, Chính phủ và các cơ quan chức năng liên quan cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi Luật tại cấp địa phương để đảm bảo tuân thủ và hiệu quả trong việc quản lý tài nguyên khoáng sản”, đại biểu này đề nghị.

Đồng tình với quan điểm nêu trên, để Luật sớm đi vào cuộc sống, ông Mai Thế Toản, Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, thứ nhất, cần phổ biển pháp luật đến cán bộ, công chức thuộc hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường các cấp thống nhất về nhận thức và hành động trong triển khai thi hành Luật nhất là các nội dung mới, quan trọng đã được tháo gỡ vướng mắc từ thực tiễn.

Thứ hai, kịp thời xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật để tổ chức thực hiện đồng thời khi luật có hiệu lực.

hoat-dong-khoang-san.jpg
Để Luật Địa chất và Khoáng sản sớm đi vào cuộc sống, cần kịp thời xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật để tổ chức thực hiện đồng thời khi luật có hiệu lực - Ảnh MH: ITN

Thứ ba, chuẩn bị tốt nguồn lực về con người và hạ tầng kỹ thuật để xây dựng cơ sở dữ liệu cũng như thực thi kiểm tra, kiểm soát sản lượng khoáng sản khai thác thực tế hàng năm. Trong đó, cần ưu tiên thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu số, trang thiết bị, công nghệ phục công tác kiểm soát hoạt động khoáng sản (công nghệ viễn thám, thiết bị bay không người lái UAV....).

Thứ tư, cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước từ khâu lập quy hoạch đến cấp phép, đóng cửa mỏ, bảo đảm giảm thiểu tất cả các tác động tiêu cực, rủi ro, sự cố về môi trường và xã hội có thể xảy ra trong suốt vòng đời của dự án khai thác mỏ và sau khi đóng cửa mỏ. Cần gắn công tác quy hoạch, quản lý khai thác khoáng sản với đô thị hóa - cấp nước - giao thông - thủy lợi - lâm nghiệp - du lịch và bảo vệ môi trường trong một thể thống nhất; có chế độ khuyến khích các phương án hoạt động khai thác bền vững khoáng sản (hài hòa lợi ích khai thác khoáng sản và bảo vệ tốt môi trường, lợi ích của thế hệ hôm nay và thế hệ mai sau, lợi ích của các bên liên quan).

Theo đại điện Cục Khoáng sản Việt Nam, hiện tại, hai đơn vị quản lý nhà nước về địa chất và khoáng sản (Cục Khoáng sản Việt Nam và Cục Địa chất Việt Nam trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) đang tập trung xây dựng các Nghị định và Thông tư hướng dẫn chi tiết thi hành Luật. Cụ thể, đã hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật và đang xây dựng Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản. Các Nghị định này đang được gửi lấy ý kiến góp ý của các thành viên Ban soạn thảo, Tổ Biên tập và các cơ quan, tổ chức liên quan. Bên cạnh đó, hai đơn vị cũng đang soạn thảo các Thông tư hướng dẫn, đảm bảo khi Luật có hiệu lực vào ngày 1/7/2025, toàn bộ hệ thống văn bản hướng dẫn sẽ sẵn sàng để triển khai đồng bộ.

Dự kiến sẽ có các văn bản hướng dẫn cụ thể về công tác cấp phép, quản lý tài nguyên khoáng sản, trách nhiệm bảo vệ môi trường, cũng như các chế tài xử lý vi phạm. Quá trình soạn thảo sẽ được thực hiện minh bạch, lấy ý kiến rộng rãi từ các chuyên gia, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả khi áp dụng vào thực tế.

Yến Nhung