Đã có chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 09/2025/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật.
Theo đó, Nghị định 09/2025/NĐ-CP ngày 10/01/2025 được ban hành nhằm thay thế Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 25/02/2025.
Nghị định mới quy định về chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, sản xuất muối hoặc một phần chi phí sản xuất ban đầu để khôi phục sản xuất nông nghiệp vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật. Đối tượng hỗ trợ là cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân (không bao gồm các doanh nghiệp thuộc lực lượng vũ trang) có hoạt động trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, sản xuất muối (cơ sở sản xuất) bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật.
Đồng thời quy định cụ thể mức hỗ trợ bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật như: Mức hỗ trợ đối với cây trồng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật; Mức hỗ trợ đối với lâm nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật; Mức hỗ trợ đối với thủy sản bị thiệt hại do thiên tai (bao gồm nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản); Mức hỗ trợ đối với vật nuôi bị thiệt hại (chết, mất tích) do thiên tai; Mức hỗ trợ đối với sản xuất muối bị thiệt hại do thiên tai (bao gồm diện tích đang sản xuất hoặc diện tích có muối đã được tập kết trên ruộng).
Nghị định cũng nêu rõ, trường hợp hỗ trợ bằng giống cây, con, hiện vật, mức hỗ trợ được quy đổi tương đương hỗ trợ bằng tiền theo giá tại thời điểm hỗ trợ.
Cùng với các nội dung đã nêu, Nghị định mới cũng quy định về việc thành lập Tổ kiểm tra thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại; về trình tự, trách nhiệm của UBND các cấp trong thực hiện hỗ trợ.
Theo đó, Chủ tịch UBND cấp xã thành lập Tổ kiểm tra phối hợp với cơ sở sản xuất tiến hành thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại báo cáo UBND cấp xã để giải quyết.
Tổ kiểm tra bao gồm đại diện UBND cấp xã, đại diện một số tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương, đại diện thôn, tổ dân phố. Trường hợp cần thiết, Chủ tịch UBND cấp xã quyết định mời đại diện UBND cấp huyện tham gia Tổ kiểm tra. Tổ kiểm tra thực hiện phối hợp với cơ sở sản xuất tổ chức thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ cụ thể báo cáo UBND cấp xã.
UBND cấp xã tổng hợp báo cáo UBND cấp huyện. Căn cứ báo cáo của UBND cấp xã, UBND cấp huyện tổ chức thẩm định và quyết định hỗ trợ theo thẩm quyền hoặc tổng hợp báo cáo UBND cấp tỉnh.
Căn cứ báo cáo của UBND cấp huyện, cơ quan chuyên môn về nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc UBND cấp tỉnh có trách nhiệm thẩm định, trình UBND cấp tỉnh phê duyệt và bố trí ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác để đáp ứng kịp thời nhu cầu hỗ trợ khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật theo quy định tại Nghị định này.
Không chỉ có vậy, Nghị định này cũng quy định trách nhiệm của các đối tượng thụ hưởng từ ngân sách Nhà nước phải cung cấp đầy đủ thông tin, số liệu bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực về thông tin, số liệu thiệt hại.
Được biết, thiệt hại do thiên tai xảy ra từ ngày 01/9/2024 chưa được nhận hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP thì được thực hiện theo quy định tại Nghị định 9/2025/NĐ-CP.