Thị trường

TP HCM: giá thuê mặt bằng bán lẻ liên tục tăng

Vi Anh 11/01/2025 03:31

CBRE cho biết, mặt bằng bán lẻ trống tại khu vực trung tâm TP HCM hạn chế đã góp phần đẩy giá thuê tăng 10% mỗi năm.

Báo cáo thị trường bán lẻ từ Công ty tư vấn bất động sản CBRE cho thấy, mặt bằng bán lẻ ở khu vực trung tâm TP HCM (chủ yếu tại Q1) hiện chiếm chưa đến 12% tổng nguồn cung, trong khi tỷ lệ lấp đầy luôn ở mức 93 - 99%. Nguồn cung ít ỏi này khiến giá thuê tại các trung tâm thương mại nội thành tăng 10 – 11% mỗi năm.

TTTM TPHCM
Tỷ lệ lấp đầy trung bình tại các trung tâm thương mại TP HCM luôn duy trì trên 93%. Ảnh:VA

Riêng năm 2024, ghi nhận của CBRE cho thấy giá thuê tại các khu vực trung tâm đạt mức 280 USD (khoảng7 triệu đồng) trên mỗi mét vuông một tháng, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Trái ngược với khu trung tâm, giá thuê tại các dự án thương mại ở khu vực ngoài trung tâm thành phố tăng nhẹ hơn, khoảng 4 – 5% mỗi năm. Mức trung bình được ghi nhận là 53 USD (tương đương 1,3 triệu đồng). Trong đó có 4 dự án trung tâm thương mại mới khai trương tại khu ngoại thành là Central Premium, Parc Mall, Vincom Megamall Grandpark và Vincom 3/2 đều đạt tỷ lệ lấp đầy gần 100% ngay khi đi vào hoạt động.

Nghiên cứu của Dat Xanh Services cũng nhấn mạnh thực tế tương tự, tỷ lệ lấp đầy trung bình tại các trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố duy trì trên 93%. Giá thuê vì thế có xu hướng tăng 4 – 8% mỗi năm, nhất là ở khu trung tâm nơi quỹ đất khan hiếm và nhu cầu tìm kiếm mặt bằng của các thương hiệu vẫn rất lớn.

Chuyên gia của CBRE Việt Nam nhận định năm 2024 đánh dấu mức hấp thụ ròng cao nhất trong vòng 7 năm qua tại TP HCM, với 132.000 m2 sàn được thuê, đưa tỷ lệ trống của toàn thị trường xuống còn 7%. Đáng chú ý, các thương hiệu F&B, thời trang và phụ kiện chiếm đến 45% tổng số giao dịch, cho thấy sự dịch chuyển mạnh mẽ của các ngành hàng này vào các trung tâm thương mại.

TTTM TPHCM 1. jpg
Mặt bằng bán lẻ trống tại khu vực trung tâm TP HCM hạn chế đã góp phần đẩy giá thuê tăng 10% mỗi năm.

Đồng thời, sự xuất hiện và mở rộng của các thương hiệu Trung Quốc tại thị trường Việt Nam cũng khiến các vị trí trống nhanh chóng được lấp đầy, kéo theo đà tăng giá thuê ở các khu vực trung tâm và ngoại thành.

Bà Trang Lê - Giám đốc thị trường JLL Việt Nam cho rằng năm ngoái TP HCM ghi nhận 72.400 m2 diện tích bán lẻ được hấp thụ thuần, đưa tỷ lệ lấp đầy về mức trên 90%. Đặc biệt, khu trung tâm vẫn được xem là “điểm đến” ưu tiên khi các thương hiệu quốc tế như Popmart xuất hiện tại Vincom Đồng Khởi và Saigon Centre.

Không chỉ các chuỗi F&B, ngành bán lẻ phong cách sống cũng “bành trướng” mạnh mẽ ở khu vực ngoài trung tâm. Cuối năm 2024, Uniqlo và H&M đã khai trương cửa hàng tại Parc Mall; trong khi Muji chọn Thiso Mall Sala để đánh dấu sự hiện diện mới. Nhóm ngành nội thất, gia dụng cũng chứng kiến nhiều tên tuổi mở rộng với diện tích thuê lớn (từ 600m – 2.000m) như Nitori (Nhật Bản) có cửa hàng thứ hai tại tại Vincom Mega Mall Grand Park.

Đánh giá thị trường trong năm 2025, Savills Việt Nam cho biết khu vực trung tâm TP HCM dự kiến sẽ đón nhận nguồn cung mới chất lượng cao như dự án Marina Central phát triển bởi Masterise với diện tích thuê khoảng 13.000 m2. Tuy nhiên, nhìn chung quỹ đất hạn chế vẫn là yếu tố cốt lõi khiến giá thuê ở khu trung tâm duy trì đà tăng, nhờ nhu cầu lớn từ các nhà bán lẻ trong và ngoài nước.

Mặt khác, sự xuất hiện của nhiều trung tâm thương mại tại khu ngoài trung tâm sẽ phần nào kìm hãm đà tăng giá thuê tại đây. Song xu hướng mở rộng mạnh mẽ của các thương hiệu F&B, phong cách sống và khu vui chơi trẻ em được cho sẽ tiếp tục duy trì công suất lấp đầy cao. Điều này đồng thời tạo áp lực tìm kiếm mặt bằng và duy trì động lực tăng trưởng giá thuê trên toàn thị trường bán lẻ TP HCM trong thời gian tới.

Vi Anh