Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sẽ rõ ràng hơn trong năm 2025
Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành tại Hội nghị Hội viên VCCI năm 2024, do VCCI – HCM tổ chức tối ngày 10/01, tại TP HCM.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh khu vực TP HCM (VCCI – HCM) Trần Ngọc Liêm đánh giá cao những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp Hội viên VCCI nói riêng, trong việc hoàn thành mục tiêu kinh doanh của năm 2024, qua đó góp phần vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế quốc gia. Ông cho rằng, trong năm 2024, các doanh nghiệp hội viên VCCI đã đạt được nhiều kết quả tích cực, mặc dù tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn.
Theo Giám đốc VCCI – HCM Trần Ngọc Liêm. mặc dù, xuất khẩu có kết quả tăng trưởng 2 con số, nhưng nếu nhìn sâu hơn thì thấy, trong tổng số 46 nhóm mặt hàng, thì có đến 21 nhóm mặt hàng vẫn chưa vượt qua được mốc của năm 2022. Đặc biệt, đối với những nhóm hàng chính sử dụng nhiều nhân công và có nhiều nhà máy như dệt may, da giầy, điện tử…kết quả kinh doanh vẫn còn thể hiện nhiều khó khăn.
Bước sang năm 2025, Giám đốc VCCI – HCM Trần Ngọc Liêm cho rằng, với lãnh đạo mới, chủ trương mới, quyết tâm mới rất rõ ràng, cộng đồng doanh nghiệp rất hân hoan và kỳ vọng vào cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn phải chờ đợi sự vận hành ở cấp cơ sở thời gian tới như thế nào.
Bên cạnh đó, câu chuyện hoàn thuế giá trị gia tăng cũng là một câu chuyện rất đau đầu của các doanh nghiệp. Ông cho biết, có doanh nghiệp phản ánh bị vướng cả 3 vấn đề liên quan đến thuế như không những không được hoàn thuế, mà còn bị phạt truy thu thuế và bị phạt vi phạm về thuế, không những vậy, doanh nghiệp còn bị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.
"Tuy nhiên, khi cơ quan điều tra trung ương về điều tra thì có kết luận là những giao dịch của doanh nghiệp là giao dịch thật, nhưng do các đối tác ký hóa đơn, chứng từ bị mất vì COVID-19. Do đó, các chi phí không được công nhận là chi phí hợp lệ để được hưởng chính sách hoàn thuế lên đến hàng trăm tỷ đồng", Giám đốc VCCI – HCM Trần Ngọc Liêm cho biết.
Ông cũng cho rằng, không chỉ các doanh nghiệp trong nước phản ánh những bức xúc về câu chuyện hoàn thuế, mà nhiều hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam Kocharm cũng đã có nhiều phản ánh về câu chuyện hoàn thuế này. Điều này cho thấy, câu chuyện về hoàn thuế vẫn đang là một trong những bức xúc rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp.
Do đó, Giám đốc VCCI – HCM Trần Ngọc Liêm kỳ vọng trong năm 2025, VCCI với vai trò là tổ chức Quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp cần phải tăng cường hơn nữa vai trò của mình trong việc góp ý xây dựng chính sách, nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động.
Phát biểu tại Hội nghị Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành đánh giá, năm 2024 là một năm còn nhiều khó khăn ở cả thị trường quốc tế lẫn thị trường trong nước. Sau đại dịch COVID-19, nền kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn, trước những vấn đề về căng thẳng chính trị ở Trung Đông, cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc và sung đột giữa Nga – Ukraine, cùng nhiều vấn đề khác đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế của Việt Nam.
Tuy nhiên, trong năm 2024, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng tự hào và ấn tượng như tốc độ tăng trưởng GDP của năm 2024 đạt 7,09%, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 2 năm qua và nằm trong TOP những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao. Quy mô nền kinh tế trong năm 2024 đạt 470 tỷ USD, nằm trong TOP 4 của các nền kinh tế lớn nhất toàn cầu. Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 USD, phấn đấu trong năm 2025 thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD.
Về thương mại, Việt Nam nằm trong TOP 20 các nền kinh tế có kim ngạch thương mại lớn nhất thế giới, với quy mô đạt khoảng 786 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm 2024. Nếu so với năm 1986, khi đất nước bắt đầu đổi mới, quy mô nền kinh tế của Việt Nam đã tăng trưởng 96 lần, đây là sự phát triển rất lớn mạnh.
Về đầu tư nước ngoài, ông Thành cho rằng, trong khi thu hút đầu tư nước ngoài ở nhiều nước có xu hướng giảm, thì thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tăng trưởng. Theo đó, trong năm 2024, vốn đầu tư FDI đăng ký vào Việt Nam đạt khoảng 38 tỷ USD, trong đó, vốn FDI thực hiện đạt 25,3 tỷ USD và là con số giải ngân vốn FDI cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Ngoài ra, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm 2024 cũng đạt 17,6 triệu lượt khách, gần bằng con số 18 triệu lượt khách năm 2019 (thời điểm trước dịch COVID-19). Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu đạt 20 triệu khách du lịch quốc tế; Thu ngân sách Nhà nước lần đầu tiên vượt con số 2 triệu tỷ đồng, do có nhiều giải pháp quản lý và tránh thất thu thuế…
Mặc dù vậy, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành cũng nhìn nhận trong năm 2024, tình hình doanh nghiệp vẫn gặp một số khó khăn nhất định, khi số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt 234.000 doanh nghiệp, trong khi số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động chờ giải thể lên đến 197.000 doanh nghiệp, tăng 11,7% so với năm 2023. Đây là con số rất lớn, thể hiện sự khó khăn của các doanh nghiệp vẫn còn rất lớn.
Nhận định về những thuận lợi trong năm 2025, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành cho rằng, tốc độ tăng trưởng GDP cao của năm 2024 sẽ là tiền đề cho sự tăng trưởng của các năm tiếp theo, đặc biệt là cho năm 2025. Kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh, đặc biệt là Việt Nam xuất siêu lớn cũng sẽ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá đầu ra.
“Bên cạnh đó, với hơn 100 triệu dân, tiềm năng về nhu cầu tiêu thụ thị trường nội địa của chúng ta còn rất lớn. Tỷ lệ dân số trẻ và tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng. Ngoài ra, đầu tư công sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2025 và những năm tiếp theo. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong năm nay cũng sẽ rất rõ ràng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp”, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành đánh giá.
Đối với những thách thức trong năm 2025, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành nhận định, năm 2025 vẫn còn rất nhiều thách thức, kinh tế thế giới còn nhiều rủi ro, lạm phát, suy thoái cục bộ, căng thẳng địa chính trị, căng thẳng Trung Đông vẫn còn rất phức tạp…Cùng với đó là thách thức liên quan đến nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Mỹ Donald Trump (Trump 2.0 – PV), với nhiều chính sách liên quan đến thuế rất khó lường, trong khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Nếu bị áp thuế quan cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó là những thách thức liên quan đến thu hút đầu tư do có sự cạnh tranh rất lớn đến từ các quốc gia trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Malaysia; cạnh tranh về năng suất, cũng như các vấn đề liên quan đến môi trường và biến đổi khí hậu…
Từ đó, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành nêu những giải pháp như: Tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh xuất khẩu, tăng dự trữ ngoại tệ, duy trì xuất siêu cao, đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt là dự án cao tốc Bắc – Nam; tiếp tục đẩy mạnh thu hút FDI có chọn lọc, thu hút những dự án có giá trị gia tăng cao, công nghệ cao, công nghiệp xanh và không gây ô nhiễm môi trường; Cùng với đó là thúc đẩy xuất khẩu, hội nhập quốc tế, hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh rủi ro khi phụ thuộc vào một thị trường.
“Ngoài ra, cần phải đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng số hiện đại, phát triển kinh tế số, khuyến khích sử dụng công nghệ trong nông nghiệp và nhiều ngành nghề khác, với mục tiêu kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP; Phát triển kinh tế xanh bền vững, đầu tư vào năng lượng tái tạo, sử dụng hiệu quả tài nguyên và giảm phát thải khí nhà kính…”, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành nhấn mạnh.
Đồng thời, ông cũng cho rằng, cần phải cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp, nâng cao kỹ năng lao động. Bởi hiện nay, Việt Nam mặc dù có một lực lượng lao động dồi dào, tuy nhiên, nguồn lao động được đào tạo bài bản, được cấp giấy chứng nhận chỉ có tỷ lệ rất thấp.