Nghệ An: “Trăn trở” mời nhà máy lên vùng đất khó
Việc đặt nhà máy sản xuất ở vùng xa xôi, hẻo lánh nơi miền Tây xứ Nghệ còn kém về hạ tầng vừa là thách thức, vừa là quyết định khó khăn đối với doanh nghiệp…
Rủi ro cao là điều doanh nghiệp khó tránh khỏi, nhất là với các nhà máy sản xuất, kinh doanh khi nguồn lực ở các địa phương miền núi còn yếu và thiếu nhiều mặt. Mặc dù các cấp chính quyền ra sức kêu gọi đầu tư, “mở cửa” bằng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng kết quả thu hút vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực.
“Khoảng trống” nguồn lực
Các huyện miền núi, vùng cao nằm ở phía Tây tỉnh Nghệ An có nhiều thuận lợi về điều kiện tự nhiên, khí hậu. Những năm qua, chính quyền các địa phương nỗ lực trong công tác thu hút, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm kéo doanh nghiệp về phát triển kinh tế nhưng sau khi đến khảo sát thực tế thì phần lớn các doanh nghiệp đều “một đi không trở lại”.
Nguyên nhân được các nhà đầu tư lý giải rằng, với địa hình núi cao, hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, hạ tầng yếu kém, đặc biệt là nguồn nhân lực còn thiếu và kém chất lượng thì rất khó để các huyện miền núi phía Tây thu hút được các doanh nghiệp đến tham gia đầu tư, nhất là ở lĩnh vực công nghiệp.
Đơn cử như tại huyện Kỳ Sơn, mặc dù địa phương này đã thực hiện quy hoạch cụm công nghiệp nhỏ trên địa bàn xã Chiêu Lưu từ cách đây 2 thập kỷ, nhưng đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào quyết định đặt chân, lót ổ tại nơi này để thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo lãnh đạo huyện này cho hay: Nhiều nhà đầu tư đã đến đây khảo sát, cũng đánh giá cao quy hoạch, cũng hứa hẹn nhiều, nhưng sau đó không thấy hồi âm gì. Ngoài khu quy hoạch cụm công nghiệp Chiêu Lưu, với địa hình núi cao, dốc của địa phương thì rất khó có thể xác định được một địa điểm đủ rộng để doanh nghiệp xây dựng nhà máy quy mô vài trăm lao động trở lên và các công trình phụ trợ khác liên quan.
Chưa kể, với phần lớn dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là đồng bào Khơ Mú, Mông, Thái..., địa phương này cũng gặp khó về chất lượng nguồn lao động. Thời gian qua, mặc dù huyện Kỳ Sơn đã tập trung đẩy mạnh đào tạo nghề, nâng cao chất lượng lao động nhưng chưa thể đáp ứng đủ yêu cầu của các doanh nghiệp, đây thực sự đang là khoảng trống cần phải lấp đầy.
Mặt khác, dù địa phương này cũng có một số nông sản đã được chỉ dẫn địa lý nhưng nguồn lực của địa phương không thể đầu tư xây dựng nhà máy. Bên cạnh đó, với địa hình, địa thế và cách thức, phong tục canh tác hiện tại của người dân nơi đây, việc đảm bảo nguồn cung nguyên liệu ổn định cho các nhà máy chế biến nông sản là rất khó.
Không riêng gì Kỳ Sơn, nhiều cái khó bủa vây, bởi vậy, việc có một nhà máy có quy mô đủ lớn có thể giải quyết tại chỗ cho người lao động đang là mơ ước của nhiều lãnh đạo các huyện miền núi, vùng cao miền Tây Nghệ An.
Ông Phạm Trọng Bình – Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cũng từng chia sẻ: Huyện đi tìm doanh nghiệp, xin gặp doanh nghiệp để mời doanh nghiệp lên kế hoạch khảo sát đầu tư tại địa bàn. Với sự quyết tâm cao của huyện, các doanh nghiệp thấy được nhu cầu, mong muốn thực sự không chỉ riêng của đồng bào, mà là mong muốn của cả hệ thống chính trị tại địa phương.
“Quả ngọt” từ sự tận hiến
Với tiềm năng, lợi thế cũng như điều kiện về đặc tính lao động, huyện miền núi Con Cuông xác định đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến dược liệu và ngành may mặc. Việc thu hút đầu tư không chỉ tạo việc làm cho lao động địa phương mà sẽ góp phần giải quyết được những vấn đề xã hội do tình trạng lao động xa quê để lại như: bảo vệ, chăm sóc trẻ em và người cao tuổi.
Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về địa điểm sản xuất, tuyển dụng và đào tạo lao động cũng được huyện Con Cuông đẩy mạnh thực hiện. Bởi vậy, địa phương này đã có được những tín hiệu vui từ thu hút đầu tư. Từ giữa năm 2024, xưởng sản xuất của Công ty may Minh Anh Con Cuông chính thức đi vào hoạt động tại địa bàn xã Chi Khê, huyện Con Cuông. Đây cũng là nhà máy đầu tiên có quy mô lớn, trên 1.000 lao động tại huyện miền núi, vùng cao phía Tây Nghệ An.
Theo lãnh đạo huyện Cong Cuông cho hay, nhiều chính sách thu hút, hỗ trợ người lao động làm việc tại doanh nghiệp may đã được địa phương gấp rút triển khai như: Hỗ trợ chi phí đi lại, nhà ở trong thời gian lao động học nghề. Chỉ trong thời gian ngắn, có 250 lao động địa phương vững vàng vào chuyền sản xuất và số lượng lao động tăng gấp đôi sau 2 tuần tiếp theo.
“Khi doanh nghiệp bước vào sản xuất, chúng tôi đến tận xưởng để trực. Đặc tính của đồng bào là dễ tự ái, nên chúng tôi, với vai trò cầu nối, phải trao đổi với người quản lý của doanh nghiệp về cách thức truyền đạt tới công nhân. Rồi vấn đề chất lượng bữa ăn ca, mức thu nhập tối thiểu cho người lao động, hay việc từng bước hình thành tính kỷ luật lao động cùng huyện trao đổi, thống nhất với doanh nghiệp”, ông Phạm Trọng Bình – Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông thông tin.
Trong 3 tháng đầu, công nhân chưa có tay nghề được đảm bảo mức lương tối thiểu 5 triệu đồng/tháng. Từ tháng thứ 3, lương sẽ được tính theo năng suất lao động, có thể đạt 7-14 triệu đồng/tháng. Không chỉ thu hút lao động tại chỗ, sự có mặt của doanh nghiệp may này đã thu hút một bộ phận không nhỏ lao động xa quê trở về.
Dự kiến, khi đi vào sản xuất ổn định, công ty may này sẽ cần tới 3.000 lao động. Bởi vậy, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền tới lao động ở các xã, huyện Con Cuông đang tích cực thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động đến người dân đi làm ăn xa.
Được biết, trong năm 2024, huyện Con Cuông cũng thành công trong việc thu hút 2 dự án về chế biến lâm sản và vật liệu xây dựng với tổng mức đầu tư hơn 150 tỷ đồng. Cả 2 dự án này đã được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư và kỳ vọng sẽ tạo động lực cho huyện phát triển kinh tế cũng như góp phần giải bài toán lao động rời quê ở địa phương này.