Kinh tế thế giới

Vì sao kiềm chế công nghệ khó giúp Mỹ "chiến thắng" Trung Quốc?

Nam Trần 13/01/2025 03:28

Mô hình ngôn ngữ lớn DeepSeek-V3 của Trung Quốc cho thấy lý do vì sao các lệnh siết chặt của Mỹ cũng không chắc giúp Mỹ giành ưu thế về công nghệ.

deepseekv3.jpg
Mô hình Ngôn ngữ lớn DeepSeek-V3 của Trung Quốc là một thành tựu đáng chú ý giữa cuộc cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung

Một mô hình mới đầy hứa hẹn của Trung Quốc chỉ ra rằng những đổi mới trong trí tuệ nhân tạo không nhất thiết phải phụ thuộc vào các con chip tiên tiến nhất.

DeepSeek-V3 và bài học lớn đằng sau

Giữa những tiến bộ công nghệ ngày càng nhiều, sự xuất hiện của DeepSeek-V3, một mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) mới của Trung Quốc có ý nghĩa to lớn hơn, như cuộc thương chiến nhằm giành ưu thế trong thời đại số giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

DeepSeek được ông Tyler Cowen, một nhà bình luận và giáo sư kinh tế tại Đại học George Mason (Mỹ) đánh giá là một trong những mô hình ngôn ngữ tốt nhất trong số hàng chục mô hình tương tự gần đây. Dù không bằng các mô hình hàng đầu của Mỹ trong việc xử lý các câu hỏi phức tạp, nó vẫn được đánh giá cao nhờ tốc độ nhanh, dễ dùng và miễn phí.

Tuy nhiên, đằng sau đó là những vấn đề lớn hơn. Thứ nhất, nó được phát triển bởi một quỹ phòng hộ, chứ không phải một công ty công nghệ. Thứ hai, mô hình này được đào tạo với chi phí rất thấp, ước tính chỉ khoảng 5,5 triệu USD, chưa tính các chi phí ngoài điện toán.

Điều đáng chú ý nhất, DeepSeek không sử dụng các con chip bán dẫn chất lượng cao nhất, cho thấy Trung Quốc đang thay đổi tập trung vào phát triển các hệ thống AI hiệu quả không phụ thuộc vào chip chất lượng cao.

Các chính quyền Mỹ gần đây đã nỗ lực không ngừng nghỉ để hạn chế việc Trung Quốc tiếp cận các con chip tiên tiến nhất vì lý do an ninh quốc gia. Mục tiêu của Mỹ là muốn làm chậm tiến trình phát triển AI và các công nghệ quân sự liên quan của Trung Quốc.

Theo ông Tyler Cowen, chính sách này có thể đã làm chậm tiến trình phát triển AI của Trung Quốc vài năm, nhưng cũng đã thúc đẩy một đổi mới lớn của Trung Quốc – chính là DeepSeek. Không có quyền tiếp cận các con chip tiên tiến nhất, DeepSeek buộc phải tìm kiếm những cách thức khác rẻ hơn để đào tạo mô hình.

Trước tới nay, thế giới nghĩ rằng một hệ thống AI chất lượng cao chỉ có thể được đào tạo với một số tiền khổng lồ. Nhưng chi phí cho DeepSeek và chất lượng của nó có thể khiến những hệ thống AI tương đương trở nên khả thi đối với các quốc gia thù địch với Mỹ, như Nga, Iran, Pakistan và những nước khác.

“Thậm chí, một tỷ phú nước ngoài có thể khởi xướng một chương trình tương tự, dù nguồn nhân lực có thể là một rào cản. Dù hệ thống của Trung Quốc và các ứng dụng tiềm năng của nó có thể gây lo ngại, nhưng những biến thể lấy cảm hứng từ DeepSeek tại các quốc gia khác có thể còn đáng lo ngại hơn,” ông Tyler Cowen bình luận.

Cuộc cạnh tranh công nghệ hứa hẹn sẽ ngày càng căng thẳng giữa 2 cường quốc Mỹ và Trung Quốc (Ảnh: AP)
Cuộc cạnh tranh công nghệ hứa hẹn thúc đẩy các hướng đi mới cho phát triển AI toàn cầu (Ảnh: AP)

Tác dụng phụ của chính sách cấm

Tổng thống đắc cử Donald Trump rất có thể sẽ thúc đẩy hơn nữa chính sách hạn chế xuất khẩu chip, nhưng DeepSeek có thể là minh chứng cho những tác dụng phụ của chính sách cứng rắn kiểu này.

Trung Quốc sẽ tìm cách phát triển các hệ thống AI hiệu quả hơn mà không phụ thuộc vào chip cao cấp, theo Tyler Cowen. Điều này có thể dẫn đến sự đổi mới trong thiết kế thuật toán và kiến trúc AI, giảm dần sự phụ thuộc vào các phần cứng tiên tiến. Về dài hạn, nếu Trung Quốc thành công trong việc đạt được các đột phá này, Mỹ có thể vô tình đẩy nhanh sự phát triển của các công nghệ AI không cần chip cao cấp, làm suy giảm lợi thế công nghệ của mình.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng khó có thể kiểm soát được việc Trung Quốc tìm cách lách các lệnh cấm, như mua chip qua trung gian hoặc thuê hạ tầng AI từ nước ngoài. Trong bối cảnh thị trường công nghệ toàn cầu, việc kiểm soát toàn diện chuỗi cung ứng là một nhiệm vụ đầy thách thức.

Trong quá khứ, mỗi khi chịu một lệnh cấm bán hàng của Mỹ, Trung Quốc đều có thể tìm cách bán mặt hàng tương tự thông qua việc đổi thương hiệu qua bên thứ ba, khi nhiều quốc gia châu Á sẵn sàng hỗ trợ.

Mỹ đang tăng cường các biện pháp giám sát và kiểm soát ngành, nhưng khả năng thực sự ngăn chặn các giao dịch thông qua bên thứ ba là rất hạn chế. Tốc độ và sự linh hoạt của các doanh nghiệp trong việc lách luật thường vượt xa khả năng ứng phó của các cơ quan quản lý.

“Mỹ đang đáp trả bằng các biện pháp kiểm soát ngành chặt chẽ hơn — nhưng liệu nước này có thể thực sự kiểm soát được một thị trường toàn cầu không? Tôi ngày càng hoài nghi điều đó,” Tyler Cowen nhấn mạnh.

Nam Trần