Kinh tế

Những yếu tố nào tác động đến triển vọng ngành xây dựng?

Đình Đại 13/01/2025 04:10

Trong báo cáo ngành xây dựng mới đây, ABS Research cho rằng, đầu tư công là trụ cột tăng trưởng của năm 2025, đồng thời chỉ ra 5 yếu tố tác động đến triển vọng của ngành.

xaydung.jpg
Đầu tư công là trụ cột tăng trưởng của của ngành xây dựng năm 2025. (Trong ảnh: Công nhân đang thi công dự án Sân bay Quốc tế Long Thành - Ảnh: Ngân Giang).

Một là, giải ngân vốn đầu tư công vẫn là nhiệm vụ trọng tâm. Năm 2025 là năm cuối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025. Theo đó, Chính phủ đã đề ra kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 là hơn 790.000 tỷ đồng (Quốc hội chưa thông qua), tăng đáng kể so với kế hoạch hơn 670.000 tỷ đồng của năm 2024. Trong bối cảnh tình hình giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm 2024 đến nay chậm đáng kể hơn so với kế hoạch đề ra, Chính phủ và các địa phương đang tập trung chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành mục tiêu.

ABS Research cho rằng, nhân tố quan trọng giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hướng tới Đại hội XIV của Đảng (năm 2026). Mới đây, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc triển khai tổng kết thực hiện Nghi quyết 18 của BCH TW khóa 12, tình hình kinh tế xã hội 2024 và giải pháp năm 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề ra mục tiêu GDP tăng trưởng khoảng 8% trong năm 2025, tạo đà tăng trưởng 2 con số trong năm 2026 – 2030. Vai trò của hoạt động đầu tư công để thực hiện mục tiêu này rất quan trọng, sẽ được đẩy mạnh ngay từ đầu năm 2025. Mục tiêu cụ thể trong 2025 được Thủ tướng đề ra là hoàn thành ít nhất 3.000 km đường bộ cao tốc, cơ bản hoàn thành sân bay Long Thành, xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước...

“Năm 2025 cũng là năm “bản lề” với nhiều sự kiện quan trọng của đất nước như kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 80 năm thành lập nước và là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV với “kỷ nguyên vươn mình” của dân tộc. Nên hoạt động đầu tư công sẽ là một trong những kênh được chú trọng triển khai để hoàn thành mục tiêu đã đề ra”, ABS Research đánh giá.

Hai là, điểm rơi hoàn thành một số dự án quan trọng. Dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 có tổng chiều dài 721 km với 12 dự án thành phần, khởi công từ đầu năm 2023 và đến hiện tại đã hoàn thiện khoảng 60,8% giá trị hợp đồng. Một số dự án có sản lượng và tiến độ thi công tốt như: Bãi VọtHàm Nghi, Vũng Áng-Bùng, Bùng-Vạn Ninh, Chí Thạnh-Vân Phong, Vân Phong-Nha Trang. Công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn thiện phần lớn, đạt 99,96% (720,9/721,3 km). Riêng trong năm 2024, các Dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đã giải ngân được 28.967/36.228 tỷ đồng đạt khoảng 79% kế hoạch được giao.

dautucong.jpg

Các công trình chậm tiến độ do vướng mắc về vật liệu xây dựng (như Cần Thơ-Hậu Giang, Hậu Giang-Cà Mau) cũng đang được đẩy mạnh tháo gỡ trong việc chấp thuận chủ trương khai thác. Đây sẽ là những tiền đề để cho năm 2025 khi các công trình dần về đích, đặc biệt một số công trình sẽ hoàn thiện trước 30/04/2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ba là, hoạt động phát triển hạ tầng tiếp tục được chú trọng. Dự kiến đến cuối năm 2025, cả nước sẽ có trên 3.000 km đường cao tốc và cuối năm 2030 sẽ có khoảng trên 5.000 km. Theo sau dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 (cao tốc Bắc – Nam phía Đông) sẽ là tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây với tổng chiều dài trên 1.200 km qua 23 tỉnh, thành phố. Bên cạnh các dự án cao tốc và đường sắt cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế cũng sẽ được chú trọng trong dài hạn.

Lĩnh vực đường sắt, tổng mức đầu tư các dự án đến năm 2030 vào khoảng 151 tỷ USD, bao gồm cả đường sắt đô thị. Lĩnh vực đường thủy nội địa tập trung phát triển các tuyến vận tải thủy ven biển khu vực miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long với tổng mức đầu tư các dự án đến năm 2030 vào khoảng 11 tỷ USD. Lĩnh vực hàng hải sẽ cải tạo nâng cấp các luồng hàng hải quan trọng, phát triển các khu bến cảng Lạch Huyện, Cần Giờ, Vân Phong, Trần Đề với tổng mức đầu tư đến năm 2030 hơn 4 tỷ USD.

Bốn là, dự án trọng điểm đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Dự án Đường sắt Cao tốc Bắc – Nam khi triển khai sẽ mang lại khối lượng công việc khổng lồ cho các đơn vị thầu xây dựng (thi công hạ tầng, nền móng) cũng như các doanh nghiệp cung cấp vật liệu xây dựng (thép, đá xây dựng, xi măng, …)

Năm là, tích cực hỗ trợ các vấn đề pháp lý. Sửa Luật Đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang kiến nghị sửa đổi Luật Đầu tư công với một số điểm đáng chú ý nhằm tăng cường hiệu quả quản lý và sử dụng vốn. Bên cạnh đó, sửa Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) để đẩy nhanh tốc độ thi công công trình trọng điểm với nhiều nội dung đáng chú ý.

Tuy nhiên, ABS Research cũng cho rằng, việc giải ngân vốn đầu tư công có rủi ro chậm hơn tiến độ đề ra, dẫn đến tình trạng tăng nợ công. Việc chậm trễ đến từ một số nguyên nhân như: Chưa chuẩn bị tốt công tác đầu tư, dồn nhiệm vụ vào cuối năm; Thủ tục phê duyệt dự án và công tác giải phóng mặt bằng kéo dài; Thay đổi chi phí so với dự toán ban đầu; Năng lực nhà thầu yếu kém.

Đình Đại